Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì Phiên họp thứ nhất Hội đồng Bầu cử quốc gia
Sáng 9-7, tại Nhà Quốc hội, Hội đồng Bầu cử quốc gia tiến hành Phiên họp thứ nhất dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia.
Tham dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Phó chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Phó chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Duy Ngọc; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang; Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Lương Tam Quang.
Cùng dự có các đồng chí Phó chủ tịch, Ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia, đại diện lãnh đạo các cơ quan liên quan.
![]() |
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia chủ trì phiên họp. Ảnh: PHẠM THẮNG |
Định hướng toàn diện, xuyên suốt cho quá trình chỉ đạo công tác tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, ngày 16-5, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 46-CT/TW về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031. So với khóa trước, lần này Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị sớm hơn 1 tháng, tạo cơ sở để chuẩn bị các điều kiện cho cuộc bầu cử. Đây là cơ sở cần thiết, quan trọng để Kỳ họp thứ chín vừa qua, Quốc hội tiến hành thành lập Hội đồng Bầu cử quốc gia; đồng thời bầu Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia, phê chuẩn danh sách các Phó chủ tịch, các Ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia.
Cũng tại Kỳ họp thứ chín, Quốc hội đã thông qua: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, để triển khai thực hiện nhiệm vụ, chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031, theo quy định mới của các luật vừa được Quốc hội thông qua, Hội đồng Bầu cử quốc gia tiến hành phiên họp thứ nhất để chính thức cho ý kiến về công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử diễn ra ngày 15-3-2026 - một sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, thể hiện quyền làm chủ của nhân dân, nhằm lựa chọn những đại biểu ưu tú đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong nhiệm kỳ Quốc hội và Hội đồng nhân dân khóa mới.
![]() |
Các đại biểu tham dự phiên họp. |
![]() |
Các đại biểu tham dự phiên họp. Ảnh: PHẠM THẮNG |
Tại phiên họp, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã thảo luận, cho ý kiến vào Tờ trình về việc ban hành: Nghị quyết phân công thành viên Hội đồng Bầu cử quốc gia; Quy chế làm việc của Hội đồng Bầu cử quốc gia; Nghị quyết thành lập các Tiểu ban của Hội đồng Bầu cử quốc gia; Tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ban hành Nghị quyết về bộ máy giúp việc Hội đồng Bầu cử quốc gia; Dự kiến chương trình các phiên họp Hội đồng Bầu cử quốc gia; Dự kiến phân công các cơ quan xây dựng và ban hành các văn bản phục vụ công tác bầu cử.
Với 100% đại biểu có mặt tán thành, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã biểu quyết thông qua về mặt nguyên tắc các dự thảo trên.
![]() |
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Bầu cử quốc gia phát biểu tại phiên họp. Ảnh: PHẠM THẮNG |
Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận các ý kiến phát biểu hết sức xác đáng, tâm huyết của các đại biểu. Các ý kiến cơ bản thống nhất với dự thảo các văn bản; đồng thời, làm rõ trách nhiệm của từng thành viên của Hội đồng Bầu cử quốc gia phụ trách từng lĩnh vực theo sự phân công; trách nhiệm của các Tiểu ban. Chủ tịch Quốc hội đề nghị, việc phân công thành viên cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, gắn với trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có liên quan ở địa phương. Sau phiên họp, Thường trực Hội đồng Bầu cử quốc gia sẽ có văn bản chính thức gửi các ban, bộ, ngành để cử nhân sự tham gia các Tiểu ban.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu rà soát kỹ lưỡng các văn bản để bảo đảm sự khoa học, linh hoạt, cập nhật sự thay đổi về điều kiện, bối cảnh là sắp xếp tổ chức bộ máy ở Trung ương, kết thúc hoạt động của cấp huyện, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã; bảo đảm chất lượng đại biểu khóa này phải cao hơn khóa trước.
Công tác nhân sự phải thực hiện đúng quy trình, chặt chẽ, khách quan, đúng tiêu chuẩn
Nêu rõ đây là phiên họp đầu tiên để định hướng toàn diện, xuyên suốt cho quá trình chỉ đạo công tác tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, mọi hoạt động của Hội đồng đều phải hướng đến sự bảo đảm tuyệt đối các nguyên tắc dân chủ, kỷ cương, công khai, minh bạch và tuân thủ pháp luật trong công tác bầu cử.
Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ nguồn nhân lực, vật lực, kinh phí và cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan liên quan. Công tác bầu cử có phạm vi cả nước, khối lượng công việc rất lớn, thời gian ngắn, do đó phải được chuẩn bị chu đáo về mọi mặt. Bên cạnh đó, phải thiết lập cơ chế phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa Hội đồng Bầu cử quốc gia với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp.
