Chống hàng giả trên không gian mạng – nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng Quản lý thị trường trong công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng Đảng
Đồ hiệu từ túi đến giày của các nhãn hàng lớn đều được làm giả tinh vi, chỉ cần bỏ ra vài trăm nghìn đồng, người mua đã có thể sở hữu các phụ kiện đi kèm, thậm chí là hóa đơn mua từ cửa hàng nước ngoài. Chưa khi nào, thách thức đặt ra cho lực lượng chức năng trong cuộc chiến với vấn nạn hàng giả trên không gian mạng như hiện nay.
Tự hào là một trong 3 nền thương mại điện tử hàng đầu Đông Nam Á, cả về quy mô thị trường và tốc độ tăng trưởng, dự báo trong giai đoạn 2022 - 2025, kinh tế Internet Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng dẫn đầu khu vực đạt khoảng 31%/năm. Đáng chú ý, Việt Nam được dự báo sẽ nằm trong Top 3 các quốc gia thu hút nhiều nhà đầu tư thương mại điện tử nhất. Đặc biệt, đến năm 2025, quy mô thị trường thương mại điện tử của Việt Nam có thể ngang với bán lẻ truyền thống.
Liên tiếp phát hiện các trường hợp vi phạm trên nền tảng thương mại điện tử |
Tuy nhiên, đi liền đó số lượng người tiêu dùng khiếu nại khi mua hàng trên sàn, website thương mại điện tử, mạng xã hội ngày càng nhiều. Vì vậy, việc thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm trên thương mại điện tử đang được Bộ Công Thương, trong đó có lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) chúng tôi tích cực triển khai nhằm bảo vệ quyền và lợi ích người tiêu dùng, cũng như cộng đồng doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Khó như mua hàng thật trên mạng
Để mua được một món đồ trên mạng như túi xách, nước hoa, giày dép, quần áo, kính mắt được quảng cáo là hàng hiệu trên mạng xã hội hiện nay không hề khó. Mua hàng nhái thương hiệu trong bối cảnh bùng nổ thương mại điện tử hiện nay cũng cực kỳ dễ dàng. Giá cả thì phụ thuộc vào lựa chọn của người mua, mức nào cũng có: Một cặp kính hàng hiệu có khi chào bán mức trên dưới 10 triệu đồng nhưng ở một shop khác, sản phẩm tương tự chỉ chưa đầy 500 nghìn đồng.
Trên một trang web bán hàng qua mạng xã hội Facebook, một chiếc túi xách hàng hiệu được chuyển phát nhanh từ Trung Quốc về Việt Nam với niêm yết với giá 25.600 NDT (87,9 triệu đồng), thế nhưng, người tiêu dùng đôi khi chỉ cần bỏ ra 1.300 NDT (4,5 triệu đồng) có thể sở hữu chiếc túi không khác gì hàng thật. Không chỉ nhận túi, phụ kiện đi kèm cũng bị làm nhái tinh vi, ngay cả những người sành đồ hiệu chưa chắc đã phân biệt được. Hóa đơn, thông tin tra cứu nguồn hàng từ cửa hàng nước ngoài, bao bì sản phẩm, hộp, tag… đều có thể nhái.
Chỉ cần gõ một từ khóa tìm kiếm trên mạng xã hội Facebook, người dùng có thể dễ dàng tìm kiếm được cả trăm sản phẩm hoặc tương tự sản phẩm mình cần. Những lời chào mời mua sắm đủ loại hàng hóa từ hàng hiệu bao gồm Louis Vuitton (LV), Gucci, Nike, Adidas… đến các hàng bình dân không hề có nhãn mác. Người tiêu dùng ở bất cứ đâu, nơi nào, không phân biệt thành thị hay miền núi, vùng sâu cũng có thể dễ dàng chuyển đổi các vai - khi là người bán, lúc là người mua, khi làm chủ shop, lúc lại là người tiêu dùng.
Hội nghị Nâng cao năng lực phòng, chống và xử lý vi phạm trên thương mại điện tử cho Quản lý thị trường các tỉnh phía Nam |
Nếu như năm 2020, danh số bán lẻ của Internet tại Việt Nam là 13 tỷ USD thì đến năm 2022 con số này tăng vọt thành 25 tỷ USD. Việt Nam trở thành nước có tỷ lệ mua sắm cao nhất Đông Nam Á với gần một nửa dân số Việt Nam mua sắm online, tương đương với khoảng 49,3 triệu người, tức bằng 41% dân số. Báo cáo toàn cảnh thị trường sàn bán lẻ trực tuyến của Metric cho thấy, trong năm 2023, doanh thu trên 5 sàn thương mại điện tử tại Việt Nam là Shopee, Lazada, Tiki, TikTok Shop, Sendo đạt trên 232.100 tỷ đồng, tăng 53,4% so với năm 2022. Theo đó, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á về mua sắm trực tuyến.
