• Click để copy

Đầu tư cho hoạt động phòng chống ma túy là đầu tư cho sự phát triển bền vững của đất nước

Sáng 3-11, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến một số nội dung chuẩn bị trình Quốc hội tại kỳ họp thứ Tám. Nội dung đầu tiên được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến là về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030.

83,7% số xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy

Nêu lý do cần thiết xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030, Đại tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an nêu rõ, xuất phát từ áp lực về thực trạng tình hình ma túy, hiện nay tình hình ma túy thế giới, khu vực và các nước láng giềng ngày càng phức tạp, nghiêm trọng, tác động trực tiếp, làm gia tăng nguy cơ, áp lực đối với công tác phòng, chống ma túy ở nước ta.

Tình hình ma túy ở trong nước diễn biến rất phức tạp và khó lường với số vụ, đối tượng và tang vật ma túy bắt giữ có xu hướng tăng qua các năm. Số người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy vẫn còn ở mức rất cao, có ở mọi thành phần, lứa tuổi, địa bàn. Số xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy trong toàn quốc không giảm và chiếm tỷ lệ đa số (chiếm 83,7%).

Đầu tư cho hoạt động phòng chống ma túy là đầu tư cho sự phát triển bền vững của đất nước
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên họp. Ảnh: LÂM HIỂN

Cùng với đó, chương trình nhằm tiếp nối và phát huy các thành tựu, kết quả đạt được của Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025 trên các mặt công tác lãnh đạo, chỉ đạo; tuyên truyền phòng ngừa; đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy; cai nghiện ma túy, quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy và quản lý sau cai…

Thời gian thực hiện Chương trình từ năm 2025 đến hết năm 2030, được thực hiện trên phạm vi cả nước với đối tượng thụ hưởng bao gồm: Người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy, người cai nghiện ma túy, người tham gia điều trị nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy và người vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy thuộc diện được trợ giúp pháp lý; các tổ chức, cá nhân có liên quan thuộc các cơ quan: Chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy; cai nghiện ma túy; điều trị nghiện ma túy và tham mưu, quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy; cộng đồng người dân Việt Nam, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Tổng vốn thực hiện Chương trình là hơn 22.450 tỷ đồng, gồm 9 dự án, 6 tiểu dự án do 8 bộ, ngành chủ trì.

Làm rõ hơn giải pháp bảo đảm nguồn lực đáp ứng mục tiêu

Qua thảo luận, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ, việc xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 là yêu cầu cấp bách và khách quan, xuất phát từ thực tiễn tình hình, trước những áp lực ngày càng gia tăng của tình hình ma túy trên thế giới, khu vực và trong nước đe dọa trực tiếp đến sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đầu tư cho hoạt động phòng chống ma túy là đầu tư cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Tham gia thảo luận tại phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, phòng chống ma túy là công tác rất quan trọng, vì ma túy là nguồn gốc của nhiều tệ nạn, nhiều loại tội phạm nguy hiểm, hơn thế nữa, nó còn gây ảnh hưởng đến nòi giống, an sinh xã hội, ảnh hưởng tới sự phát triển chung của cả đất nước.

Hiện nay, ma túy đang có rất nhiều chủng loại, dạng thức, trong đó có những loại rất mới, khó kiểm soát, rất nguy hiểm. Tuy nhiên, số vốn đề xuất chi cho Chương trình mục tiêu quốc gia này còn hạn chế, cần cân nhắc, tính toán kỹ để sử dụng hợp lý, chi cho những nhiệm vụ thật trọng tâm, đảm bảo đem lại hiệu quả lớn.

Đầu tư cho hoạt động phòng chống ma túy là đầu tư cho sự phát triển bền vững của đất nước
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp: LÂM HIỂN

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng đây là Chương trình mục tiêu quốc gia có ý nghĩa quan trọng. Trong thời gian qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Ban Chỉ đạo phòng, chống ma túy đã có hành động quyết liệt, đạt được kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, số liệu cho thấy tình trạng người sử dụng ma túy vẫn còn đáng báo động. Do vậy, việc xây dựng và triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống ma túy trong thời điểm này sẽ đáp ứng được kỳ vọng của cử tri và nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cần làm rõ nguyên nhân, đưa ra giải pháp triệt để, căn cơ, dài hạn, triệt để phòng ngừa ma túy, thắt chặt kiểm soát tại các điểm nóng, các khu dịch vụ giải trí. Cùng với đó, để bảo đảm hiệu quả thực hiện của Chương trình, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát thận trọng, loại trừ những trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung với các Chương trình mục tiêu quốc gia khác đang thực hiện. Đặc biệt, áp dụng kinh nghiệm thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trước đây, cần nghiên cứu kỹ cơ chế phối hợp, phân công nhiệm vụ, trách nhiệm của các bộ ngành để đảm bảo gọn đầu mối, giảm số lượng văn bản hướng dẫn, tăng cường phân cấp phân quyền, nâng cao hiệu quả thực thi. 

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của Chương trình này, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ cân đối để thu xếp nguồn vốn thực hiện.

Trước đó, Báo cáo thẩm tra Tờ trình của Chính phủ đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030, Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề nghị Chính phủ làm rõ hơn giải pháp bảo đảm nguồn lực đáp ứng mục tiêu, các chỉ tiêu đặt ra của chương trình, cơ cấu vốn các dự án thành phần, cơ chế đặc thù phân bổ vốn phù hợp cho các địa phương khó khăn, chưa tự cân đối ngân sách và có tính chất phức tạp về ma túy…

Đầu tư cho hoạt động phòng chống ma túy là đầu tư cho sự phát triển bền vững của đất nước
Đại tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an báo cáo tại phiên họp: LÂM HIỂN

Về thời gian thực hiện chương trình, Ủy ban Xã hội thấy rằng, thời gian thực hiện Chương trình theo đề xuất của Chính phủ là phù hợp. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ bảo đảm việc bố trí nguồn lực dự kiến 65,1 tỷ đồng cho năm 2025 phù hợp với dự toán ngân sách nhà nước năm 2025, bảo đảm tính khả thi về thời gian, nhiệm vụ thực hiện.

Ý kiến các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhất trí Chương trình bảo đảm điều kiện trình Quốc hội xem xét, quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư tại Kỳ họp thứ Tám.

VŨ DUNG

Tin mới

Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh

Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.

Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.

Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam

Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.

Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ

Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.

Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh

Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).

TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua

Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.