Đau đáu “giữ lửa” nghệ thuật sân khấu cải lương
Liên hoan Cải lương toàn quốc 2024 diễn ra từ ngày 25-10 đến 15-11 tại TP Cần Thơ mang đến nhiều trăn trở cho người làm nghề và cả khán giả.
Theo dõi các đơn vị nghệ thuật tham gia năm nay, dù trong tình hình sân khấu cải lương có phần suy giảm nhưng tất cả đều cố gắng đầu tư cả chất xám lẫn kinh phí, với mong muốn mang đến những tác phẩm ưng ý nhất, tuy vẫn còn đó những nuối tiếc...
Vắng các đoàn chuyên nghiệp
Tham gia liên hoan năm nay có 29 đơn vị nghệ thuật trong và ngoài công lập với hơn 1.200 nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công... biểu diễn 33 vở cải lương (mỗi vở từ 90 đến 150 phút). So với kỳ liên hoan 2021 (do dịch Covid-19 dời sang năm 2022) tổ chức tại tỉnh Long An thì lần này tăng 7 đơn vị và 6 vở diễn. Chưa nói đến chất lượng, nhưng với số lượng ấy cũng đáng phấn khởi, bởi trong điều kiện sân khấu cải lương được xem “trầm lắng” thì các đơn vị và từng thành phần sáng tạo vở diễn đã rất nỗ lực, tâm huyết với loại hình nghệ thuật này. Tuy nhiên, sự thiếu vắng các đoàn chuyên nghiệp khiến người trong nghề băn khoăn về chất lượng.
Cảnh trong vở “Sau lưng thềm nắng” của Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: QUANG ĐỨC |
Đầu tiên là Nhà hát Cải lương Việt Nam-một tên tuổi lớn trong làng cải lương cả nước-lại vắng mặt ở cuộc thi nghề nghiệp. Trong khi tại liên hoan lần trước, đơn vị này dự thi vở “Nguyễn cầm ca - Kiều” do nhà văn Nguyễn Hiếu cảm tác từ “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du; chuyển thể cải lương: Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Phan Ngọc Chi; đạo diễn: Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Hoàng Quỳnh Mai và đã đoạt huy chương vàng. Tháng 9-2024, “lá cờ đầu của sân khấu cải lương phía Bắc” thử nghiệm khá táo bạo khi ra mắt vở “Cánh cửa khép hờ” của Hoàng Song Việt, NSND Triệu Trung Kiên đồng tác giả và đạo diễn, khai thác đề tài giả tưởng về trí tuệ nhân tạo và công nghệ sinh học và cũng không mang đến liên hoan năm nay. Theo NSND Triệu Trung Kiên, Giám đốc nhà hát, thì lý do là không có kinh phí tham gia.
Cũng tại liên hoan 2021, Đoàn Nghệ thuật Cải lương Bến Tre đoạt huy chương bạc với vở “Trái tim và đôi mắt” (tác giả: Trương Huyền; chuyển thể cải lương: Hùng Dũng; đạo diễn: NSND Giang Mạnh Hà) tái hiện cuộc đời, nhân cách của danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu. Tháng 8 vừa qua, đơn vị này dựng lại tuồng cổ kinh điển “Câu thơ yên ngựa” (tác giả: Lê Hoàng Yến; chuyển thể: NSND Thanh Tòng) kể về người anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt chống quân Tống trên sông Như Nguyệt năm 1075. Trước đó, tháng 12-2023, dựng vở cải lương “Người chị xứ dừa” (tác giả: Hồ Thanh Tùng; đạo diễn: Huy Trần) kể về cuộc đời của nữ tướng Nguyễn Thị Định từ năm 16 tuổi bắt đầu tham gia cách mạng đến năm 40 tuổi chỉ huy Phong trào Đồng khởi. Thế nhưng, cả hai vở đều không tham gia liên hoan năm nay mà chỉ biểu diễn phục vụ, góp phần giáo dục truyền thống.