Cơ hội mở ra cho các hoạt động kinh doanh buôn bán qua kênh thương mại điện tử, đi kèm với đó cũng là những thách thức mới đặt ra cho lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ để bảo vệ cả người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Cách nào bảo vệ người tiêu dùng
Phòng Trưng bày nhận diện hàng thật - hàng giả của Tổng cục QLTT tại số 62 phố Tràng Tiền, Hà Nội đã có tới 8 lần mở cửa để người tiêu dùng có cơ hội tiếp xúc với cả hàng thật và hàng giả nhãn hiệu… Thế nhưng, có những người hơn một lần ghé thăm, thậm chí là 3-5 lần tới phòng trưng bày vẫn… không thể nhận biết được hết các dấu hiệu làm giả của một chiếc kính hàng hiệu hay một lọ nước hoa chính hãng. “Hàng giả được làm quá tinh vi, thậm chí là đẹp hơn cả hàng thật. Tại phòng trưng bày có hẳn hai sản phẩm để so sánh với nhau mà tôi còn khó phân biệt. Nếu ra thị trường mua, có lẽ, chúng tôi chỉ biết gửi gắm niềm tin vào nơi bán chứ thực sự để trả lời câu hỏi đó là hàng thật hay hàng giả thì tôi không có câu trả lời”, chị Hải Yến ở Hoàn Kiếm, Hà Nội, người thường xuyên có mặt tại Phòng Trưng bày hàng thật - hàng giả của Tổng cục QLTT chia sẻ.
Hàng bán qua kênh truyền thống đã khó phân biệt, nhận diện, vậy, hàng mua qua mạng xã hội qua các kênh trực tuyến trong bối cảnh bùng nổ thương mại điện tử như hiện nay sẽ thế nào?
Có thể nói, cuộc đấu tranh đối với vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là công việc không chỉ của riêng một tổ chức hay cá nhân mà phải là công việc của toàn xã hội. Bên cạnh việc hoàn thiện các quy định của pháp luật, sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan nhà nước, doanh nghiệp cần bảo vệ chính mình, người tiêu dùng cần thông thái hơn trong đánh giá và lựa chọn sản phẩm, có động thái phù hợp. Có làm được như vậy thì xã hội mới từng bước đẩy lùi được vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang tràn lan hiện nay.
Công nghệ chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử |
Để tránh bị cơ quan chức năng kiểm tra, một số doanh nghiệp đã giấu cửa hàng sâu trong một số tòa nhà ở phía Tây nhà ga. Muốn mua những hàng nhái chất lượng cao này thường phải có người giới thiệu. Cửa hàng túi xách hàng hiệu nổi tiếng ẩn mình bên sau có diện tích chưa đến 100 mét vuông, chia làm ba phòng, chứa đầy những chiếc túi giả cao cấp từ các thương hiệu như LV, Prada, Hermes. Những chiếc túi này được người bán nói đều là hàng nhái cao cấp và khẳng định “không có gì khác biệt với sản phẩm gốc”.
Theo số liệu thống kê của chúng tôi, tính chung cả năm 2023, lực lượng QLTT cả nước đã thanh tra, kiểm tra 71.928 vụ (tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2022); phát hiện, xử lý 52.351 vụ vi phạm (tăng 19%); chuyển cơ quan điều tra 174 vụ có dấu hiệu tội phạm (tăng 37%). Thu nộp ngân sách trên 501 tỷ đồng (tăng 2,2%). Trong đó, thực hiện theo Kế hoạch đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025, lực lượng đã kiểm tra phát hiện, xử lý 12.177 vụ vi phạm, số tiền xử lý vi phạm hành chính gần 431 tỷ đồng; trong lĩnh vực thương mại điện tử, xử lý 1.102 vụ vi phạm; xử phạt gần 10 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm trên 437 triệu đồng.
Một số vụ điển hình vi phạm trên thương mại điện tử có thể kể đến như: Tháng 11/2023, Tổng cục QLTT đã trực tiếp chỉ đạo và phối hợp liên ngành kiểm tra hộ kinh doanh Trương Ngọc Quyên tại TP. Pleiku (Gia Lai), bắt quả tang tại đây đang thực hiện hành vi livestream bán hàng là các sản phẩm giả, nhái nhiều nhãn hiệu lớn trên thế giới.
Tại thời điểm kiểm tra, tài khoản Facebook của chủ cơ sở này có đến 142 nghìn lượt người theo dõi với hàng trăm đến hàng nghìn lượt "chốt đơn" mỗi ngày đi khắp nơi trên cả nước. Chủ cơ sở này còn công khai sử dụng tên thật, địa chỉ thật để lập kho kinh doanh hàng lậu, hàng nhái nhằm tạo niềm tin đối với người tiêu dùng.
Trước đó, Cục QLTT TP. Hà Nội đã bất ngờ kiểm tra một kho hàng tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, phát hiện tại đây có 28 nghìn sản phẩm là mỹ phẩm, đồ gia dụng, đồ tiện ích cá nhân,… không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, được phân phối bán hàng online trên sàn TMĐT. Tổng giá trị hàng hóa lưu trữ tại kho ước tính hơn 1 tỷ đồng.
