Bệnh viện E: Cứu sống thanh niên với vết thương đâm thấu tim
Ngày 8-12, Bệnh viện E thông tin, đêm trực 7-12, kíp trực cấp cứu tại Khoa Cấp cứu của Bệnh viện đã tiếp nhận một bệnh nam (16 tuổi ở Hà Nội) vào viện với vết thương đâm thấu tim.
Bác sĩ Nguyễn Đình Liên, Trưởng khoa Phẫu thuật Thận tiết niệu và Nam học (Bệnh viện E), cho biết, kíp trực đêm 7-12 đã nhận được cuộc điện thoại từ Trung tâm cấp cứu 115 và Bệnh viện Đa khoa huyện Mê Linh (Hà Nội) về trường hợp một nam thanh niên, 16 tuổi, bị thương ở ngực, vết thương do vật sắc nhọn đâm vào, có thể nguy hiểm đến tính mạng. Ngay lập tức, kíp trực cấp cứu đã “ấn nút báo động đỏ” sẵn sàng cấp cứu người bệnh.
Chỉ sau đó ít phút, người bệnh được đưa vào cấp cứu trong tình trạng da xanh, niêm mạc nhợt do mất máu nhiều và thở máy qua nội khí quản, mạch nhanh, huyết áp thấp... Dưới sự chỉ huy của bác sĩ Nguyễn Công Hựu, Giám đốc Bệnh viện E; bác sĩ Nguyễn Hoàng Nam, Phó trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực (Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E) đã thực hiện ca mổ cấp cứu. Các bác sĩ cho hay, với những trường hợp cấp cứu vết thương lồng ngực, đặc biệt vết thương tim phức tạp đòi hỏi các bác sĩ phải xử trí thật nhanh và chính xác mới có thể cứu sống người bệnh đang nguy kịch. Như trường hợp người bệnh này, các bác sĩ đã không chờ kết quả các xét nghiệm mà “đẩy thẳng” vào phòng mổ mới kịp phẫu thuật cứu sống người bệnh.
![]() |
Bác sĩ Bệnh viện E thăm khám lại cho bệnh nhân sau ca phẫu thuật. |
Sau hơn 2 giờ phẫu thuật khẩn cấp, kíp phẫu thuật đã tiến hành mở dọc đường mở ngực: Đường ngực trước bên trái đi qua vết thương vào khoang màng phổi trái qua khoang liên sườn 4, tương ứng đi qua vết thương. Thăm dò màng tim, các bác sĩ xác định có vết thủng rách màng tim khoảng 2cm, có máu cục... Mở rộng màng tim, các bác sĩ tìm thấy có vết thương vị trí phễu của đường ra thất phải vẫn đang phun máu liên tục. Sau khi xử lý vết thương, các bác sĩ cẩn thận kiểm tra toàn bộ màng phổi để xác định không tổn thương nào khác trước khi đóng lồng ngực cho người bệnh.
12 tiếng sau phẫu thuật hiện tình trạng sốc mất máu của người bệnh đã ổn định và được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực điều trị. Tại đây, người bệnh đã tỉnh táo và tiếp xúc tốt, tự thở oxy, dự kiến có thể được xuất viện trong vài ngày tới.
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Nam cho biết, đây không phải là trường hợp đầu tiên các bác sĩ của Bệnh viện E cấp cứu và phẫu thuật thành công cho người bệnh với vết thương tim nguy kịch. Điều quan trọng, đối với những vết thương tim là tổn thương rất nặng và ít gặp của vết thương ngực hở (khoảng dưới 5%), được coi là tối cấp cứu trong ngoại khoa, vết thương tim cần được ưu tiên số 1 trong chẩn đoán, vận chuyển, xử lý. Vì vậy, thực hiện “báo động đỏ” xử trí cấp cứu tối khẩn cấp với mục đích là cứu sống được người bệnh, đưa người bệnh thoát khỏi tình trạng nguy kịch. Khi “nút” báo động đỏ được khởi động, các bác sĩ sẽ có cơ hội tiếp cận người bệnh và xử trí vết thương tim trong thời gian ngắn nhất.
Tin, ảnh: THANH XUÂN
Tin mới
Căng thẳng ở Trung Đông: Hamas phản hồi "tích cực" với đề xuất ngừng bắn và trao đổi con tin
Tối 4-7 (theo giờ địa phương), một quan chức Palestine cho biết phong trào Hồi giáo Hamas đã phản hồi “một cách tích cực” đối với đề xuất ngừng bắn và trao đổi con tin với Israrel.
Tổng thống Mỹ ký thành luật gói cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện
Tổng thống Donald Trump ngày 4-7 (giờ địa phương) đã ký thành luật gói cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện được ông gọi là "Một dự luật Vĩ đại và Tuyệt đẹp” trong một buổi lễ long trọng kỷ niệm lần thứ 249 Quốc khánh Mỹ.
Quân sự thế giới hôm nay (5-7): Vì sao Peru chọn tiêm kích Gripen E/F thay vì Rafale F-4 hay F-16?
Quân sự thế giới hôm nay (5-7) có những nội dung sau: Vì sao Peru chọn tiêm kích Gripen E/F thay vì Rafale F4 hay F-16? Mỹ thử nghiệm UAV vận tải Cento; Litva tăng cường năng lực phòng thủ với hệ thống tên lửa vác vai GROM.
TP Hà Nội: Số ca mắc sốt xuất huyết tăng
Chiều 4-7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội cho biết, từ ngày 27-6 đến 4-7, toàn thành phố ghi nhận 21 ca mắc sốt xuất huyết tại 17 xã, phường, tăng 8 ca mắc so với tuần trước.
Australia: Liệu pháp mới điều trị ung thư hiệu quả cao
Một phương pháp điều trị miễn dịch được cá nhân hóa đã chứng minh hiệu quả cao trong việc chữa một số dạng ung thư máu khi các phương pháp điều trị khác thất bại.
Xơ gan mất bù, u gan vì chủ quan không điều trị viêm gan B
Phát hiện viêm gan B muộn nhưng vẫn chủ quan không tuân thủ điều trị, bệnh nhân nhập viện cấp cứu trong tình trạng xơ gan mất bù.