Bảo đảm cung ứng đủ thuốc điều trị cúm
Trước diễn biến phức tạp của bệnh cúm, trong những ngày gần đây, nhiều người dân đổ xô đi mua thuốc Tamiflu (thuốc chứa hoạt chất Oseltamivir), thuốc kháng virus cúm A về dự trữ.
Tuy nhiên, các bác sĩ khuyến cáo người dân dùng thuốc Tamiflu cần phải có chỉ định và theo dõi chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa.
Theo đại diện Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), các thuốc chứa hoạt chất Oseltamivir hiện vẫn bảo đảm về nguồn cung. Đối với thuốc Tamiflu, theo thông tin từ công ty nhập khẩu, hiện tại, số lượng thuốc tồn kho là hơn 10.000 hộp. Sắp tới, công ty sẽ nhập thêm khoảng 50.000 hộp. Trong nước cũng sản xuất và cung ứng thuốc chứa Oseltamivir, hiện đang có hơn 300.000 viên... Trước đó, để bảo đảm cung ứng đầy đủ thuốc phục vụ công tác phòng và điều trị cúm, Cục Quản lý dược đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố, các bệnh viện, viện trực thuộc Bộ Y tế, các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc tiếp tục triển khai những nội dung về bảo đảm nguồn cung thuốc cho các bệnh có thể xảy ra trong mùa đông-xuân.
Cục Quản lý dược cũng đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn theo dõi sát tình hình dịch bệnh, nhu cầu sử dụng thuốc điều trị cúm; tăng cường kiểm tra, giám sát việc cung ứng và sử dụng thuốc, bảo đảm thuốc được phân phối hợp lý, tránh tình trạng đầu cơ, tăng giá bất hợp lý. Tại các bệnh viện trực thuộc, Bộ Y tế đã chủ động lập kế hoạch dự trữ và mua sắm thuốc điều trị cúm, đặc biệt là các thuốc kháng virus, bảo đảm sẵn sàng, cung ứng kịp thời thuốc điều trị bệnh cúm, sử dụng thuốc hợp lý, tránh lạm dụng thuốc kháng virus để hạn chế nguy cơ kháng thuốc.
![]() |
Bệnh nhân cúm phải nhập viện điều trị. Ảnh: TTXVN |
Theo PGS, TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai: Thuốc kháng virus điều trị cúm là Oseltamivir (Tamiflu) giúp điều trị giảm nhanh triệu chứng, tuy nhiên cần phải có chỉ định và theo dõi chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa. Các chuyên gia dịch tễ cũng nhấn mạnh, 80-90% trường hợp mắc cúm là ở thể nhẹ, có thể tự khỏi. Những trường hợp sốt cao kéo dài, liên tục, tổn thương phổi thì mới cần nhập viện điều trị. Không phải bệnh nhân nào bị cúm cũng dùng thuốc Tamiflu. Những trường hợp mắc cúm nhẹ thì không cần thiết phải uống Tamiflu, bệnh sẽ tự khỏi.
Bộ Y tế sẽ bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh trong nước và trên thế giới để chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị triển khai những biện pháp phù hợp, kịp thời. Cung cấp các thông tin đầy đủ, chính xác, không để xảy ra hoang mang, lo lắng nhưng không chủ quan, lơ là trước các diễn biến của dịch bệnh, nhất là trong thời điểm hiện tại với thời tiết thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh qua đường hô hấp lây lan; đồng thời cung cấp các khuyến cáo, thông điệp để người dân chủ động thực hiện những biện pháp phòng bệnh hiệu quả.
Cũng trong ngày 10-2, ghi nhận từ các trung tâm tiêm chủng của Hệ thống tiêm chủng VNVC cho thấy số lượt khách chủ động tiêm vaccine cúm tăng gấp 10 lần so với ngày thường. Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết: "Khách đến tiêm gồm trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh nền chiếm tỷ trọng lớn. Đây là nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh, biến chứng, tăng khả năng nhập viện và tử vong, cần được ưu tiên bảo vệ. Việc người dân tăng cường tiêm vaccine cúm cho thấy ý thức tiêm vaccine là phương pháp bảo vệ tối ưu trước các bệnh truyền nhiễm. Tiêm chủng phòng bệnh không chỉ tạo miễn dịch bảo vệ bản thân mà còn tạo miễn dịch cộng đồng, bảo vệ những người yếu thế, chưa được tiêm vaccine hoặc chưa đến tuổi tiêm chủng như trẻ sơ sinh, thai phụ, người mắc các bệnh lý cấp tính...".
DIỆP CHÂU
Tin mới
Các mức xử phạt vi phạm ATTP đối với cơ sở thức ăn đường phố
Theo Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế, thức ăn đường phố luôn tiềm ẩn nguy cơ mất ATTP. Vì vậy, cần sự phối hợp, chung tay vào cuộc của các ngành chức năng, ý thức của người kinh doanh.
Vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm khi kinh doanh thực phẩm trong khu lễ hội, xử lý như thế nào?
Dịch vụ ăn uống trong mùa lễ hội mang tính chất thời vụ nên không được đầu tư đầy đủ, thường thiếu chuyên nghiệp, và xuất hiện nhiều hộ kinh doanh cá thể, thiếu các yêu cầu cần thiết để đảm bảo an toàn thực phẩm.
Tập trung hoàn thành cao nhất mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là chỉ tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 27/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1 năm 2025, trong đó yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quán triệt, thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, tập trung thực hiện và hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2025 và cả nhiệm kỳ 2021 - 2025, nhất là chỉ tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên trong năm 2025.
Tăng tần suất kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm mùa lễ hội
Tăng cường thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm trong mùa lễ hội năm 2025 là yêu cầu của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế gửi Sở Y tế các địa phương.
Phát hiện, thu giữ gần 5 tấn đường cát nhập lậu
Ngày 07/02/2025, Đội QLTT số 3, Cục QLTT tỉnh Nghệ An phối hợp với lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra xe ô tô phát hiện phương tiện vận chuyển 3 tấn đường trắng được đóng trong 60 bao, trên bao bì nhãn hàng hóa có thể hiện nội dung do nước ngoài sản xuất.
Xử phạt 90 triệu đồng đối với doanh nghiệp kinh doanh gạch men nhập lậu
Ngày 10/02, Cục trưởng Cục quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Phúc Đạt CERAMIC, địa chỉ trụ sở chính: TDP Nam Cường, thị Trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu với số tiền 90 triệu đồng, đồng thời tịch thu hàng hóa là gạch men trị giá 107 triệu đồng.