Đặc biệt, các Đoàn Cải lương Ánh Hồng - Trà Vinh, Đoàn Cải lương nhân dân Kiên Giang, Đoàn Văn công Đồng Tháp, Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Tiền Giang... đã khẳng định “thương hiệu” trong lòng khán giả mộ điệu mấy chục năm, nhưng sau khi sáp nhập với trung tâm văn hóa tỉnh hoặc giải tán thì vắng hẳn. Một nghệ sĩ từng diễn vai kép nhì chia sẻ: “Khi sáp nhập hai loại hình có đặc thù hoạt động khác nhau, tôi có gần 20 năm gắn bó với sân khấu chuyên nghiệp bỗng dưng trở thành “nghiệp dư hóa”. Thế nên tôi phải rời đi “tìm đất dụng võ” để được làm nghề, thậm chí tham gia hát đám tiệc kiếm thu nhập nuôi vợ con. Một số anh chị em đồng nghiệp cũng ngậm ngùi chia tay sàn diễn lừng lẫy một thời, loay hoay tự tìm nghề
Tâm huyết của nghệ sĩ trẻ
Theo quy định của liên hoan, mỗi đơn vị nghệ thuật phải có tư cách pháp nhân và được tham gia một vở diễn; nghệ sĩ đóng vai chính, thứ chính tham gia không quá hai vở diễn. Ở TP Hồ Chí Minh, ngoài Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang thuộc Nhà nước quản lý còn hơn 10 đơn vị đều xã hội hóa; trong đó không ít nghệ sĩ trẻ cố gắng đầu tư kinh phí, công sức với mong muốn được đồng nghiệp, khán giả nhận xét, góp ý để rút ra những bài học quý báu trên con đường nghệ thuật. Ví như NSƯT Lê Trung Thảo viết kịch bản, đạo diễn và đảm nhiệm vai chính vở “Lưu vong-Khí tiết một trung thần”. Để thỏa mãn đam mê sáng tạo, anh đi làm nhiều nơi, kiếm hàng trăm triệu đầu tư dàn dựng, dù biết rõ chỉ tham gia cuộc thi chứ biểu diễn để thu hồi vốn là... ước mơ.
Vở “Người mang chín án tử” của tác giả Phạm Văn Quý đã được nhiều đoàn kịch dàn dựng, biểu diễn thành công và thu truyền hình đi thi gây tiếng vang. Lần này, nghệ sĩ trẻ Hoàng Hải bỏ tiền túi đưa lên sân khấu với bản chuyển thể cải lương của Võ Tử Uyên và đạo diễn kỳ cựu NSƯT Hoa Hạ. Hoàng Hải chia sẻ: “Vào vở này, tôi đảm nhiệm vai chính Tả quân Lê Văn Duyệt, tham gia hầu hết các phân cảnh, trong đó có nhiều cảnh nặng ca diễn, vũ đạo, ngoài cải lương còn có hát bội. Đây là vai diễn khó nhất với tôi từ trước tới nay, vì vậy, tôi muốn mang đi thi để thử sức mình”...
“Truyền tích Cổ Loa xưa” là tác phẩm Dương Khôn thi tốt nghiệp lớp đạo diễn Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh TP Hồ Chí Minh đầu tháng 10 và tham gia liên hoan 2024. Từ truyền thuyết Trọng Thủy-Mỵ Châu, tác giả Nguyên Phương lồng ghép hành trình của người trẻ đối thoại với người xưa về lịch sử và bài học để lại. Đạo diễn Dương Khôn không ngại đầu tư nửa tỷ đồng đưa chuyên môn múa của mình bổ sung vào nhiều lớp dựng đẹp mắt, giàu mỹ cảm; nhất là kết hợp công nghệ hiện đại khi đưa mô hình thành Cổ Loa lên màn hình trình chiếu với hiệu ứng gió mưa, sấm chớp, hoa bay... tạo ấn tượng với người xem. Dương Khôn cho biết: “Lần đầu tiên tôi dựng vở cải lương tham gia cuộc thi chuyên nghiệp là muốn học hỏi, nâng cao tay nghề. Tôi cảm ơn các nghệ sĩ trẻ đã đồng hành với tôi trong suốt quá trình tập luyện vất vả và hoàn thành buổi thi trọn vẹn như Chuông vàng vọng cổ 2015”.
