Cẩn trọng chọn chương trình liên kết đào tạo đại học quốc tế
Các chương trình liên kết đào tạo đại học với nước ngoài đang trở thành xu thế lựa chọn của nhiều người, mở ra cơ hội cho sinh viên có bằng cấp quốc tế với chi phí thấp hơn du học. Để chọn chương trình liên kết đào tạo chuẩn, phù hợp với bản thân trong mùa tuyển sinh đại học năm 2024, người học nên quan tâm đến chuẩn đầu ra hơn là mác nước ngoài của chương trình.
Cẩn trọng “sính ngoại”
Chương trình liên kết đào tạo với các trường đại học trên thế giới là hình thức học để lấy bằng quốc tế. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), tính đến tháng 6-2023, cả nước có 408 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài của 44 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam với 102 cơ sở giáo dục đại học nước ngoài của 26 quốc gia và vùng lãnh thổ. Khi học chương trình quốc tế, tiếng Anh là ngôn ngữ bắt buộc.
Chia sẻ về hành lang pháp lý để bảo đảm chất lượng các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài của Việt Nam, Phó giáo sư (PGS), Tiến sĩ (TS) Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT cho biết, Luật Giáo dục đại học năm 2012 đã dành một điều quy định về liên kết đào tạo với nước ngoài (Điều 45).
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018 tiếp tục bổ sung, làm rõ hơn các yêu cầu bảo đảm chất lượng chương trình liên kết đào tạo quốc tế. Nghị định số 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Thông tư số 38/2020/TT-BGDĐT quy định về liên kết đào tạo với nước ngoài trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ theo hình thức trực tuyến và hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến...
Sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân theo học chương trình liên kết đào tạo quốc tế. |
Mặc dù các quy định pháp luật đã khuyến khích sự hợp tác đào tạo quốc tế, nhưng đại diện nhiều cơ sở giáo dục đại học chỉ ra rằng các quy định hiện tại chủ yếu tập trung vào điều kiện thực hiện chương trình liên kết. Trong khi đó, nhiều quy định không được cụ thể hóa, dẫn đến sự không nhất quán trong việc hiểu và thực hiện các chương trình liên kết, cũng như chất lượng đào tạo khác nhau.
Hệ lụy là sự đóng góp của các chương trình này cho hệ thống giáo dục đại học không cao, không tạo ra tác động tích cực trong xã hội và làm mất đi phần nào ý nghĩa và mục tiêu của các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài.
Chia sẻ về điều này, PGS, TS Lê Trung Thành, Viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, những chỉ số rất quan trọng phản ánh chất lượng đào tạo như kiểm định chất lượng, chuẩn đầu ra chương trình đào tạo và công nhận văn bằng nhằm bảo đảm quyền lợi của người học, minh bạch thông tin về chất lượng đào tạo của các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài chưa đầy đủ.
Điều này khiến phụ huynh và học sinh gặp khó khăn trong xác định chương trình nào hợp pháp được triển khai ở Việt Nam. Ngoài ra, với sự nở rộ của các chương trình liên kết đào tạo, nhiều cơ sở cạnh tranh bằng mức học phí làm ảnh hưởng đến chất lượng của các chương trình.
Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT, cơ quan quản lý cần có các quy định và điều kiện để cơ sở giáo dục đại học Việt Nam phải lựa chọn cơ sở đối tác ở nước ngoài có uy tín, xếp thứ hạng cao trong khu vực châu Á và thế giới...
Bên cạnh đó, trước khi quyết định đăng ký học một chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, phụ huynh, học sinh cần chọn cơ sở nước ngoài cấp bằng chất lượng hơn cơ sở trong nước, nếu trường nước ngoài không hơn thì không nên “sính ngoại” mà hãy chọn học chương trình trong nước với chi phí thấp hơn.
Hơn 62% chương trình liên kết không được xếp hạng
Chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài hiện vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về tuyển sinh và tổ chức đào tạo các trình độ, dẫn đến 62,71% chương trình liên kết đại học nước ngoài không được xếp hạng, hạn chế trong chất lượng tuyển sinh đầu vào như năng lực ngoại ngữ, kết quả học bạ và điểm thi THPT tương đối thấp.
Đại học Bách khoa Hà Nội định hướng trở thành đại học đẳng cấp quốc tế. |
Một vấn đề đáng lưu ý nữa chính là năng lực tiếng Anh của người học. Nhiều trường vì đảm bảo tuyển đủ chỉ tiêu nên tuyển sinh ồ ạt, chấp nhận cho sinh viên nợ chứng chỉ ngoại ngữ. Điều này dẫn tới khoảng cách khá xa về trình độ ngoại ngữ so với yêu cầu của chương trình. Mặt khác, khi sinh viên không đủ năng lực ngoại ngữ, sau một thời gian học, các em có thể mất động lực học tập, cùng với chi phí không hề rẻ, sinh viên sẽ từ bỏ việc học.
Khắc phục khó khăn về đầu vào ngoại ngữ, Trường Quốc tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) thông qua Khoa Ngôn ngữ để hỗ trợ thí sinh chưa đủ điều kiện đầu vào tiếng Anh. TS Nguyễn Quang Thuận, Phó hiệu trưởng Trường Quốc tế cho biết, để bảo đảm chất lượng các chương trình liên kết đào tạo quốc tế, ngoài lựa chọn đối tác có uy tín trên các bảng xếp hạng và các chương trình đào tạo phải được kiểm định tại nước sở tại, nhà trường xem xét đến những yếu tố thế mạnh của đối tác và hỗ trợ đào tạo các ngành trong nước ở từng thời điểm. Trường đang xây dựng chiến lược làm việc với những đối tác là các trường nằm trong tốp 100 thế giới.
PGS, TS Lê Trung Thành khuyến nghị người học khi lựa chọn chương trình liên kết đào tạo quốc tế cần xem xét nhiều hơn thực chất chương trình đào tạo, sự tham gia của đối tác nước ngoài trong công tác bảo đảm chất lượng cho chương trình liên kết. Để chương trình liên kết triển khai thuận lợi, ông cũng cho rằng Bộ GD-ĐT cần cải tiến, cập nhật mang tính mở hơn cho các cơ sở GD-ĐT để có thể tiếp cận được xu hướng đào tạo mới.
Đối với công tác giám sát và hậu kiểm, Bộ GD-ĐT yêu cầu các cơ sở liên kết đào tạo cấp bằng bổ sung các thông tin tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 6 tháng hoặc một năm. Bên cạnh đó cần có thêm hai nhóm thông tin như mức lương khởi điểm của sinh viên khi gia nhập thị trường lao động, vị trí đầu tiên các em có thể đảm nhiệm để xác định xem việc đào tạo có thực sự sát với nhu cầu.
Nhận thức rõ vấn đề này, PGS, TS Nguyễn Anh Dũng cho biết, thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ có những điều chỉnh phù hợp với xu thế tự chủ đại học và ứng dụng công nghệ trong giáo dục đại học. Bộ sẽ có văn bản hướng dẫn về xác định chỉ tiêu giảng viên là người nước ngoài trong các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài.
Từ đó giúp các trường có căn cứ tính toán được nguồn lực bảo đảm chương trình có chất lượng. Bộ cũng đã đẩy mạnh chuyển đổi số, quản lý dữ liệu sinh viên, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học, ràng buộc các trường trong quản lý chất lượng đào tạo... tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, cụ thể hóa hơn các chỉ tiêu về cấp văn bằng chứng chỉ, chương trình liên kết đào tạo và lắng nghe ý kiến phản ánh từ các cơ sở đào tạo.
“Trước kia chúng ta mở rộng vòng hợp tác với các trường quốc tế trong liên kết đào tạo. Tuy nhiên, một số trường có tiếng ở Việt Nam đã đưa ra những căn cứ để lựa chọn trường đối tác. Điều này sẽ được cụ thể hóa trong các văn bản quy định thời gian tới để bảo đảm chất lượng các chương trình liên kết đào tạo tại Việt Nam”, PGS, TS Nguyễn Anh Dũng nhấn mạnh.
Bài và ảnh: THU HÀ
Tin mới
Tháo gỡ các điểm nghẽn để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh
Ngày 16-11, tại Hà Nội, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan tổ chức diễn đàn "Để thị trường bất động sản trở lại lành mạnh và phát triển".
Đội QLTT số 3 xử phạt 15,5 triệu đồng một cá nhân không đăng ký kinh doanh và kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ
Thực hiện Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2024 của Cục QLTT tỉnh Bắc Giang.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ giữ chức Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam
Theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn vừa ký Quyết định số 1401/QĐ-TTg ngày 15-11-2024 cử ông Nguyễn Minh Vũ, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao kiêm giữ chức Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam thay cho Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc vừa có quyết định nghỉ hưu.
Trình diễn nhiều tiết mục đặc sắc tại Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn tính
Trong khuôn khổ Tuần “Đại đoàn kết dân tộc-Di sản văn hóa Việt Nam” và Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái lần thứ VII-năm 2024, sáng 16-11, tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội) diễn ra lễ khai mạc các hoạt động văn hóa chung thuộc Liên hoan.
Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng tập huấn nghiệp vụ cán bộ, giáo viên mầm non
Từ ngày 15 đến 17-11, tại Nhà máy Z117, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non năm học 2024-2025.
Trao Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam
Sáng 16-11, tại Nhà hát Lớn Hà Nội đã diễn ra Lễ trao Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam năm 2024.