Chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 7 tăng 0,7% so với tháng trước
Tiếp nối đà phục hồi từ cuối năm 2023 cho đến nay, sản xuất công nghiệp tiếp tục cho thấy xu hướng tích cực, tiếp đà đi lên cho thấy Việt Nam đang bắt đầu một giai đoạn tăng trưởng tốt. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Việt Nam trong tháng 7/2024 đạt 54,7 điểm, là mức cao nhất kể từ tháng 11/2018 đến nay.
Sản lượng tăng mạnh do số đơn đặt hàng mới đã tốt lên tháng thứ 4 liên tiếp. Theo S&P Global, tốc độ tăng sản lượng sản xuất tháng 7 đã nhanh hơn so với tháng 6 và đạt mức cao nhất kể từ tháng 3/2011. Do vậy, sản xuất công nghiệp duy trì đà tăng trưởng tích cực, ước tính chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 7 tăng 0,7% so với tháng trước và tăng tới 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, so với cùng kỳ năm trước, ngành chế biến, chế tạo tăng 13,3%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,9%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 12,1%; riêng ngành khai khoáng giảm 7,0%. Đặc biệt, sản xuất tháng 7 của đầu tàu kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy sự hồi phục ở cả ba chỉ số là IIP tăng 9,6%, tiêu thụ chế biến - chế tạo thêm 13,4% và tồn kho giảm 17,8%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tiếp đà khởi sắc |
Sản xuất công nghiệp tiếp tục tích cực
Tính chung 7 tháng năm 2024, IIP ước tính tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 0,8%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,5% (cùng kỳ năm 2023 giảm 1,2%); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 12,4% (cùng kỳ năm 2023 tăng 1,4%); ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,2% (cùng kỳ năm 2023 tăng 5,2%); riêng ngành khai khoáng giảm 6,2% (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,0%).
Chỉ số sản xuất 7 tháng năm 2024 của một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 28,7%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 21,5%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 17,3%; khai thác quặng kim loại tăng 15,0%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 13,0%; sản xuất kim loại tăng 12,8%; sản xuất thiết bị điện tăng 12,5%; dệt và sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí cùng tăng 12,4%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 11,1%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 7,4%. Ở chiều ngược lại, chỉ số IIP của một số ngành giảm: Khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 12,4%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị giảm 2,9%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 1,8%; khai thác than cứng và than non giảm 1,3%.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 7 tháng năm 2024 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Thép thanh, thép góc tăng 31,4%; thép cán tăng 17,8%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 17,0%; phân hỗn hợp NPK tăng 14,2%; sữa bột tăng 12,3%; đường kính tăng 12,0%; linh kiện điện thoại tăng 11,7%. Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: Khí đốt thiên nhiên dạng khí và khí hóa lỏng LPG cùng giảm 16,9%; dầu mỏ thô khai thác giảm 7,1%; bia giảm 3,8%; điện thoại di động giảm 3,2%; alumin giảm 3,1%; sắt, thép thô giảm 1,6%.
Sản xuất công nghiệp tăng trên diện rộng, chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 03 địa phương trên cả nước. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao: địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 7 tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm trước tăng cao là: Lai Châu tăng 43,1%; Phú Thọ tăng 38,4%; Bắc Giang tăng 27,5%; Bình Phước tăng 17,1%; Thanh Hóa tăng 15,1%; Điện Biên tăng 8,8%. Địa phương có chỉ số của ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao: Khánh Hòa tăng 258,5 %; Lai Châu tăng 66,4 %; Cao Bằng tăng 62,1 %; Điện Biên tăng 51,8%; Sơn La tăng 35,2%; Thanh Hóa tăng 33,0%; Phú Thọ tăng 15,3%.
Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện tăng thấp hoặc giảm: địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bảy tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm trước tăng thấp hoặc giảm là: Cà Mau tăng 1,5%; Gia Lai tăng 0,3%; Hà Tĩnh giảm 8,0%; Quảng Ngãi giảm 4,2%; địa phương có chỉ số của ngành sản xuất và phân phối điện 7 tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm trước tăng thấp hoặc giảm: Quảng Trị tăng 1,7%; Quảng Ngãi giảm 16,9%; Thừa Thiên - Huế giảm 16,1%; Lạng Sơn giảm 15,5%; Lâm Đồng giảm 5,6%; Gia Lai giảm 3,6%; địa phương có chỉ số sản xuất ngành khai khoáng giảm: Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 14,3%; Lâm Đồng giảm 8,6%; Quảng Trị giảm 4,7%; Lạng Sơn giảm 3,0%; Thừa Thiên - Huế giảm 1,6%.
Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/7/2024 tăng 0,9% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 3,3% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng tăng 0,1% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 0,4% so với cùng thời điểm năm trước; ngành chế biến, chế tạo tăng 1,0% và tăng 3,5%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí không đổi so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 1,1% so với cùng thời điểm năm trước; riêng ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 0,1% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 1,2% so với cùng thời điểm năm trước.
Đồng bộ các giải pháp phát triển công nghiệp
Mặc dù đã đạt những kết quả tích cực, song sản xuất công nghiệp tăng trưởng chưa toàn diện khi còn 06 địa phương có chỉ số IIP giảm; một số ngành sản xuất có chỉ số sản xuất công nghiệp giảm; Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực giảm so với cùng kỳ năm trước; ngành thép, vật liệu xây dựng gặp khó khăn do thị trường bất động sản trong nước tiếp tục trầm lắng và nhu cầu thế giới giảm, cung vượt cầu, đơn hàng trong nước và xuất khẩu đều giảm;
Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn do khó tiếp cận vốn dù lãi suất đã giảm, chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu tăng cùng với tỷ giá đồng USD tăng cao, chi phí logistics tăng cao... làm giảm tính cạnh tranh về giá của sản phẩm xuất khẩu; Khu vực sản xuất trong nước phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài;
Mức độ liên kết và hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong cùng một ngành và giữa các ngành còn hạn chế; liên kết giữa các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước còn chậm nên chưa thúc đẩy phát triển kỹ năng quản trị, chuyển giao công nghệ, hình thành các chuỗi cung ứng vật tư, nguyên liệu và cụm liên kết ngành. Sự tham gia mạnh của các doanh nghiệp trong nước vào các chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu chưa được cải thiện rõ nét.
Nhiệm vụ, giải pháp trong những tháng cuối năm 2024, Bộ Công Thương sẽ hoàn thiện thể chế, chính sách, trong đó tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án Luật về phát triển lĩnh vực công nghiệp và xây dựng từng bước hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả theo tinh thần của KH 81/KH-UBTVQH và Quyết định 2114/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị;
Tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ. Đồng thời, tập trung triển khai các Kế hoạch thực hiện các Quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng khoáng sản đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để khuyến khích đầu tư, phát triển các dự án trọng điểm, tạo đà tăng trưởng công nghiệp những năm tiếp theo.
Trình Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành, lĩnh vực (sữa, giấy, thép, ô tô, dịch vụ logictics, thị trường bán lẻ…); Đề án Tổng thể về việc đề nghị các nước công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường trong các vụ việc phòng vệ thương mại giai đoạn 2024-2030; Chương trình quốc gia về hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; Chiến lược phát triển ngành điện lực Việt Nam; Kế hoạch phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2026-2030.