Nhìn vào bức tranh tổng thể liên hoan năm nay, ngoài các đơn vị nghệ thuật công lập thì các nghệ sĩ trẻ phải tự tìm nguồn kinh phí đầu tư dàn dựng vở diễn tham gia bởi không có sự hỗ trợ từ ngân sách công; đồng thời phải “dựa” vào đơn vị có đủ tư cách pháp nhân mới đến được “sân chơi lớn” này.
Nhiều người cho rằng mục đích đi thi là kiếm huy chương để xét danh hiệu, nhưng với sự đầu tư nghiêm túc, dàn dựng chỉn chu, biểu diễn chuyên nghiệp là nguyện vọng chính đáng cần phải phát huy. Đồng tình với quan điểm này, đạo diễn, NSƯT Hoa Hạ nói thêm: “Ngoài huy chương, điều quan trọng với nghệ sĩ là sự cọ xát tại liên hoan xem bản thân mình đã rèn luyện được gì, yếu kém mặt nào để trau dồi thêm. Mặt khác, khi đứng trên sân khấu quy mô lớn như liên hoan lần này, nghệ sĩ thỏa sức sáng tạo, dồn hết lực cho vai diễn, coi đây là cơ hội để học hỏi thế hệ tài danh và giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với đồng nghiệp; từ đó bổ sung năng lượng tích cực tiếp nối hành trình mang đến sức sống mạnh mẽ cho sân khấu cải lương. Có như vậy, nghệ sĩ mới giữ mãi lửa nghề, tiếp bước thành công trên con đường nghệ thuật chân chính”.
"Để cải lương thật sự gần gũi với thế hệ trẻ, để các bạn có thể thấy chính mình trong những câu chuyện thì chúng ta cần đổi mới cách thể hiện, từ viết kịch bản, dàn dựng đến phong cách biểu diễn hiện đại nhưng vẫn đậm đà bản sắc. Liên hoan lần này không chỉ tìm kiếm những thí sinh xuất sắc nhất mà còn góp phần định hình hướng đi lâu dài, bền vững và sáng tạo của cải lương Việt Nam", NSND Thanh Điền, thành viên Hội đồng nghệ thuật liên hoan cho hay. |
HỒ KIÊN GIANG
Tin mới
Xem xét quy định thời gian công bố phương án thi tuyển sinh lớp 10 sớm
Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 8347/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long xử lý thông tin báo chí phản ánh liên quan đến dự thảo Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Sai một ly, “đi”... mảnh đất
Chị N.M.A ở xã Yên Lư, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) vừa có đơn trình báo cơ quan công an, đề nghị giải quyết việc chị bị chị L.N.A, trú tại phường Trung Phụng, quận Đống Đa (Hà Nội) “cho vay nặng lãi và có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Cộng hòa Séc
Nhận lời mời của Thủ tướng Petr Fiala, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 13 đến 16-11.
Chủ tịch nước hội kiến Quốc vương Brunei, Thị trưởng thành phố Lima, tiếp Liên minh doanh nghiệp Hoa Kỳ - APEC
Ngày 14-11, nhân dịp dự Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2024 tại Lima (Peru), Chủ tịch nước Lương Cường đã hội kiến Quốc vương Brunei Darussalam Hassanal Bolkiah. Chủ tịch nước Lương Cường trân trọng chuyển lời thăm hỏi của Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tới Quốc vương Brunei.
Chứng khoán Mỹ lao dốc sau phát biểu của Chủ tịch Fed
Thị trường chứng khoán Mỹ đã kết thúc phiên giao dịch ngày 14-11 trong sắc đỏ khi các nhà đầu tư tỏ ra thận trọng sau những phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell.
Vùng áp thấp do bão số 8 tiếp tục suy yếu và tan dần từ chiều 15-11
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, sáng sớm 15-11, áp thấp nhiệt đới (suy yếu từ bão số 8) đã suy yếu thành một vùng áp thấp trên vùng biển phía Tây Bắc của khu vực Bắc Biển Đông.