![]() |
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: PHẠM THẮNG |
Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu nâng cao vai trò giám sát của nhân dân, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đối với công tác bầu cử một cách thực chất, hiệu quả. Bên cạnh đó, tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền trước, trong và sau cuộc bầu cử nhằm nâng cao nhận thức của người dân về quyền và nghĩa vụ công dân trong bầu cử; đẩy mạnh tuyên truyền cả trong và ngoài nước. Các cơ quan chức năng cần chủ động đấu tranh, phản bác những thông tin xấu độc, xuyên tạc về cuộc bầu cử, bảo vệ môi trường thông tin trong sạch; tạo nên nhận thức thống nhất và đồng thuận xã hội.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, công tác nhân sự phải thực hiện đúng quy trình, chặt chẽ, khách quan, đúng tiêu chuẩn, bảo đảm cơ cấu, tỷ lệ đại diện hợp lý. Công tác nhân sự khi được tiến hành chặt chẽ, khách quan sẽ góp phần vào thành công cuộc bầu cử. Cùng với đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các khâu của công tác bầu cử, quan tâm đến chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để bảo đảm sự thông suốt từ Trung ương đến 34 tỉnh, thành phố và 3.321 xã, phường, đặc khu trên cả nước.
Khẳng định công tác bầu cử được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Tổng Bí thư Tô Lâm rất quan tâm chỉ đạo, Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, các thành viên Hội đồng Bầu cử quốc gia sẽ phát huy vai trò, trách nhiệm của mình cũng như cơ quan, đơn vị mình, đóng góp vào thành công chung của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031.
VŨ DUNG
Tin mới
Chuyến công tác của Thủ tướng tới Brazil: Thành công trên nhiều phương diện
Lần thứ ba trong 3 năm liên tiếp và với hành trình bay hơn 25 giờ để đến nơi cách nhau nửa vòng Trái đất - đất nước của vũ điệu Samba, chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu Việt Nam dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS mở rộng và hoạt động song phương tại Cộng hòa Liên bang Brazil đã thành công tốt đẹp, để lại dấu ấn rõ nét và kết quả thực chất.
Bộ Công Thương giao chỉ tiêu tăng trưởng và nhiệm vụ phát triển thị trường cho các tỉnh sau sáp nhập
Trước diễn biến tăng trưởng bán lẻ chưa như kỳ vọng và yêu cầu điều chỉnh theo địa giới hành chính mới, Bộ Công Thương đề nghị các địa phương khẩn trương ổn định bộ máy, đẩy nhanh thực hiện các giải pháp phát triển thị trường trong nước và kích cầu tiêu dùng theo Chỉ thị 08.
Quảng Ninh: Phát hiện kho hàng hơn 47.000 sản phẩm nhập lậu, vận hành qua phần mềm Trung Quốc
Lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Quảng Ninh vừa phát hiện một kho hàng chứa hơn 47.000 sản phẩm vi phạm, vận hành bằng phần mềm nước ngoài, liên kết với hàng trăm tài khoản TikTok và nguồn hàng từ Trung Quốc, cho thấy dấu hiệu buôn lậu xuyên biên giới tinh vi qua thương mại điện tử.
Không thu phí xem pháo hoa đối với du khách tham quan vịnh Hạ Long
Ngày 9-7, đại diện Công ty TNHH Mặt trời Hạ Long, đơn vị tổ chức bắn pháo hoa ở phường Bãi Cháy (Quảng Ninh) cho biết, đơn vị sẽ dừng việc tổ chức bắn pháo hoa ở mặt bến cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, không thu phí phụ thu xem pháo hoa ở các điểm kinh doanh dịch vụ lân cận và du khách tham quan vịnh Hạ Long vào các tối thứ Sáu, thứ Bảy hằng tuần.
Giá vàng chiều nay (9-7): Lao dốc
Giá vàng chiều nay (9-7) "lao dốc" cả vàng miếng SJC và vàng nhẫn.
6 tháng đầu năm 2025: 7 nhóm mặt hàng xuất khẩu hơn 8 tỷ USD
6 tháng đầu năm 2025, có 7 mặt hàng xuất khẩu hơn 8 tỷ USD, chiếm 67,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, điện tử, máy tính và linh kiện đạt 47,688 tỷ USD; điện thoại các loại và linh kiện đạt 26,895 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 26,882 tỷ USD; hàng dệt, may đạt 18,669 tỷ USD.