Đối với phát triển sản xuất công nghiệp, Bộ Công Thương đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, rà soát các tồn đọng để sớm đưa vào vận hành các công trình dự án trọng điểm trong lĩnh vực điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo, khoáng sản...; Tăng cường công tác chỉ đạo, đôn đốc triển khai các công trình trong lĩnh vực dầu khí, nhất là các dự án trong điểm về dầu khí, kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng để chỉ đạo tháo gỡ khó khăn; bám sát tình hình cấp than cho sản xuất điện để kịp thời tham mưu, báo cáo Lãnh đạo Bộ để xem xét, chỉ đạo các vấn đề phát sinh;
Tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong các ngành chế biến chế tạo để mở rộng sản xuất như: xử lý vấn đề chồng lấn quy hoạch khoáng sản tại một số địa phương để thực hiện các dự án phát triển; sớm ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia các sản phẩm công nghiệp như thép như tôn mạ kim loại và sơn phủ màu, thép không gỉ, ô tô điện và linh kiện, phụ tùng cùng hệ thống hạ tầng cho ngành ô tô điện (như trạm sạc, cổng sạc…), an toàn thực phẩm; trình Chính phủ ban hành chính sách ưu đãi như về lệ phí trước bạ, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu linh phụ kiện phục vụ sản xuất trong nước… để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh; xem xét, áp dụng phù hợp các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ thị trường cho ngành sản xuất trong nước (thép, phân bón, điện – điện tử…);
Tiếp tục hợp tác với các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp lớn trong và ngoài nước cùng các tổ chức quốc tế (như World Bank, IFC, UNIDO...) nhằm thúc đẩy liên kết với các doanh nghiệp trong nước và nâng cao năng lực cho các nhà cung ứng nội địa, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp CNHT tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; Đẩy nhanh tiến độ công tác xây dựng cơ bản nhằm xây dựng cơ sở vật chất để hình thành các Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp miền Bắc và miền Nam, đóng vai trò hỗ trợ đổi mới sáng tạo, cải thiện năng lực sản xuất cho doanh nghiệp trong các ngành CNHT ưu tiên phát triển tại các vùng kinh tế trọng điểm.
Tin mới
Đánh bom tại một nhà ga ở Pakistan, ít nhất 13 người thiệt mạng
Ít nhất 13 người thiệt mạng và 25 người bị thương trong vụ đánh bom xảy ra vào sáng 9-11 tại một nhà ga tàu hỏa ở thủ phủ Quetta, tỉnh Balochistan, Tây Nam Pakistan.
Campuchia kỷ niệm 71 năm Ngày Độc lập
Sáng 9-11, Lễ kỷ niệm 71 năm Ngày Độc lập Vương quốc Campuchia (9-11-1953 / 9-11-2024) và kỷ niệm 71 năm thành lập Quân đội Hoàng gia Campuchia được tổ chức long trọng tại Đài Độc lập ở thủ đô Phnom Penh.
Houthi tuyên bố bắn hạ “Quái điểu” MQ-9 Reaper thứ 12
Tân Hoa xã ngày 9-11 dẫn tuyên bố của lực lượng Houthi ở Yemen cho biết vừa bắn hạ thêm máy bay không người lái (UAV) MQ-9 Reaper với biệt danh “Quái điểu” do Mỹ sản xuất.
Bão số 7, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 14
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 10 giờ (9-11), vị trí tâm bão khoảng 18,9 độ Vĩ Bắc; 114,5 độ Kinh Đông, trên khu vực Bắc Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 415km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-166km/giờ), giật cấp 17, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15km/giờ.
Khai mạc Chương trình "Trái tim cho em" tại tỉnh Điện Biên
Ngày 9-11, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Chi nhánh Điện Biên phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Bệnh viện E và Sở Y tế tỉnh Điện Biên khai mạc Chương trình "Trái tim cho em" năm 2024 tại Điện Biên.
Đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh và các đơn vị lên đường đi thăm quân và dân vùng biển Tây Nam
Sáng 9-11, tại cảng Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân, đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh và các đơn vị đi thăm cán bộ, chiến sĩ Vùng 2, Vùng 5 Hải quân, nhân dân và các lực lượng trên các đảo thuộc vùng biển Tây Nam và Nhà giàn DK1/10 năm 2024 chính thức rời cảng lên đường.