• Click để copy

Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS

Dịch HIV/AIDS tại Việt Nam đang có nhiều diễn biến phức tạp với sự thay đổi rõ rệt trong hình thái lây nhiễm. Đáng chú ý là nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) vẫn là nguồn lây chính của dịch HIV trong năm 2024. Đặc biệt, số người nhiễm HIV tại các tỉnh phía Nam ở mức đáng báo động.

Nhân tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày thế giới phòng, chống AIDS (1-12), PGS, TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh vấn đê này.

Số ca nhiễm HIV tại các tỉnh phía Nam tăng mạnh

Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS
PGS, TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế. 

Phóng viên (PV): Tình hình dịch HIV/AIDS tại Việt Nam hiện nay như thế nào, thưa đồng chí?

PGS, TS Phan Thị Thu Hương: Trong 9 tháng đầu năm 2024, cả nước ghi nhận 11.421 trường hợp phát hiện mới HIV dương tính, 1.263 trường hợp tử vong. Trong số người mới phát hiện nhiễm HIV đầu năm đến nay có 82,9% là nam giới, độ tuổi chủ yếu là 15-29 (40%) và 30-39 (27,3%), đối tượng chiếm tỷ lệ cao nhất là nam quan hệ tình dục đồng giới (42,2%).

Đáng chú ý, trong những năm gần đây, hình thái lây nhiễm HIV thay đổi rõ rệt từ lây truyền qua đường máu ở nhóm nghiện chích ma túy sang lây truyền qua đường tình dục. Nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) liên tục chiếm tỷ lệ cao trong số mới phát hiện hằng năm (hơn 40%). Kết quả ước tính và dự báo cũng cho thấy, MSM là nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam.

Ngoài sự gia tăng mạnh ca nhiễm HIV tại khu vực các tỉnh, thành phố phía Nam, trong những năm gần đây, các số liệu cảnh báo dịch cho thấy các khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên đang tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch.

Đặc biệt hình thái lây nhiễm HIV trong giai đoạn từ năm 2010 đến nay có sự thay đổi rõ rệt. Trong số những người nhiễm HIV mới phát hiện, tỷ lệ người nhiễm HIV qua đường máu giảm từ 47,5% năm 2010 xuống còn 6,5% vào tháng 9-2024; tỷ lệ người nhiễm HIV qua đường tình dục trở thành đường lây chính khi tăng từ 47,5% năm 2010 lên 70,8% vào tháng 9-2024.

Trong những năm qua, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam nghiện chích ma túy duy trì ở mức khoảng 12%, trong khi nhóm phụ nữ bán dâm khoảng dưới 5%. Tuy nhiên, tỷ lệ hiện nhiễm HIV trong nhóm MSM có xu hướng tăng rất nhanh trong thời gian qua (tỷ lệ hiện nhiễm HIV trong nhóm MSM trong giám sát trọng điểm HIV tăng từ 7,4% năm 2016 lên 12,5% năm 2022).

Công bằng, bình đẳng trong dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS

PV: Vì sao năm 2024 Việt Nam chọn chủ đề Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS là “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”?

Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS
PGS, TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế chia sẻ với các nhà báo về công tác phòng, chống HIV/AIDS.

PGS, TS Phan Thị Thu Hương: Chủ đề “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030” mà Việt Nam lựa chọn trong năm 2024 có ý nghĩa quan trọng và được đưa ra dựa trên bối cảnh cụ thể.

Trước hết, hưởng ứng chủ đề “Take the Rights Path” của Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) nhằm nhấn mạnh vai trò của quyền được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. UNAIDS cho rằng, việc chăm sóc y tế lấy con người làm trung tâm, tùy vào nhu cầu, hoàn cảnh của mỗi người, để giúp họ có thể tiếp cận dịch vụ y tế hay dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS một cách dễ dàng nhất sẽ giúp thế giới đạt được mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS như một mối đe dọa sức khỏe cộng đồng vào năm 2030.

Công bằng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS có thể hiểu là việc đảm bảo các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS được cung cấp cho tất cả mọi người dựa trên nhu cầu thực tế của họ, thay vì dựa vào khả năng tài chính, địa vị xã hội, hoặc các yếu tố khác.

Việc Việt Nam chọn chủ đề "Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS" thể hiện cam kết giải quyết những bất bình đẳng trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế. Điều này không chỉ phù hợp với định hướng của UNAIDS mà còn là bước đi cần thiết để đảm bảo quyền tiếp cận dịch vụ cho mọi người dân, đặc biệt là các nhóm nguy cơ cao, giúp Việt Nam đạt được mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Chủ đề này cũng phản ánh nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế và tạo điều kiện để mọi người có thể tiếp cận dịch vụ y tế một cách bình đẳng và không bị phân biệt đối xử.

PV: Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã thực hiện những biện pháp gì để đạt được mục tiêu mở rộng và đa dạng hóa các loại hình tư vấn xét nghiệm HIV?

