Đại biểu Quốc hội: Kinh tế - xã hội có nhiều khởi sắc song thị trường có nhiều biến động bất thường
Sáng 23-5, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội thảo luận tại tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024.
Qua thảo luận, các đại biểu đánh giá, năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, kinh tế - xã hội nước ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm, giải ngân vốn đầu tư công và xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông được đẩy mạnh là những thành tựu nổi bật, tạo tiền đề cho quá trình phục hồi tăng trưởng và phát triển kinh tế.
So với báo cáo tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, một số chỉ tiêu đạt kết quả tích cực hơn như: Thu ngân sách nhà nước, xuất siêu, thu hút và giải ngân vốn FDI… Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, đào tạo, dạy nghề tiếp tục được quan tâm. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật được chú trọng, hoàn thành khối lượng công việc rất lớn. Quốc phòng, an ninh được giữ vững; đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt nhiều thành tựu...
Thị trường vàng, bất động sản có nhiều biến động
Phát biểu góp ý, đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) đánh giá, tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 và những tháng đầu năm 2024 có nhiều kết quả tích cực.
Theo đó, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm, giải ngân vốn đầu tư công và xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông được đẩy mạnh, tạo tiền đề cho việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội mà Đại hội XIII của Đảng và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã đặt ra.
Đại biểu Tạ Thị Yên phát biểu. |
Đại biểu cho rằng, tuy tình hình mâu thuẫn địa chính trị, địa kinh tế, xung đột cục bộ diễn ra khốc liệt trên thế giới dẫn tới hình thành các khối, cực cạnh tranh gay gắt, làm đứt gãy chuỗi cung ứng, đi ngược lại quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, nhưng Chính phủ đã có những chỉ đạo, điều hành hết sức sáng suốt, tận dụng thời cơ để phát triển những ngành công nghiệp mới như hydrogen, vi mạch bán dẫn và tiếp tục quá trình chuyển đổi số quốc gia - điều này đã và đang đem lại những khởi sắc cho nền kinh tế.
Ngoài ra, theo đại biểu Tạ Thị Yên, kết quả thu ngân sách so với báo cáo tại Kỳ họp thứ sáu của Quốc hội đã vượt 8,2% - tăng 133.400 tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội và dự toán năm 2023 rất tích cực. Đây là cơ sở quan trọng để tăng chi đầu tư cho nhiều công trình, dự án quan trọng.
Ngoài ra, các chỉ số cân đối lớn của nền kinh tế như xuất siêu khoảng 28,3 tỷ USD, so với chỉ số đã báo cáo Quốc hội là khoảng 15 tỷ USD; thu hút vốn FDI đạt gần 36,6 tỷ USD (đã báo cáo khoảng 27-30 tỷ USD); vốn FDI thực hiện đạt gần 23,2 tỷ USD (đã báo cáo khoảng 20-22 tỷ USD); thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm....
“Cử tri ghi nhận và đánh giá rất cao những kết quả hết sức tích cực này”, đại biểu nói.
Tuy vậy, đại biểu Tạ Thị Yên cũng nhắc đến một số biến động bất thường của thị trường. "Thị trường vàng, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian vừa qua cho thấy có sự không ổn định, cho thấy cần sớm có sự chỉ đạo, tháo gỡ, bình ổn, truyền thông làm rõ, để tránh những tác động tiêu cực đến nền kinh tế, xáo động tâm lý của người dân. Đối với thị trường vàng, chúng ta có thể thấy rõ đây không phải là nhu cầu thực tế của người dân mà có thể là do một số đối tượng đầu cơ, lũng đoạn thị trường để trục lợi”, đại biểu Tạ Thị Yên nói.
Hàng nghìn căn hộ tái định cư bỏ hoang phế, người dân vẫn thiếu chỗ ở
Đề cập đến thị trường bất động sản, đại biểu Tạ Thị Yên cũng nhắc đến việc thiếu phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ, giá trung bình hợp với khả năng tài chính của người dân cũng cần phải điều chỉnh.
“Nhà ở xã hội có nơi thì thừa, nơi thì thiếu. Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội mới giải ngân được 83 tỷ đồng là rất thấp, do đó cần phải làm rõ trách nhiệm các cơ quan có liên quan vì sao chính sách của chúng ta là rất tốt, rất nhân văn, thế nhưng lại chậm được triển khai thực hiện, trong khi người dân thì rất mong mỏi, chờ đợi điều này”, đại biểu phân tích.
Đại biểu cho biết thêm, con số thừa 14.000 căn nhà tái định cư tại quận Bình Tân, TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) hay hàng nghìn căn hộ tái định cư bỏ hoang phế ở quận Long Biên, Cầu Giấy (TP Hà Nội) đã làm lãng phí nguồn lực tài chính công; trong khi người dân vẫn còn thiếu chỗ ở. Đại biểu đề nghị cần phải làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Đại biểu Trần Văn Tiến phát biểu. |
Đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) cũng nhấn mạnh đến những kết quả tích cực của kinh tế - xã hội thời gian qua; cho rằng đây là tín hiệu của sự phục hồi, tăng tốc của kinh tế trong các quý sau của năm 2024.
Tuy nhiên, đại biểu Trần Văn Tiến cũng nhắc đến một số tồn tại của nền kinh tế, như: Thu ngân sách nhà nước còn nhiều hạn chế, việc phân tích, dự báo thu chưa sát; nợ đọng thuế còn cao, công tác cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước còn khó khăn, vướng mắc. Tổng cầu trong nước dù đã tăng khá hơn nhưng tốc độ tăng vẫn thấp hơn tốc độ tăng GDP...
“Tích lũy tài sản có khá hơn nhưng có một phần không nhỏ còn đầu tư vào tiền ảo, vàng, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp”, đại biểu nói.
ANH PHƯƠNG
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.