Trong 2-3 năm trở lại đây, tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng lậu qua các sàn TMĐT, mạng xã hội trở thành vấn đề rất "nóng". Số vụ vi phạm và xử lý không ngừng gia tăng, với tính chất và diễn biến phức tạp. Không chỉ hàng hóa tiêu dùng thông thường mà nguy hiểm hơn, nhiều mặt hàng là thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh,… cũng bị làm giả với số lượng lớn để kinh doanh online trên các nền tảng TMĐT, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Hiện có rất nhiều hình thức vi phạm liên quan đến TMĐT, với các mặt hàng giả là túi, ví, dây lưng, đồng hồ, quần áo, sản phẩm thời trang, mỹ phẩm,... chủ yếu được sản xuất tại nước ngoài nhập lậu về Việt Nam. Do đó, lực lượng QLTT đã xác định công tác chống hàng giả trên TMĐT là vấn đề rất quan trọng, cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.
Nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng Quản lý thị trường
Ngày 29/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 319/2023/QĐ-TTg phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT đến năm 2025 nhằm thể hiện sự quan tâm đặc biệt và quyết tâm của Chính phủ trong việc bảo đảm hoạt động này được minh bạch, lành mạnh; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Để đề án nêu trên đạt hiệu quả cao, tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong mua sắm trực tuyến, thời gian tới các lực lượng chức năng, chủ công là QLTT phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực phối hợp trong thanh kiểm tra, kiểm soát và ngăn chặn các hành vi vi phạm.
Để góp phần bình ổn thị trường, từng bước làm lành mạnh môi trường kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; đóng góp vào hiệu quả quản lý nhà nước; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng, năm 2024 Tổng cục QLTT tiếp tục tập trung vào các nhiệm vụ:
Thứ nhất, toàn lực lượng thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; đặc biệt chú trọng các ngành hàng, lĩnh vực thuộc định hướng kiểm tra năm 2024 của Bộ trưởng, các kế hoạch chuyên đề của BCĐ 389 quốc gia, Kế hoạch 888 và thực hiện nghiêm hoạt động kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chức năng, nhiệm vụ.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện hạ tầng pháp lý quan trọng như:
Phối hợp các đơn vị của Văn phòng Chính phủ để hoàn thiện dự thảo Quyết định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục đã trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2024 nhằm mục tiêu xây dựng tổ chức bộ máy hoạt động hiệu quả, phù hợp tầm nhìn phát triển của lực lượng.
Tổng hợp đánh giá hành vi vi phạm trên thực tiễn và căn cứ trên cơ sở quy định của Nghị định số 80/2023/ND-CP; rà soát, tham mưu Bộ phương án xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 99/2020/NĐ-CP đối với quy định xử phạt vi phạm hành chính trong kinh doanh xăng dầu nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, đồng thời rà soát quy phạm về xử phạt vi phạm trong kinh doanh khí để tham mưu hoàn thiện khi quy định mới về kinh doanh khí được ban hành. Tổng hợp rà soát các nội dung trong thực tiễn thi hành Nghị định số 98/2020/NĐ-CP và Nghị định số 17/2022/NĐ-CP, đánh giá, nghiên cứu đề xuất tham mưu Bộ xây dựng trình Chính phủ xem xét sửa đổi bổ sung các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng.
Thứ ba, triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án 319 về chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025 góp phần nâng cao năng lực công vụ của công chức Quản lý thị tường và góp phần tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử.
Thứ tư, về quản lý hoạt động công vụ và công chức QLTT, tiếp tục siết chặt kỷ luật công vụ; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý đơn vị; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, lực lượng chức năng, các cơ quan thông tin truyền thông tại trung ương và địa phương để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao.
Có thể nói, ngăn chặn các vi phạm trên TMĐT không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành công thương mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Tuy nhiên, chủ công vẫn là lực lượng QLTT, phải chủ động hơn nữa đấu tranh, kịp thời phát hiện và xử lý; xây dựng hệ thống quản lý không gian mạng, hệ thống giám sát, cảnh báo nguy cơ, rủi ro cho chuyển đổi số xuyên suốt, thống nhất từ Trung ương tới địa phương để kịp thời xử lý các sự cố, các vụ việc vi phạm. Các lực lượng chức năng cần tích cực chủ động phối hợp, thực hiện rà soát nắm bắt thông tin phát hiện xử lý hoạt động vi phạm thông qua bán hàng online, các đầu mối vận chuyển hàng hóa,… Phải tập trung rà soát các quy định về pháp luật, nhất là Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi); cần yêu cầu bổ sung trách nhiệm của các chủ mạng xã hội, sàn giao dịch TMĐT. Bên cạnh đó, phải tăng cường quản lý toàn diện giao dịch giữa người mua và người bán; giám sát hàng hóa lưu thông trên môi trường mạng nhằm ngăn chặn các hành vi lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ trong thời gian tới.
Nguyễn Minh Phương,
Chánh văn phòng Tổng cục
Đảng ủy viên Đảng bộ Cơ quan Tổng cục Quản lý thị trường
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.