• Click để copy

Bổ sung 2 trường hợp bắt buộc từ chối dẫn độ

Sáng 24-5, trình bày tờ trình dự án Luật Dẫn độ trước Quốc hội, Đại tướng Lương Tam Quang cho biết, dự thảo luật bổ sung 2 trường hợp bắt buộc từ chối dẫn độ.

Sáng 24-5, tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ chín, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra về dự án Luật Dẫn độ, dự án Luật Chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù.

Bổ sung 2 trường hợp bắt buộc từ chối dẫn độ
Quang cảnh phiên họp. 

Trình bày tờ trình tóm tắt dự án Luật Dẫn độ trước Quốc hội, Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an nêu rõ, qua hơn 16 năm triển khai thực hiện Luật Tương trợ tư pháp năm 2007, quy định về dẫn độ đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Do đó, việc ban hành Luật Dẫn độ là hết sức cần thiết.

Việc ban hành Luật Dẫn độ là phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm đẩy mạnh chiến lược hoàn thiện pháp luật, cải cách tư pháp và tăng cường hội nhập quốc tế nói chung cũng như lĩnh vực dẫn độ nói riêng.

Đại tướng Lương Tam Quang cho biết, dự thảo luật bổ sung điều kiện áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong dẫn độ, chuyển cơ quan quyết định việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong dẫn độ từ Bộ Ngoại giao sang Bộ Công an.

Bổ sung 2 trường hợp bắt buộc từ chối dẫn độ
Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp. 

Về hồ sơ yêu cầu dẫn độ, dự thảo luật quy định hồ sơ được lập bằng văn bản; cách thức chuyển yêu cầu dẫn độ được thực hiện qua kênh ngoại giao hoặc Cơ quan Trung ương về dẫn độ.

Về dẫn độ có điều kiện, dự thảo luật quy định trường hợp nước ngoài yêu cầu Việt Nam phải thực hiện một hoặc một số điều kiện để đồng ý dẫn độ, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thể chấp nhận một phần hoặc toàn bộ điều kiện này.

Trường hợp nước ngoài phải thực hiện một hoặc một số điều kiện để Việt Nam đồng ý dẫn độ, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài chấp nhận các điều kiện này.

Dự thảo luật quy định, trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày thụ lý hồ sơ yêu cầu dẫn độ, Tòa án nhân dân khu vực ra một trong các quyết định: Xem xét yêu cầu dẫn độ; đình chỉ việc xem xét yêu cầu dẫn độ. Tòa án nhân dân cấp tỉnh mở phiên họp xem xét yêu cầu dẫn độ trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ra quyết định xem xét yêu cầu dẫn độ.

Nếu nước ngoài yêu cầu Việt Nam bắt người trong trường hợp khẩn cấp để dẫn độ theo quy định tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước đó là thành viên thì thực hiện theo quy định tại Điều 113 Bộ luật Tố tụng hình sự, nếu nước yêu cầu cung cấp đủ thông tin và cam kết thực hiện đầy đủ các nội dung cam kết.

Bổ sung 2 trường hợp bắt buộc từ chối dẫn độ
 Đại tướng Lương Tam Quang trình bày tờ trình dự án Luật Dẫn độ.

Về từ chối dẫn độ cho nước ngoài, dự thảo luật cơ bản kế thừa quy định của Luật Tương trợ tư pháp, đồng thời bổ sung 2 trường hợp bắt buộc từ chối dẫn độ và 1 trường hợp có thể từ chối dẫn độ.

2 trường hợp bắt buộc từ chối dẫn độ bao gồm: Người bị yêu cầu dẫn độ có khả năng bị truy bức, tra tấn ở nước yêu cầu dẫn độ do có sự phân biệt về chủng tộc, tôn giáo, giới tính, quốc tịch, dân tộc, thành phần xã hội hoặc quan điểm chính trị hoặc vì lý do khác; hành vi mà người bị yêu cầu dẫn độ không phải là tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Trường hợp có thể từ chối dẫn độ bao gồm tội phạm bị yêu cầu dẫn độ là tội phạm liên quan đến chính trị, quân đội.

Trình bày báo cáo tóm tắt thẩm tra dự án Luật Dẫn độ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tán thành với sự cần thiết xây dựng luật. Nội dung của dự thảo luật cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật, tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên và bảo đảm yêu cầu đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật.

