Vào dịp Tết Trung thu, thị trường bánh kẹo, bánh trung thu, đồ chơi trẻ em đa dạng và phong phú. Để đáp ứng sức mua tăng cao của người dân trong dịp này, các cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng tăng cường đưa ra thị trường lượng hàng hoá dồi dào, đa dạng chủng loại, màu sắc, mẫu mã, các sản phẩm bánh kẹo có thêm nhiều hương vị, từ hương vị truyền thống cho đến việc mix thêm nhiều thành phần hương vị trong xu hướng mới như sầu riêng, phô mai, kem… được làm thủ công đến công nghiệp. Bên cạnh đó, là rất nhiều các sản phẩm đồ chơi trẻ em nhiều màu sắc kích cỡ được sản xuất trong nước và cả nhập khẩu, gần như tất cả các sản phẩm đền có giá cả điều chỉnh tăng nhưng với biên độ tăng nhẹ phù hợp với tình hình đời sống của người dân trong thời gian gần đây.
Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường trong dịp Tết Trung thu năm 2024; Cục Quản lý thị trường Bình Định đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường trực thuộc tăng cường công tác quản lý địa bàn, thu thập thông tin, theo dõi, kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm trong kinh doanh các sản phẩm được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết Trung thu như bánh trung thu, rượu, bia, nước giải khát, đồ chơi trẻ em..., tập trung các hành vi vi phạm như kinh doanh thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền, giả mạo nhãn hiệu, không đảm bảo an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm,… Đồng thời, gắn hoạt động kiểm tra kiểm soát, đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật, vận động các tổ chức, cá nhân không kinh doanh thực phẩm, bánh kẹo, bánh trung thu, đồ chơi trẻ em nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Qua đó, đã kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính với số tiền gần 100 triệu đồng và buộc tiêu hủy 645 kg mỡ động vật sử dụng làm nguyên liệu chế biến thực phẩm.
Bên cạnh đó, Cục Quản lý thị trường Bình Định đã làm tốt công tác phối hợp tham gia các Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung Thu năm 2024 do UBND các huyện, thị xã, thành phố và tỉnh chủ trì, đã kiểm tra 61 cơ sở và xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 8 triệu đồng với các hành vi vi phạm như: sử dụng người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm mà không mang đầy đủ đồ bảo hộ lao động, khu vực chứa đựng, kho bảo quản không có hoặc không đầy đủ giá, kệ, biển tên, nội quy, quy trình, chế độ vệ sinh.
Điển hình, ngày 15/8/2024, Đội Quản lý thị trường số 4 phối hợp với Đội Cảnh sát ĐTTP về Kinh tế - Chức vụ - Công an thị xã An Nhơn tiến hành kiểm tra Địa điểm kinh doanh tại phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện tại Địa điểm kinh doanh trên đang kinh doanh mặt hàng mỡ động vật đã qua chế biến (dạng đông đặc) được chứa trong 10 bao, số lượng 645 kg, vụ việc có dấu hiệu tội phạm, không có căn cứ xác định nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, có mùi hôi thối, dơ bẩn, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, Đội Quản lý thị trường số 4 đã đã ban hành Quyết định xử phạt với số tiền 15.500.000 đồng về hành vi vi phạm: Không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định; Kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ và buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm có trị giá 7.740.000 đồng.
Ảnh: lực lượng chức năng đang kiểm tra hàng hóa
Sau dịp Tết Trung thu, đặc biệt là trong những tháng cuối năm 2024 và dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2025, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả sẽ rất phức tạp nhất do nhu cầu tiêu dùng tăng cao cùng với sự phát triển không ngừng của các dịch vụ tiện ích, sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, làm gia tăng lượng hàng hóa lưu thông nên tình trạng vận chuyển, kinh doanh hàng hoá không đảm bảo chất lượng, hàng giả, hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ sẽ phổ biến trong thời gian tới, tập trung các mặt hàng thực phẩm như bánh, kẹo, thịt tươi sống, thực phẩm chế biến các loại, .. Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định tiếp tục chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tiếp tục tăng cường công tác quản lý địa bàn, thu thập thông tin, theo dõi, kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm, tập trung các hành vi vi phạm như kinh doanh thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền, giả mạo nhãn hiệu, không đảm bảo an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh cũng như người tiêu dùng, góp phần ổn định thị trường, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.