PGS, TS Phan Thị Thu Hương: Hiện nay, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đang tập trung vào mục tiêu mở rộng và đa dạng hóa các loại hình tư vấn xét nghiệm HIV, đẩy mạnh xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng và tự xét nghiệm, hướng đến việc đạt 95% người nhiễm HIV trong cộng đồng biết tình trạng của mình vào năm 2030.

Để đạt được mục tiêu này, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã chỉ đạo các địa phương phối hợp với các dự án và tổ chức quốc tế để triển khai tư vấn xét nghiệm HIV thông qua nhiều mô hình khác nhau. Mục tiêu là đưa dịch vụ này đến gần nhất với nhóm người có hành vi nguy cơ cao, từ đó giúp phát hiện sớm và tăng tỷ lệ người biết tình trạng nhiễm HIV của mình. Cùng với đó triển khai xét nghiệm nhiễm mới HIV tại 50 tỉnh, thành phố; duy trì và mở rộng mạng lưới cơ sở xét nghiệm khẳng định HIV và xét nghiệm phục vụ theo dõi và điều trị; đảm bảo chất lượng hoạt động tư vấn xét nghiệm và điều trị HIV.

PV: Trong bối cảnh các nguồn tài trợ quốc tế đang giảm dần, Bộ Y tế đã có phương án gì để đảm bảo nguồn lực cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS?

PGS, TS Phan Thị Thu Hương: Bên cạnh tiếp tục vận động, huy động các nguồn tài chính quốc tế, Bộ Y tế tiếp tục huy động các nguồn lực tài chính trong nước quan trọng bao gồm: Ngân sách địa phương, nguồn quỹ BHYT, ngân sách Trung ương, thu phí dịch vụ và huy động khu vực tư nhân và các nguồn xã hội hóa. Đến nay các nguồn tài chính trong nước đã đạt khoảng 45%.

Để tiếp tục tăng tỷ trọng các nguồn tài chính trong nước. Bộ Y tế tiếp tục tập trung huy động ngân sách địa phương. Cùng với đó, Bộ Y tế tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế khuyến khích cho việc tăng cường khu vực tư nhân tham gia đầu tư cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS, nhằm tăng tỷ trọng đầu tư của khu vực tư nhân lên tới 10% năm 2025 và 15% năm 2030; tiếp tục hoàn thiện khung giá dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS theo định mức kinh tế kỹ thuật cập nhật để thu phí một số dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.

THÁI SƠN (ghi)

Tin mới

Từ 1-1-2025, các bệnh viện thực hiện theo 5 tiêu chuẩn chất lượng cơ bản
Từ 1-1-2025, các bệnh viện thực hiện theo 5 tiêu chuẩn chất lượng cơ bản

Bộ Y tế cho biết, thời gian qua, Bộ đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra đánh giá chất lượng bệnh viện trên cả nước.

Khám sức khỏe lái xe từ năm 2025 có điểm gì mới?
Khám sức khỏe lái xe từ năm 2025 có điểm gì mới?

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư quy định về tiêu chuẩn sức khỏe, việc khám sức khỏe đối với người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng; việc khám sức khỏe định kỳ đối với người hành nghề lái xe ô tô; cơ sở dữ liệu về sức khỏe của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng.

Cảnh giác chiêu trò giả mạo bán vé máy bay Tết 2025 để lừa đảo
Cảnh giác chiêu trò giả mạo bán vé máy bay Tết 2025 để lừa đảo

Vietnam Airlines cảnh báo tình trạng các đối tượng lừa đảo sử dụng các chiêu trò, thủ đoạn tinh vi bán vé máy bay Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 giá rẻ để lừa khách hàng.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long là Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm
Phó Thủ tướng Lê Thành Long là Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm

Ngày 18/11/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Quyết định số 1420/QĐ-TTg về việc phê duyệt danh sách thành viên Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm.

Giám sát Hội chợ triển lãm xúc tiến thương mại vùng Biên giới - Đồng Tháp năm 2024
Giám sát Hội chợ triển lãm xúc tiến thương mại vùng Biên giới - Đồng Tháp năm 2024

Nhằm để đảm bảo cho người dân tham quan, mua sắm hàng hóa tiêu dùng, đồng thời bảo vệ quyền lợi cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh chân chính tại Hội chợ triển lãm xúc tiến thương mại vùng Biên giới – Đồng Tháp năm 2024 được diễn ra từ ngày 13 tháng 11 năm 2024 đến ngày 17 tháng 11 năm 2024 trên địa bàn thành phố Hồng Ngự theo Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp.

Tiền Giang: Xử lý 01 trường hợp đăng quảng cáo, bán mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ
Tiền Giang: Xử lý 01 trường hợp đăng quảng cáo, bán mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ

Đội QLTT số 4 xử phạt hộ kinh doanh vi phạm trên nền tảng thương mại điện tử số tiền 8 triệu đồng.