Sự phát triển hoạt động kinh doanh trên môi trường mạng phù hợp với xu thế phát triển kinh tế, xã hội, bởi vì tính chất dễ dàng trong việc tiếp cận thông tin quảng cáo, tiện lợi, đa dạng trong lựa chọn hàng hóa, dịch vụ. Nắm bắt được thị hiếu của khách hàng, các cơ sở trên địa bàn đã tăng cường việc quảng bá, giới thiệu, kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử với rất nhiều mẫu mã, chủng loại; từ các sản phẩm công nghệ, thời trang có giá trị lớn đến các sản phẩm tiêu dùng thông dụng, sản phẩm nông nghiệp... bằng các hình thức đăng bài, live stream.. qua các website bán hàng, mạng xã hội facebook, zalo, tiktok.
Tuy nhiên, các vi phạm trên môi trường này vẫn diễn ra với các phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi trong khi công tác kiểm tra, quản lý còn gặp rất nhiều khó khăn, cần sự vào cuộc của nhiều ngành chức năng. Một số đối tượng kinh doanh thông qua mạng xã hội khó xác định được danh tính, không có cơ sở kinh doanh cố định, việc kinh doanh, lưu giữ hàng hóa diễn ra ngay tại nhà ở, giao dịch chủ yếu theo hình thức ship hàng tận nơi dẫn đến việc kiểm tra, xử lý gặp rất nhiều khó khăn; các đối tượng kinh doanh lập nhiều tài khoản kinh doanh trên mạng xã hội (Facebook, Zalo, TikTok.….), bán hàng theo hình thức livestream hoặc đăng bán.
Các điểm bán hàng này thường không giới thiệu địa chỉ cơ sở kinh doanh, khách mua chốt đơn trực tiếp hoặc thông qua inbox (nhắn tin riêng). Để tăng niềm tin họ còn thuê người quảng cáo cho các sản phẩm, hoặc sử dụng nhiều hội, nhóm trên mạng xã hội để mua lượng theo dõi hoặc tâng bốc lẫn nhau bằng các comment, thậm chí chốt đơn để đánh lừa nguời tiêu dùng.
Trước tình hình đó, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Tĩnh đã chủ động rà soát các tổ chức, cá nhân có sử dụng website, mạng xã hội facebook, zalo, tiktok… phục vụ cho việc quảng bá, giới thiệu, kinh doanh để lập kế hoạch, phương án kiểm tra các dấu hiệu vi phạm. Đồng thời làm việc với các ngành chức năng, chính quyền địa phương để nắm bắt tình hình cũng như phối hợp triển khai công tác quản lý thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên môi trường thương mại điện tử. Trong 06 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra 24 vụ, trong đó có 22 vụ vi phạm với 29 hành vi vi phạm như: Buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng hóa nhập lậu, vi phạm trong thiết lập website thương mại điện tử bán hàng (không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; không công bố hoặc công bố không đầy đủ thông tin trên website...), không đăng ký kinh doanh.v.v. Qua đó xử phạt hành chính gần 400 triệu đồng, tịch thu, tiêu hủy hàng hóa trị giá trên 130 triệu đồng.
Để đẩy mạnh công tác xử lý vi phạm trong kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, trong thời gian tới Cục Quản lý thị trường sẽ tập trung các nội dung sau:
- Chủ động nắm tình hình về đối tượng, địa bàn; rà soát việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động thương mại điện tử của các tổ chức, cá nhân; kịp thời phát hiện, kiểm tra, xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng lợi dụng các website, ứng dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
- Tăng cường công tác trao đổi thông tin và đề nghị được chia sẻ thông tin cập nhật, kịp thời về cơ sở dữ liệu và các hoạt động khác trên nền tảng thương mại điện tử, đặc biệt là hoạt động trên các sàn thương mại điện tử như: TikTok, Shopee, Lazada,…Tăng cường trao đổi, tiếp nhận thông tin, hỗ trợ về chuyên môn nghiệp vụ lực lượng chức năng tại địa phương: Công an, Hải quan, Thuế,… đối với hoạt động của các website, ứng dụng, sàn thương mại điện tử; phối hợp tổ chức kiểm tra xử lý hoặc chuyển xử lý vi phạm hành chính có liên quan đến hoạt động thương mại điện tử.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật trong hoạt động thương mại điện tử, cảnh báo các hành vi lợi dụng môi trường thương mại điện tử thu thập thông tin khách hàng, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng.