Chăm lo, xây dựng đội ngũ nhà giáo
Ngày khai giảng năm học mới 2024-2025 đã cận kề. Nhìn lại năm học 2023-2024 vừa qua có thể thấy, ngành Giáo dục đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được những thành tích đáng tự hào. Song bên cạnh đó, cũng còn nhiều vướng mắc, bất cập mà nếu không giải quyết kịp thời sẽ rất khó để thực hiện hiệu quả việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Một trong những vấn đề quan trọng cần tiếp tục tập trung giải quyết khó khăn, bất cập, thực hiện hiệu quả trong thời gian tới là việc chăm lo, xây dựng đội ngũ nhà giáo.
Đội ngũ nhà giáo có vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định thành công hay thất bại của công cuộc đổi mới giáo dục, điều này có lẽ không cần phải nói thêm.
Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, đội ngũ nhà giáo từng bước được chăm lo, xây dựng cả về số lượng và chất lượng, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao. Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến nay, cả nước có khoảng 1,6 triệu nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo cấp mầm non là 91,7%; tiểu học là 74,8%; trung học cơ sở là 86,1%; trung học phổ thông là 99,9%.
Cô trò Trường Tiểu học Đống Đa (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) trong ngày tựu trường. |
Tuy nhiên, đội ngũ nhà giáo hiện còn bất cập cả về số lượng, cơ cấu và chất lượng.
Cơ cấu đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông (gồm cả 3 cấp: Tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông) còn mất cân đối. Tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên mầm non, phổ thông diễn ra tại nhiều địa phương và trong từng cơ sở giáo dục, trong từng cấp học, môn học vẫn chưa được giải quyết triệt để. Nhiều địa phương không bảo đảm được tỷ lệ giáo viên/lớp theo quy định. Đặc biệt, không ít địa phương còn thiếu một lượng lớn giáo viên để đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Tính đến tháng 4-2024, cả nước còn thiếu gần 113.500 giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông. Năm học 2024-2025, trên địa bàn cả nước, cấp tiểu học còn thiếu hơn 6.600 giáo viên môn Tin học và 5.780 giáo viên Ngoại ngữ. Cấp trung học cơ sở thiếu gần 11.600 giáo viên môn Công nghệ, thiếu gần 2.370 giáo viên môn Khoa học tự nhiên và thiếu hơn 4.320 giáo viên môn Nghệ thuật.
Không chỉ thiếu, thừa cục bộ, chất lượng đội ngũ giáo viên cũng còn bất cập, một bộ phận có trình độ chuyên môn thấp, phương pháp giảng dạy chậm đổi mới, chưa theo kịp yêu cầu đổi mới giáo dục, thậm chí thiếu tâm huyết, vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
Cùng với đó, một vấn đề được xã hội hết sức quan tâm là chế độ, chính sách đối với nhà giáo như lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ, chế độ thu hút, sự tôn vinh của xã hội đối với nhà giáo… vẫn chưa thực sự tương xứng với vị thế, vai trò của nhà giáo. Thực tế cho thấy, thu nhập thấp, đời sống của nhà giáo còn nhiều khó khăn, nhà giáo chưa thể sống được bằng lương nên ngoài dạy thêm, nhiều thầy, cô phải bươn chải lo “cơm áo gạo tiền”, làm thêm nhiều “nghề tay trái” như bán hàng online, shipper… Hậu quả là không những nhà giáo không yên tâm công tác, một bộ phận đành bỏ nghề, chuyển việc, hình ảnh, vị thế của nhà giáo trong con mắt học sinh, phụ huynh và cả xã hội bị suy giảm mà còn không thu hút được người giỏi vào ngành sư phạm...
Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang chủ trì xây dựng Luật Nhà giáo với một số vấn đề trọng tâm, như: Tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; quản lý nhà nước về nhà giáo… Mong rằng, Luật Nhà giáo sẽ có sự đột phá nhằm tháo gỡ, giải quyết triệt để những khó khăn, bất cập đang tồn tại. Đặc biệt, Luật sẽ thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng về nhà giáo, trong đó có chủ trương “lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”. Đây sẽ là cơ sở, nền tảng để xây dựng đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, tốt về chất lượng, cơ cấu hợp lý, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi đổi mới giáo dục.
Bài và ảnh: TRUNG PHƯƠNG
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.