Theo Bộ Xây dựng, liên quan đến loại hình nhà ở riêng lẻ thiết kế nhiều tầng, nhiều căn hộ ở (thường gọi là chung cư mini), pháp luật về nhà ở đã có quy định: Nhà ở riêng lẻ được thiết kế, xây dựng có từ hai căn hộ trở lên theo kiểu khép kín (có phòng ở riêng, khu bếp riêng, nhà vệ sinh, nhà tắm riêng), có diện tích sàn tối thiếu mỗi căn hộ từ tối thiểu 30m2 trở lên và việc xây dựng, sửa chữa, cải tạo nhà ở này phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật về xây dựng.
Pháp luật về xây dựng, nhà ở đã tạo hành lang pháp lý để điều chỉnh xây dựng nhà ở riêng lẻ. |
Luật Xây dựng 2014 đã quy định công trình xây dựng trong đó có nhà ở riêng lẻ tại khu vực đô thị phải được các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng ở trung ương, địa phương quản lý, kiểm soát chặt chẽ thông qua hoạt động cấp Giấy phép xây dựng, Quản lý chất lượng xây dựng tùy theo quy mô, cấp công trình. Công trình nhà ở riêng lẻ được cấp Giấy phép xây dựng khi đáp ứng các điều kiện như:
(1) Phù hợp với mục đích sử dụng đất theo quy hoạch sử dụng đất;
(2) Bảo đảm an toàn cho công trình;
(3) Đáp ứng yêu cầu về môi trường, phòng chống cháy nổ, bảo đảm an toàn hạ tầng kỹ thuật;
(4) Có thiết kế tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn, đáp ứng yêu cầu về công năng sử dụng, bảo đảm an toàn chịu lực, an toàn trong quá trình sử dụng…
Hiện nay, theo quy định tại Điều 9 của Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26-1-2021 của Chính phủ thì việc xây dựng nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân phải tuân thủ các quy định như:
(i) Nếu xây dựng nhà ở không có tầng hầm, có tổng diện tích sàn xây dựng nhỏ hơn 250m2 hoặc dưới 3 tầng hoặc có chiều cao dưới 12m, chủ đầu tư xây dựng nhà ở riêng lẻ được tự tổ chức thực hiện thiết kế xây dựng công trình;
(ii) Nếu xây dựng nhà ở dưới 7 tầng hoặc có 1 tầng hầm, trừ trường hợp quy định tại (i), việc thiết kế phải được tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực theo quy định của pháp luật thực hiện;
(iii) Nếu xây dựng nhà ở từ 7 tầng trở lên hoặc có từ 2 tầng hầm trở lên, hồ sơ thiết kế phải được thẩm tra thiết kế xây dựng về nội dung an toàn công trình trước khi xin cấp giấy phép xây dựng. Việc thiết kế và thẩm tra thiết kế phải được tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực theo quy định của pháp luật thực hiện.
Theo quy định tại mục 1.1.13 của Quy chuẩn 06:2021/BXD thì nhà ở riêng lẻ cho hộ gia đình có chiều cao từ 6 tầng trở xuống hoặc có không quá 1 tầng hầm, không bắt buộc áp dụng quy chuẩn này mà thực hiện theo hướng dẫn riêng, phù hợp cho từng đối tượng nhà và khu dân cư.
Trường hợp chuyển đổi công năng sang các mục đích khác phải tuân thủ theo quy định của quy chuẩn này và phải được cơ quan Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ có thẩm quyền thẩm duyệt như đối với các công trình thuộc diện phải thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy.
Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 121/NĐ-CP ngày 10-10-2013, Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27-11-2017 và nay là Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28-1-2022 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hoạt động xây dựng, trong đó có quy định cụ thể các hành vi vi phạm: xây dựng không phép, thi công sai với nội dung Giấy phép xây dựng được cấp, xây dựng công trình không phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt, vi phạm chỉ giới xây dựng, cơi nới, lấn chiếm diện tích… và có các chế tài xử phạt tương ứng các hành vi vi phạm.
Cùng với việc xử phạt, trong các Nghị định này còn bổ sung các chế tài nghiêm khắc như: Tước quyền sử dụng Giấy phép xây dựng, buộc khôi phục tình trạng ban đầu; dừng thi công công trình xây dựng; tháo dỡ công trình, phần công trình sai phạm…
Như vậy, pháp luật về xây dựng, nhà ở đã tạo hành lang pháp lý để điều chỉnh đầy đủ các hoạt động có liên quan trong lĩnh vực xây dựng công trình nói chung, xây dựng nhà ở riêng lẻ nói riêng trong đó có loại hình nhà ở riêng lẻ thiết kế nhiều tầng, nhiều hộ ở tại khu vực đô thị từ việc cấp Giấy phép xây dựng, bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy, thi công, quản lý chất lượng... cũng như việc xử lý các hành vi vi phạm có liên quan.
Theo chinhphu.vn