Cần làm gì để tôm Việt Nam giữ được lợi thế cạnh tranh?
Việt Nam hiện là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu tôm.
Kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2024 đạt 3,95 tỷ USD, tăng 14% so với năm 2023. Thế nhưng ngành tôm Việt Nam hiện phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Vấn đề dịch bệnh, tác động của thời tiết, biến đổi khí hậu, chất lượng con giống... Cùng với đó, nhiều quốc gia cũng đang đẩy mạnh xuất khẩu tôm khiến thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Nhu cầu thị trường vẫn tăng
Theo Cục Thủy sản-Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), diện tích nuôi tôm năm 2024 đạt 749,8 nghìn héc-ta, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2023 (trong đó diện tích nuôi tôm sú 628,8 nghìn héc-ta, tăng 1,1%, nuôi tôm chân trắng 121 nghìn héc-ta, tăng 5%). Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm năm 2024 đạt 3,95 tỷ USD, tăng 14% so với năm 2023. Hiện con tôm của Việt Nam được xuất khẩu sang 107 thị trường, trong đó có các thị trường lớn như: Mỹ chiếm 19,5% kim ngạch xuất khẩu; Trung Quốc (21,7%); EU (12,5%); thị trường các quốc gia tham gia CPTPP (25,2%)...
Dự báo, nhu cầu tôm từ thị trường Trung Quốc vẫn mạnh; cùng với đó, kinh tế Mỹ khả quan trong năm 2025 là những yếu tố thúc đẩy nhu cầu tôm nhập khẩu từ hai thị trường lớn nói trên. Giá tôm xuất khẩu có xu hướng tăng trong nửa cuối năm.
![]() |
Công nhân làm việc tại một nhà máy chế biến tôm tại tỉnh Cà Mau. Ảnh: ĐINH LẬP |
Giữ thế mạnh từ chế biến sâu, bảo đảm chất lượng con giống
Điều đáng mừng là theo VASEP, năm 2024, xuất khẩu sản phẩm tôm chế biến tăng trưởng tốt hơn các sản phẩm tôm tươi, đông lạnh. Hiện sản phẩm tôm chế biến sâu chiếm hơn 40% trong tổng giá trị xuất khẩu của ngành tôm Việt Nam. Các mặt hàng tôm chế biến sâu đang có thế mạnh của Việt Nam như: Tôm hấp, tôm tẩm bột, tôm tẩm bột chiên xù, tôm xiên que, tôm tempura, tôm nobashi, há cảo tôm, sủi cảo tôm gừng...
Ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, cho biết: Doanh nghiệp Việt Nam đã chế biến nhiều mặt hàng giá trị gia tăng mà Ecuador và Ấn Độ không chế biến được, hoặc chế biến được ít nên mặt hàng tôm chế biến của Việt Nam có thế mạnh. Ấn Độ và Ecuador nếu có ý định xuất khẩu tôm chế biến sang các thị trường, có thể phải mất 5-10 năm nữa mới đạt được trình độ chế biến tôm của Việt Nam hiện nay. Đặc biệt, đối với những sản phẩm tôm chế biến sâu, giá trị gia tăng của Việt Nam tại thị trường Nhật Bản vẫn giữ được lợi thế cạnh tranh tốt hơn so với các nguồn cung khác. Người tiêu dùng ngày càng tiết kiệm thời gian nên các sản phẩm đã qua chế biến ngày càng có lợi thế trên thị trường.
Theo ông Hồ Quốc Lực, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, Việt Nam và Thái Lan là hai quốc gia đứng đầu thế giới về công nghệ chế biến sâu mặt hàng tôm. Mặc dù công nghệ chế biến hiện đại góp phần nâng cao chất lượng cho tôm chế biến nhưng cũng cần có những yếu tố như bàn tay khéo léo của đội ngũ lao động mới hoàn thiện sản phẩm. Ngành tôm thế giới đang cạnh tranh ngày càng gay gắt, vì vậy, chế biến sâu chính là giải pháp để chiến thắng trên thị trường, phát triển ổn định ngành hàng này. Nhờ vào đầu tư công nghệ hiện đại nên dù phải chịu sức ép cạnh tranh mạnh mẽ từ tôm giá rẻ của Ecuador, Ấn Độ, Indonesia, tôm Việt Nam vẫn có thể đứng vững, thậm chí chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường quốc tế so với các quốc gia khác.
Theo VASEP, năm 2025, ngành tôm Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển. Trước tiên, đó là sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; diện tích nuôi tôm nhiều; lợi thế về thuế nhập khẩu do các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã tham gia ký kết mang lại. Đặc biệt, Việt Nam có các sản phẩm tôm sinh thái: Tôm-lúa, tôm-rừng (tôm nuôi ở ruộng lúa, tôm nuôi ở rừng ngập mặn ven biển) được thị trường quan tâm, đánh giá cao vì yếu tố bảo vệ môi trường, thân thiện với môi trường. Cùng với đó là lợi thế về năng lực chế biến tôm của các doanh nghiệp hiện ở trình độ cao, chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm.
Theo các chuyên gia về chuyên ngành tôm, để duy trì vị thế trong xuất khẩu thì một vấn đề mà Việt Nam cần đặc biệt quan tâm là phải bảo đảm nguồn cung ứng con giống chất lượng, sạch bệnh, trong quá trình nuôi phải khống chế, kiểm soát tốt dịch bệnh trên tôm để ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh, ngăn ngừa hàm lượng kháng sinh tồn dư trên sản phẩm. Chỉ có như vậy con tôm Việt Nam mới tiếp tục có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, đem lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi lẫn doanh nghiệp chế biến.
NGUYỄN KIỂM
Tin mới
Tổng thống Burundi tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam, chiều 4-4, Tổng thống Burundi Évariste Ndayishimiye và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Burundi đã tới thăm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam (thuộc 2 phường Tây Mỗ và Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội).
Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương gặp Phó chủ tịch thứ nhất Quốc hội Armenia Hakob Arshakyan
Sáng 4-4 (theo giờ địa phương), tại thủ đô Yerevan, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đã có cuộc gặp làm việc với Phó chủ tịch thứ nhất Quốc hội Armenia Hakob Arshakyan.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân thăm Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Yerevan
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Armenia, sáng 4-4 (theo giờ địa phương), tại thủ đô Yerevan, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân Nguyễn Thị Thanh Nga đã thăm Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Yerevan - niềm tự hào không chỉ của Armenia mà còn của cả khu vực.
Chủ tịch nước Lương Cường hội đàm với Tổng thống Burundi Évariste Ndayishimiye
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường và phu nhân, Tổng thống nước Cộng hòa Burundi Évariste Ndayishimiye và phu nhân thực hiện chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 3 đến 6-4. Sáng 4-4, sau lễ đón chính thức được tổ chức trọng thể tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Lương Cường đã hội đàm với Tổng thống Évariste Ndayishimiye.
Nhà Vua và Hoàng hậu Bỉ kết thúc tốt đẹp thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam
Trưa 4-4, Nhà Vua Philippe và Hoàng hậu Mathilde của Vương quốc Bỉ rời Thành phố Hồ Chí Minh, kết thúc tốt đẹp thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 31-3 đến ngày 4-4, theo lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường và Phu nhân.
Đề nghị kỷ luật nguyên Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình
Trong các ngày 31-3 và 3-4, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương họp kỳ thứ 55. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Duy Ngọc chủ trì kỳ họp.