9 nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Khoa học và Công nghệ năm 2025
Nhằm đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, cải thiện an sinh xã hội và chất lượng cuộc sống nhân dân, năm 2025, Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung triển khai 9 nhiệm vụ trọng tâm.
Để KHCN&ĐMST đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Lê Xuân Định cho biết, năm 2025 là năm đặc biệt quan trọng, năm tăng tốc, bứt phá, về đích; phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025). Đây cũng là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng với kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Theo đó, Bộ KH&CN tập trung triển khai 9 nhiệm vụ trọng tâm:
Một là, quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng tại các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về KHCN&ĐMST. Khẩn trương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tham mưu, trình Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN&ĐMST và chuyển đổi số quốc gia.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cùng các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. |
Hai là, quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai thực hiện Đề án hợp nhất Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ KH&CN; sắp xếp, cơ cấu lại và giảm mạnh tổ chức bên trong để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn sau khi hợp nhất. Đảm bảo bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ và đi vào hoạt động ngay; không để ngắt quãng công việc, không để khoảng trống về thời gian, không để bỏ trống địa bàn, lĩnh vực; không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của xã hội, của doanh nghiệp và của người dân...
Ba là, tập trung sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về KHCN&ĐMST, triển khai các cơ chế thí điểm, vượt trội, đặc thù về KHCN&ĐMST góp phần tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản, giải phóng các nguồn lực, khuyến khích KHCN&ĐMST phát triển, để KHCN&ĐMST thực sự trở thành động lực chính đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới. Trong đó, Bộ KH&CN tập trung hoàn thiện, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội 4 dự án Luật trong năm 2025, gồm: Dự án Luật KHCN&ĐMST; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).
Bốn là, triển khai hiệu quả, đồng bộ các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) cấp quốc gia trung hạn đến năm 2025 và dài hạn đến năm 2030; xác định rõ công nghệ chiến lược, công nghệ lõi, công nghệ cao cần ưu tiên phát triển dựa trên thế mạnh, thực tiễn của Việt Nam. Khuyến khích đầu tư, phát triển các trung tâm dữ liệu lớn về KHCN&ĐMST, các kho dữ liệu khoa học dùng chung; kết nối các cộng đồng khoa học mở ở Việt Nam.
Năm là, phát triển mạnh nhân lực KH&CN, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực ngành bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây… Hình thành và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, tạo điều kiện cho các nhóm nghiên cứu trẻ; có cơ chế, chính sách ưu tiên, đột phá, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để thu hút nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài tham gia phát triển KHCN&ĐMST Việt Nam.
![]() |
Sản phẩm công nghệ cao của Viettel tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024/ Ảnh minh họa. |
Sáu là, phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ và các mô hình kinh doanh mới... Thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp.
Bảy là, đẩy mạnh hợp tác với các đối tác chiến lược, quốc gia tiên tiến về KHCN&ĐMST, nhất là trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, công nghệ sinh học, công nghệ lượng tử và các công nghệ chiến lược khác. Gắn kết các hoạt động hợp tác quốc tế về KHCN&ĐMST với ngoại giao kinh tế, thúc đẩy nâng cao năng lực và chuyển giao công nghệ trong các thỏa thuận quốc tế, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Tám là, đẩy mạnh các hoạt động về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, hỗ trợ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, trong đó ưu tiên triển khai mạnh mẽ hạ tầng chất lượng quốc gia. Tập trung thúc đẩy bảo hộ, phát triển và khai thác tài sản trí tuệ phục vụ phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế. Tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình.
Chín là, tăng cường công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo quy định. Triển khai đồng bộ các giải pháp cải cách hành chính, trọng tâm là triển khai hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ các nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia, thực hiện hiệu quả Đề án 06.
Ưu tiên hoàn thiện thể chế, chính sách về KHCN&ĐMST
Để hoàn thành tốt phương hướng nhiệm vụ nêu trên, Bộ KH&CN kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn quan tâm, chỉ đạo Bộ KH&CN phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan.
