• Click để copy

Cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát

Năm 2025, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được Quốc hội điều chỉnh lên bình quân khoảng 4,5-5% tổng sản phẩm trong nước (GDP), với mục đích tạo không gian cho chính sách tiền tệ và tài khóa linh hoạt hơn để cung ứng thêm vốn nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên. Bài toán cân bằng giữa kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đòi hỏi sự linh hoạt trong điều hành chính sách để tăng trưởng cao nhưng không hệ lụy lạm phát.

Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt 8% trở lên

Năm 2024, chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời và hiệu quả, góp phần kiểm soát lạm phát. Ngoài ra, sự hạ nhiệt của lạm phát thế giới đã tác động tới lạm phát của Việt Nam, giúp giảm bớt áp lực. Nhờ đó, CPI bình quân năm 2024 tăng 3,63% so với năm 2023. Đây là cột mốc đánh dấu 10 năm qua (2015-2024), kinh tế Việt Nam luôn kiềm chế chỉ số CPI tăng dưới 4%, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Bước sang năm 2025, để tạo không gian điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt ít nhất 8%, Quốc hội cũng điều chỉnh chỉ số về lạm phát lên bình quân khoảng 4,5-5% GDP, cao hơn khoảng 0,5% so với chỉ tiêu đã đặt ra trong những năm gần đây.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc điều chỉnh mục tiêu GDP đạt 8% trở lên năm nay là yêu cầu khách quan, nhằm đạt mục tiêu đưa ra tại Đại hội XIII và trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045. Điều này cũng đòi hỏi, khi đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn, việc chấp nhận một mức lạm phát nhất định là điều cần thiết. Tuy nhiên, lạm phát là chỉ tiêu quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến ổn định vĩ mô, đời sống người dân và chi phí của doanh nghiệp. Năm ngoái, CPI tăng 3,63% nhưng nhiều mặt hàng thiết yếu neo giá ở mức cao. Chẳng hạn, giá lương thực tăng 12,2%, giá dịch vụ y tế tăng 9%, giá dịch vụ giáo dục tăng 5,7%... Trong khi đó, thu nhập bình quân của người lao động tăng 8,6%, thấp hơn mức tăng của các mặt hàng thiết yếu.

Cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát
Người dân mua hàng hóa tại siêu thị ở Hà Nội. Ảnh: MINH ĐỨC

Do vậy, các ý kiến đề nghị Chính phủ có các giải pháp kiểm soát lạm phát phù hợp với mục tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô. “Phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao là yêu cầu quan trọng để đạt được các mục tiêu phát triển đầy tham vọng vào năm 2030 và năm 2045. Song mức tăng trưởng cao chỉ thực sự có ý nghĩa khi lạm phát được kiểm soát tốt”, bà Trần Thị Hồng Minh, chuyên gia kinh tế bày tỏ.

Hóa giải áp lực lạm phát

Mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao hơn sẽ làm gia tăng áp lực lạm phát. Nhìn nhận các yếu tố làm gia tăng lạm phát năm 2025 có thể thấy: Xung đột quân sự ở một số quốc gia leo thang căng thẳng, diễn biến khó lường, có nguy cơ lan rộng; cạnh tranh thương mại giữa các nước lớn; đặc biệt, chính sách thuế quan của Mỹ có thể gây ảnh hưởng đến lạm phát dài hạn, khi các đối tác thương mại toàn cầu có hành động trả đũa... Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất nên giá hàng hóa trên thế giới ở mức cao sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp và từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên. Bên cạnh đó, đồng USD tăng giá càng làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, gây sức ép lên mặt bằng giá hàng hóa trong nước.

Cùng với đó, các gói kích cầu, hạ mặt bằng lãi suất cho vay, mở rộng tín dụng, đẩy mạnh đầu tư công giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, người dân và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng cũng có thể tạo sức ép lên mặt bằng giá nếu nguồn cung tiền không được kiểm soát hợp lý... Theo tính toán, dựa trên nguyên tắc trung bình hơn 2% tăng trưởng tín dụng giúp tăng trưởng GDP thêm 1%, năm 2025 có thể sẽ có thêm hơn 2,5 triệu tỷ đồng bơm ra nền kinh tế trong năm nay. Điều này sẽ gây áp lực nhất định lên tỷ giá tiền tệ và kiểm soát lạm phát.

Ở chiều ngược lại, năm 2025, nước ta cũng có nhiều yếu tố giúp kiềm chế lạm phát. Điển hình là Việt Nam có nguồn lương thực, thực phẩm dồi dào, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, giúp giảm bớt áp lực lạm phát. Một số chính sách hỗ trợ về thuế tiếp tục được thực hiện như hỗ trợ giảm thuế môi trường đối với xăng dầu, giảm thuế VAT, góp phần giảm chi phí hình thành giá hàng hóa và dịch vụ. Đáng chú ý, chủ trương ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát của Chính phủ trong những năm qua giúp củng cố niềm tin của doanh nghiệp và người dân, từ đó ổn định kỳ vọng lạm phát.

Công tác điều hành, kiểm soát tốt lạm phát thực hiện trong điều kiện các nguồn lực được thúc đẩy mạnh mẽ để đạt tăng trưởng kinh tế ở mức cao nhất, đồng thời tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân. Do vậy, điều quan trọng, cấp bách hiện nay là Ban chỉ đạo điều hành giá chủ trì, chỉ đạo các ban, bộ, ngành xây dựng và báo cáo những phương án tăng giá các mặt hàng thiết yếu (điện, dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục...) với mức độ tăng và thời điểm cụ thể để xem xét quyết định về mức độ và thời điểm điều chỉnh giá các mặt hàng, dịch vụ do Nhà nước quản lý một cách phù hợp, chủ động, đồng bộ, thống nhất bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Đồng thời, chủ động theo dõi sát diễn biến giá các hàng hóa chiến lược trên thị trường thế giới, diễn biến kinh tế và lạm phát thế giới tác động đến Việt Nam để có những giải pháp ứng phó phù hợp, kịp thời cảnh báo các nguy cơ tác động đến mặt bằng giá trong nước. Đặc biệt, các cấp, ngành, địa phương cần tăng cường công tác thông tin, truyền thông, đưa thông tin kịp thời, minh bạch, tạo sự đồng thuận trong dư luận đối với công tác điều hành giá của Chính phủ, ổn định tâm lý người tiêu dùng và ổn định kỳ vọng lạm phát.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Nam (đoàn Thừa Thiên Huế) đề xuất Chính phủ có giải pháp kích cầu tiêu dùng thông qua giảm thuế thu nhập cá nhân, giảm thuế VAT, kích cầu du lịch... Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long kiến nghị, Chính phủ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm; nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung cho sản xuất, kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên. Đặc biệt, Nhà nước kiểm soát giá các mặt hàng như xăng dầu, điện, thực phẩm, thuốc men để tránh tăng giá đột biến...

VŨ DUNG

Tin mới

Mã vùng điện thoại cố định thay đổi thế nào sau khi sáp nhập tỉnh, thành?
Mã vùng điện thoại cố định thay đổi thế nào sau khi sáp nhập tỉnh, thành?

Việc thay đổi, sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh ảnh hưởng đến việc thực hiện quy hoạch mã vùng điện thoại cố định mặt đất, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện kể từ ngày 1-7-2025.

Miễn, hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh trên toàn quốc từ năm học 2025 - 2026
Miễn, hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh trên toàn quốc từ năm học 2025 - 2026

Ngày 3-7, Tổng thư ký Quốc hội công bố 9 nghị quyết của Quốc hội và 9 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV.

VNVC ra mắt vaccine não mô cầu thế hệ mới
VNVC ra mắt vaccine não mô cầu thế hệ mới

Ngày 4-7, Hệ thống Tiêm chủng VNVC ra mắt và triển khai tiêm vaccine não mô cầu thế hệ mới MenACYW (Sanofi, Pháp) được sản xuất từ nhà máy đặt tại Mỹ.

Cử bác sĩ luân phiên tăng cường cho đặc khu duy nhất của Thành phố Hồ Chí Minh
Cử bác sĩ luân phiên tăng cường cho đặc khu duy nhất của Thành phố Hồ Chí Minh

Chỉ 3 ngày sau hợp nhất địa giới hành chính với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã họp bàn, lên kế hoạch nâng cao năng lực y tế cho đặc khu Côn Đảo nhằm phục vụ tốt nhất cho người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau, kể cả nơi xa nhất. Trước mắt, Sở Y tế Thành phố sẽ cử bác sĩ có tay nghề luân phiên ra đảo; lên kế hoạch phát triển, nâng cao năng lực y tế cho đặc khu duy nhất của Thành phố.

Mở rộng diện bao phủ bảo hiểm y tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân
Mở rộng diện bao phủ bảo hiểm y tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân

Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi, bổ sung năm 2024, có hiệu lực từ ngày 1-7-2025 sẽ tác động tích cực đến người tham gia BHYT. Theo quy định mới, người tham gia BHYT có thể đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại bất kỳ cơ sở y tế nào thuộc hệ thống BHYT trên toàn quốc, không bị giới hạn bởi địa giới hành chính.

Mỹ: Bang California chống chọi với đám cháy rừng lớn nhất kể từ đầu năm
Mỹ: Bang California chống chọi với đám cháy rừng lớn nhất kể từ đầu năm

Hơn 300 lính cứu hỏa của Mỹ đang nỗ lực khống chế vụ cháy rừng quy mô lớn tại bang California, trong bối cảnh bang này đang đối mặt nguy cơ hỏa hoạn nghiêm trọng mùa hè, đặc biệt khi thời tiết khô nóng gia tăng.