Bão số 3 với mức độ cuồng phong đã đi qua, may mắn bão không đổ bộ trực tiếp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Tuy chưa gây ra thiệt hại lớn do bão nhưng hoàn lưu sau bão gây mưa lớn, lũ từ thượng nguồn đổ về các sông trên địa bàn tỉnh gây ngập lụt diện rộng vùng bãi ven sông và các xã Gia Tiến, Gia Hưng, Gia Thịnh huyện Gia Viễn; vùng trũng thấp khu vực dân cư trên địa bàn các xã Xích Thổ, Gia Thùy, Lạc Vân, Gia Lâm, Đông Phong thuộc huyện Nho Quan; lũ quét, sạt lở đất đá ở vùng đồi núi, sườn dốc, các xã thuộc huyện Nho Quan, Hoa Lư, TP Tam Điệp.
Theo dự báo của Đài khí tượng Thuỷ văn Ninh Bình: trong những ngày tới lũ trong sông lên cao, kết hợp với mưa lớn; nguy cơ cao gây lũ quét, sạt lở đất đá ở vùng núi, ngập lụt vùng ven sông, các bãi nổi giữa sông, vùng trũng thấp diện rộng, ảnh hưởng đến an toàn đối với các tuyến đê, gây thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản và nhiều vùng dân cư của địa phương; có thể gây nguy hiểm đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhân dân, đe dọa đến tính mạng và tài sản của nhân dân và các hoạt động kinh tế-xã hội...
Trước tình hình đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường, UBND tỉnh Ninh Bình, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh đã đồng loạt ra quân, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường quản lý địa bàn nhằm ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời các diễn biến bất thường của hàng hoá lưu thông trên thị trường, xử lý nghiêm cá hành vi vi phạm liên quan đến lĩnh vực giá, đầu cơ hàng hoá, tạo khan hiếm hàng hoá nhằm nâng giá, trục lợi bất hợp pháp; kiên quyết không để xảy ra tình trạng găm hàng, đẩy giá nhằm đảm bảo ổn định giá cả, cung - cầu các mặt hàng đặc biệt là lương thực, thực phẩm, xăng dầu, hàng hoá thiết yếu… đảm bảo ổn định giá cả, đảm bảo cung ứng đầy đủ các mặt hàng thiết yếu cho người dân trên địa bàn tỉnh.
Trong 2 ngày từ 11/9- 12/9, các Đội Quản lý thị trường đã thành lập các Tổ công tác thực hiện giám sát chặt chẽ địa bàn tại các chợ dân sinh, siêu thị, trung tâm thương mại. Tình hình thị trường trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, việc cung ứng hàng hoá vẫn được bảo đảm, giá hàng hoá tại các hệ thống siêu thị được giữ ổn định; tại các chợ truyền thống, giá một số loại rau củ được nhập từ ngoài tỉnh có tăng nhưng không đáng kể và được bổ sung thường xuyên nên không có hiện tượng tăng giá đột biến, một số loại rau củ được sản xuất tại địa phương như rau muống, rau ngót, rau mùng tơi, rau thơm… giá không tăng; các mặt hàng khác như: thịt lợn, thịt bò, thịt gà, cá và các loại đồ khô (gạo, đậu, bún, miến…) giá không tăng. Mặt hàng mì tôm và áo phao có hiện tượng khan hiếm hàng do đầu cung cấp không có hàng. Đến thời điểm hiện tại, cung cầu, giá cả hàng hoá trên địa bàn tỉnh Ninh Bình ổn định, không có hành vi lợi dụng tình hình mưa bão để găm hàng, tăng giá hàng hóa bất hợp lý để trục lợi.
Một số hình ảnh lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình thực hiện giám sát tại các chợ dân sinh:
Đội QLTT số 2 thực hiện giám sát tại chợ Sáng (thành phố Tam Điệp) và chợ Nho Quan
Đội QLTT số 3 thực hiện giám sát tại chợ Rồng (thành phố Ninh Bình), chợ Yên Mỹ (huyện Hoa Lư) và chợ Me (huyện Gia Viễn)
Đội QLTT số 4 thực hiện giám sát tại chợ Bút, chợ Ngò (huyện Yên Mô), chợ Ninh (huyện Yên Khánh), chợ Nam Dân (huyện Kim Sơn)
Bên cạnh đó, Cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình chỉ đạo Đội Quản lý thị trường số 1 (Đội Cơ động) tiếp tục thực hiện tháng cao điểm về kiểm tra, kiểm soát thị trường trong dịp Tết Trung thu, chủ động thu thập, thẩm tra, xác minh thông tin tại các kho, bến bãi, điểm tập kết hàng hoá, cửa hàng kinh doanh có quy mô trên địa bàn tỉnh để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến mặt hàng phục vụ Tết Trung thu.
Đội QLTT số 1 thực hiện giám sát thị trường bánh Trung thu