Bổ sung 2 trường hợp bắt buộc từ chối dẫn độ
 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Dẫn độ.

Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tán thành việc quy định cụ thể các điều kiện áp dụng nguyên tắc có đi có lại và giao Bộ Công an quyết định việc áp dụng nguyên tắc này trong dẫn độ; trường hợp cần thiết, Bộ Công an lấy ý kiến của Bộ Ngoại giao và các cơ quan có liên quan trước khi quyết định. Có ý kiến đề nghị quy định theo hướng Bộ Công an cần lấy ý kiến Bộ Ngoại giao trong các trường hợp áp dụng nguyên tắc có đi có lại (không chỉ trường hợp cần thiết) để bảo đảm tính đầy đủ, thận trọng.

Về trình tự, thủ tục bắt người trong trường hợp khẩn cấp để dẫn độ, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cơ bản tán thành với quy định của dự thảo Luật và nhận thấy, đây là quy định mới nhằm nội luật hóa các cam kết của Việt Nam khi tham gia các điều ước quốc tế về dẫn độ, giải quyết các vướng mắc, khó khăn trên thực tế, bảo đảm việc thực hiện yêu cầu dẫn độ được hiệu quả, tránh trường hợp người bị yêu cầu dẫn độ bỏ trốn.

Tuy nhiên, Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành chưa có quy định về bắt người trong trường hợp khẩn cấp để dẫn độ khi chưa có yêu cầu dẫn độ chính thức. Do đó, để bảo đảm tính thống nhất, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung có liên quan của Bộ luật Tố tụng hình sự (cũng được trình Quốc hội tại Kỳ họp này).

Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, có ý kiến cho rằng để phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật Dẫn độ và đáp ứng yêu cầu thực tiễn cần quy định cụ thể ngay trong luật này về thẩm quyền, trình tự, thủ tục bắt người trong trường hợp khẩn cấp để dẫn độ.

CHIẾN THẮNG

Tin mới

Hà Nội hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết lần thứ 15
Hà Nội hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết lần thứ 15

Nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân và cộng đồng để chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết (SXH), ngày 23-5, Sở Y tế Hà Nội tổ chức Hội nghị triển khai hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống SXH lần thứ 15.

Bộ đội Biên phòng liên tiếp bắt 2 vụ vận chuyển thực phẩm không rõ nguồn gốc
Bộ đội Biên phòng liên tiếp bắt 2 vụ vận chuyển thực phẩm không rõ nguồn gốc

Ngày 22-5, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh cho biết, trong hai ngày 20 và 21-5, lực lượng của đơn vị đã bắt giữ hai vụ vận chuyển trái phép gần 800kg thực phẩm không rõ nguồn gốc.

Triệt phá đường dây đa cấp 200.000 thành viên bán thực phẩm chứa chất cấm
Triệt phá đường dây đa cấp 200.000 thành viên bán thực phẩm chứa chất cấm

Công an tỉnh Phú Thọ cho biết, vừa đánh sập đường dây kinh doanh đa cấp có quy mô đặc biệt lớn, với số lượng thành viên gần 200.000 người, trong đó có 107.348 thành viên là người Việt Nam thuộc nhiều tỉnh, thành phố trên toàn quốc, số còn lại là người nước ngoài ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Hoàn thành cập nhật sách giáo khoa điện tử miễn phí trên trang taphuan.nxbgd.vn
Hoàn thành cập nhật sách giáo khoa điện tử miễn phí trên trang taphuan.nxbgd.vn

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ngày 23-5 thông tin, đã hoàn thành cập nhật sách giáo khoa điện tử miễn phí trên trang taphuan.nxbgd.vn.

Các mốc thời gian tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2025
Các mốc thời gian tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2025

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành công văn hướng dẫn tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2025, trong đó hướng dẫn cụ thể các mốc thời gian tuyển sinh với thí sinh.

Đại học Quốc gia Hà Nội đẩy mạnh đầu tư nhóm nghiên cứu xuất sắc
Đại học Quốc gia Hà Nội đẩy mạnh đầu tư nhóm nghiên cứu xuất sắc

Đại học Quốc gia Hà Nội vừa công bố hàng loạt chương trình chiến lược nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, hướng tới xây dựng đội ngũ giảng viên, nhà khoa học và nhóm nghiên cứu mạnh đạt chuẩn quốc tế.