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2025 của ngành KH&CN, Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, kết quả công tác của ngành KH&CN đạt được trong bối cảnh quốc tế diễn biến phức tạp, thế giới tiếp tục phát triển trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với nhiều yếu tố tác động bước ngoặt như: AI, dữ liệu lớn, Internet di động…, ảnh hưởng sâu sắc đến việc khai thác tiềm năng và thế mạnh của ngành KH&CN nước nhà. Với quyết tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo đúng đắn của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm cùng vai trò của Chính phủ, dự kiến 15/15 chỉ tiêu phát triển năm 2024 sẽ đạt và vượt; tăng trưởng GDP kỳ vọng vượt mức 7%. Trong thành tựu chung đó, Phó thủ tướng nhận định, có sự đóng góp của ngành KH&CN.
Phó thủ tướng bày tỏ ấn tượng với 2 trong nhiều kết quả ngành KH&CN đạt được năm 2024. Đó là: Bộ KH&CN đã tham mưu Chính phủ trình Bộ Chính trị Nghị quyết số 57-NQ/TW - Nghị quyết đột phá, xoay chuyển tình thế cho phát triển đất nước. Cùng với đó là công tác hoàn thiện thể chế, chính sách, các cơ chế liên quan đến KHCN&ĐMST.
Theo Phó thủ tướng, một số hạn chế cần tìm giải pháp vượt qua là cơ chế tài chính. Thời gian qua, đầu tư cho KH&CN chưa huy động được nguồn lực của các thành phần kinh tế, các tổ chức, cá nhân trong nước và nguồn lực từ hợp tác quốc tế. Cùng với đó, thị trường KH&CN đã bắt đầu hình thành nhưng chưa đạt tầm vóc thực sự. KH&CN chưa thực sự đóng vai trò tiên phong trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…
Nhấn mạnh năm 2025 là năm quyết định cho việc hoàn thành mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đề ra, tạo tiền đề cho nước ta bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Phó thủ tướng đề nghị Bộ KH&CN cần chủ động xây dựng Chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW tới các bộ, ngành, trình Chính phủ trước ngày 2-1-2025 để tiến tới Hội nghị toàn quốc triển khai Nghị quyết 57 dự kiến diễn ra ngày 13-1-2025.
Ngành KH&CN cần dành ưu tiên cao nhất cho công tác hoàn thiện thể chế chính sách về KHCN&ĐMST. Đồng thời, có giải pháp huy động sự tham gia của các nguồn lực trong và ngoài nước; coi trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; tập trung cho công tác kiện toàn sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết 18; phát huy thành tựu đạt được, ngành KH&CN sẽ tiếp tục có một năm phát triển, vươn mình trong kỷ nguyên mới.
THU HIỀN - MAI HÀ
Tin mới
Tổng thống Burundi tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam, chiều 4-4, Tổng thống Burundi Évariste Ndayishimiye và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Burundi đã tới thăm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam (thuộc 2 phường Tây Mỗ và Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội).
Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương gặp Phó chủ tịch thứ nhất Quốc hội Armenia Hakob Arshakyan
Sáng 4-4 (theo giờ địa phương), tại thủ đô Yerevan, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đã có cuộc gặp làm việc với Phó chủ tịch thứ nhất Quốc hội Armenia Hakob Arshakyan.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân thăm Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Yerevan
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Armenia, sáng 4-4 (theo giờ địa phương), tại thủ đô Yerevan, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân Nguyễn Thị Thanh Nga đã thăm Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Yerevan - niềm tự hào không chỉ của Armenia mà còn của cả khu vực.
Chủ tịch nước Lương Cường hội đàm với Tổng thống Burundi Évariste Ndayishimiye
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường và phu nhân, Tổng thống nước Cộng hòa Burundi Évariste Ndayishimiye và phu nhân thực hiện chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 3 đến 6-4. Sáng 4-4, sau lễ đón chính thức được tổ chức trọng thể tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Lương Cường đã hội đàm với Tổng thống Évariste Ndayishimiye.
Nhà Vua và Hoàng hậu Bỉ kết thúc tốt đẹp thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam
Trưa 4-4, Nhà Vua Philippe và Hoàng hậu Mathilde của Vương quốc Bỉ rời Thành phố Hồ Chí Minh, kết thúc tốt đẹp thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 31-3 đến ngày 4-4, theo lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường và Phu nhân.
Đề nghị kỷ luật nguyên Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình
Trong các ngày 31-3 và 3-4, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương họp kỳ thứ 55. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Duy Ngọc chủ trì kỳ họp.