Chào mừng năm học mới 2024-2025: Nỗ lực tạo nhiều chuyển biến trong giáo dục phổ thông
Hôm nay, ngày 5-9, học sinh cả nước chính thức bước vào năm học mới 2024-2025. Dù còn nhiều thách thức nhưng ngành giáo dục vẫn nỗ lực vượt khó, với tinh thần kỷ cương trách nhiệm, đổi mới không ngừng, nâng cao chất lượng.
Năm học này sẽ là một hành trình ghi dấu sự chuyển mình của ngành khi lần đầu tiên học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 sẽ học theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018.
Công bằng trong tiếp cận giáo dục
Theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), ngày khai giảng năm học mới 2024-2025 được tổ chức với tinh thần gọn nhẹ, lấy học sinh làm trung tâm, những ngày qua, các địa phương trên cả nước đã quan tâm chu đáo và hoàn thiện công tác chuẩn bị. Tại các vùng khó khăn, dù còn nhiều thiếu thốn về điều kiện và cơ sở vật chất, giáo viên vẫn tận tâm để tổ chức một buổi lễ khai giảng giản dị nhưng đầy ý nghĩa cho các em học sinh.
Năm học này, Trường Phổ thông dân tộc (PTDT) bán trú Tiểu học và THCS Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái đã chuẩn bị mọi thứ sớm hơn để đón học sinh lớp 1, triển khai dạy tiếng Việt cho các em theo Thông tư số 23/2023/TT-BGDĐT ngày 8-12-2023 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Trường năm nay có 85 học sinh lớp 1 là học sinh dân tộc thiểu số, các em được hưởng chế độ hỗ trợ 100% của Nhà nước.
Khác mọi năm, năm nay học sinh lớp 1 được nhập trường sớm để làm quen với môi trường học tập ở cấp tiểu học, hình thành một số kỹ năng cơ bản và năng lực sử dụng tiếng Việt. Kỹ năng giao tiếp, ứng xử xã hội, chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho trẻ trước khi vào năm học chính thức.
Trường THPT Kỳ Sơn (Nghệ An) trang bị cơ sở vật chất bảo đảm đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018. |
Thầy giáo Nguyễn Văn Thanh, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Trạm Tấu cho hay: “Trường là một trong những đơn vị trường học khó khăn của tỉnh Yên Bái. Mỗi mùa tuyển sinh, các thầy, cô giáo phụ trách thôn, bản không quản mưa nắng đến từng nhà để vận động học sinh đi học. Đến lớp rồi các thầy, cô giáo lại tiếp tục công tác nuôi dưỡng các em bán trú. Vất vả là vậy, nhưng với mong muốn tất cả trẻ em vùng cao đều được biết chữ nên các thầy, cô giáo không quản vất vả, nỗ lực tìm cách vượt qua”.
Nhiều kết quả tích cực trong việc bảo đảm công bằng tiếp cận giáo dục năm học qua đã được ghi nhận. Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, cả nước có 318 trường phổ thông dân tộc nội trú với 103.847 học sinh. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 58,8%. Chất lượng giáo dục của các trường này ngày càng nâng cao, với hơn 60% học sinh đạt học lực giỏi, khá; tỷ lệ tốt nghiệp THCS hơn 97% và hơn 50% học sinh thi đỗ đại học, cao đẳng. Hệ thống 1.213 trường PTDT bán trú phục vụ khoảng 300.000 học sinh, cùng 2.145 trường có học sinh bán trú góp phần làm thay đổi chất lượng giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, giảm tỷ lệ bỏ học và nâng cao dân trí.
Đổi mới giáo dục toàn diện theo Chương trình GDPT 2018
Năm học 2024-2025, các trường học trên toàn quốc triển khai Chương trình GDPT 2018 cho tất cả các khối lớp. Đây là bước ngoặt quan trọng, chuyển đổi từ học để thi sang phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực cá nhân của học sinh, đồng thời đòi hỏi giáo viên đổi mới phương pháp giảng dạy để phát huy tối đa tiềm năng của học sinh.
Bộ GD-ĐT yêu cầu các tỉnh tập trung chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho việc triển khai Chương trình GDPT 2018 cho lớp 9 và 12, nhằm bảo đảm hoàn thành chương trình và nâng cao chất lượng giáo dục trung học. Các cơ sở giáo dục cần đánh giá học sinh đúng quy định, không vượt quá yêu cầu của chương trình, đặc biệt môn Văn sẽ thi theo hướng mở, không còn đề văn mẫu như trước. Đây cũng là năm đầu tiên các kỳ thi quan trọng như tốt nghiệp THPT, tuyển sinh lớp 10, lớp 6 được thực hiện theo Chương trình GDPT 2018.
Học sinh Trường Phổ thông liên cấp Phenikaa, Hà Nội phấn khởi trong ngày đầu tiên đến trường. |
Tuy nhiên, đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất là hai yếu tố tiên quyết thực hiện thành công Chương trình GDPT 2018 vẫn là thách thức lớn nhất của toàn ngành giáo dục. Theo thống kê từ Bộ GD-ĐT, năm học 2024-2025, bậc mầm non tăng 2.327 nhóm lớp, bậc phổ thông tăng 7.150 lớp. Tính đến tháng 4 năm nay, cả nước còn thiếu 113.491 giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông. Cơ cấu giáo viên không cân đối giữa các môn học và vùng, miền, trong khi tỷ lệ giáo viên/lớp còn thấp hơn mức quy định.
Về phía các cơ sở đào tạo giáo viên, PGS, TS Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, để cùng các địa phương khắc phục tình trạng thiếu đội ngũ giáo viên, nhà trường và nhiều trường đại học sư phạm khác đã tích cực mở chương trình bồi dưỡng cho các giáo viên đơn môn để chuyển đổi dạy các môn học tích hợp theo Chương trình GDPT 2018; xây dựng các chương trình đào tạo hệ vừa làm vừa học một cách rộng rãi, thường xuyên.
Nếu như ở các thành phố lớn là áp lực của thiếu trường, lớp thì nhiều địa phương vẫn loay hoay tình trạng thiếu cơ sở vật chất. Dù vậy, vì mục tiêu kiên trì đổi mới toàn diện chất lượng giáo dục và đào tạo, nhiều giải pháp đã được đưa ra. Với hơn 2.913 trường học, tăng 39 trường so với năm ngoái và hơn 2,3 triệu học sinh, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT TP Hà Nội thông tin, ngành giáo dục Thủ đô đã luôn cố gắng để bảo đảm chất lượng giảng dạy và có những bước đi khởi sắc. Trong đó, vấn đề đầu tư cơ sở vật chất trường lớp đã được quy định tại Luật Thủ đô.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn trong hội nghị tổng kết năm học và giao nhiệm vụ năm học mới đã nhấn mạnh năm học 2024-2025 là năm với rất nhiều yêu cầu, nhiệm vụ và là thời điểm hết sức quan trọng của ngành. Để thực hiện triển khai có hiệu quả các mục tiêu đặt ra cho năm học mới, Bộ trưởng đề nghị toàn ngành giáo dục tiếp tục thực hiện những chủ trương, định hướng phát triển giáo dục và đào tạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, trọng tâm là thực hiện Kết luận số 91-KL/TW ngày 12-8-2024 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Bài và ảnh: THU HÀ
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.