Để cuộc thi khoa học, kỹ thuật dành cho học sinh thực sự bổ ích, thiết thực
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành quy chế cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học, thay thế quy chế cũ ban hành từ năm 2012. Quy chế mới có một số thay đổi quan trọng nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, hướng tới việc tạo ra một sân chơi khoa học thực sự bổ ích, thiết thực cho học sinh.
Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học (THCS và THPT) được tổ chức từ năm 2013. Thực tế qua hơn 10 năm tổ chức cho thấy, cuộc thi đã bước đầu tạo ra sân chơi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật bổ ích cho học sinh, giúp các em học sinh từng bước được thực hành, trải nghiệm, ứng dụng kiến thức được học vào giải quyết một đề tài khoa học cụ thể, rèn luyện, phát triển tư duy khoa học, năng lực, kỹ năng thuyết trình, phản biện, làm việc nhóm…
Hoạt động này đồng thời cũng tạo động lực để đội ngũ giáo viên và các em học sinh thay đổi phương pháp giảng dạy, học tập theo hướng tích cực, thực hiện phương châm “học đi đôi với hành”.
![]() |
Ban chỉ đạo, Ban tổ chức cùng các thí sinh tham dự Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2023-2024. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo |
Tuy nhiên, bên cạnh ưu điểm, thời gian qua, việc tổ chức cuộc thi cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập khiến dư luận bức xúc, phần nào làm mất đi ý nghĩa của cuộc thi. Những hạn chế, bất cập này xét đến cùng đều bắt nguồn từ “bệnh thành tích”.
Theo đó, những năm gần đây, hầu như năm nào Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học cũng gây “choáng” cho không ít người về độ khó, phức tạp của các đề tài, dự án, từ các đề tài nghiên cứu về rô-bốt, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo… đến chữa bệnh ung thư, điều trị xơ vữa động mạch… Nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo có uy tín đã phải thốt lên: “Với trình độ, kiến thức được học ở bậc phổ thông, các em học sinh rất khó nếu không muốn nói là không thể thực hiện được những nội dung nghiên cứu này. Ngay đến cả thạc sĩ, tiến sĩ nếu nghiên cứu cũng còn gặp nhiều khó khăn chứ chưa nói đến các em học sinh…”.
Dư luận cũng không phải không có lý khi đặt câu hỏi về tình trạng “mua” đề tài, dự án, sao chép từ các luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ, tình trạng thầy cô làm thay học trò… rồi mang “sản phẩm nghiên cứu” đi dự thi. Tất cả những việc này đã khiến từ mục đích tốt đẹp ban đầu, cuộc thi khoa học, kỹ thuật đã biến thành cuộc đua thành tích bất chấp những hậu quả tiêu cực như không mang lại hiệu quả, gây lãng phí lớn và nguy hại nhất là “dạy” học sinh cách làm việc gian dối, không trung thực ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, quy chế cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh THCS và THPT ban hành kèm theo Thông tư số 06/2024/TT-BGDĐT ngày 10-4-2024 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có sự thay đổi về mục đích, yêu cầu, quy trình tổ chức.
Về mục đích, để phù hợp với khả năng, trình độ của học sinh, cuộc thi “khuyến khích học sinh nghiên cứu khoa học, kỹ thuật…” thay vì “khuyến khích học sinh nghiên cứu, sáng tạo khoa học, công nghệ, kỹ thuật…” như quy chế cũ, đồng thời bỏ nội dung “khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở nghiên cứu, các tổ chức và cá nhân hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thuật của học sinh trung học” để tránh tình trạng can thiệp, làm thay.
Về yêu cầu của cuộc thi, quy chế mới nhấn mạnh yếu tố phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, năng lực, sở trường của học sinh, tinh thần tự nguyện, sự trung thực, nghiêm túc khi bổ sung nội dung: “Nội dung nghiên cứu khoa học, kỹ thuật của học sinh bảo đảm thiết thực, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi và yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh theo mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông; việc tổ chức cho học sinh tham gia nghiên cứu khoa học, kỹ thuật bảo đảm an toàn, nghiêm túc, công khai, minh bạch, phù hợp với năng lực, sở trường, hứng thú và tự nguyện tham gia của học sinh”.
Đặc biệt, nếu quy chế cũ cho phép giáo viên, giảng viên, cán bộ nghiên cứu, nhà khoa học tham gia hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học, thì tại Điều 12 của quy chế mới nêu rõ, cơ sở giáo dục cử giáo viên, nhân viên hướng dẫn học sinh, đồng thời tổ chức đánh giá, lựa chọn dự án của học sinh để gửi đơn vị dự thi… Như vậy, sẽ chỉ có giáo viên, nhân viên của cơ sở giáo dục được phép hướng dẫn học sinh.
Điều này sẽ chấm dứt việc nhiều giảng viên đại học, nhà khoa học tham gia hướng dẫn học sinh triển khai dự án như trước đây dễ dẫn tới tình trạng nhà khoa học cho học sinh “mượn” đề tài, kết quả nghiên cứu của mình hoặc nghiên cứu những đề tài vượt quá khả năng của học sinh...
Quy chế mới ban hành sẽ tạo cơ sở quan trọng để chấn chỉnh, xóa bỏ những bất cập, hạn chế trong tổ chức cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học thời gian qua. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể trở thành hiện thực, cuộc thi chỉ có thể trở thành sân chơi khoa học thực sự bổ ích, thiết thực khi mỗi học sinh, giáo viên, cơ sở giáo dục và cả xã hội quan tâm, đề cao tính trung thực, khách quan, tinh thần liêm chính khoa học và “nói không” với “bệnh thành tích”.
TRUNG PHƯƠNG
Tin mới
Đông Nam Bộ: Xuất hiện đợt triều cường mới ven biển
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ ngày 11-4 đến 17-4, khu vực ven biển Đông Nam Bộ có khả năng xuất hiện một đợt triều cường với mực nước cao nhất tại trạm Vũng Tàu trong khoảng thời gian này có khả năng dưới 4m. Người dân cần đề phòng ngập úng tại các vùng trũng, thấp, ven sông và vùng ngoài đê bao khu vực ven biển phía Đông Nam Bộ.
Hà Nội thành lập Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2025
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 1979/QĐ-UBND, ngày 10-4-2025 về việc thành lập Ban Chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông thành phố Hà Nội năm 2025.
Quy hoạch hạ tầng số để phát triển mạng di động 5G
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ vừa ký ban hành Thông tư số 02/2025/TT-BKHCN, quy định chi tiết về quy hoạch phân kênh tần số vô tuyến điện cho nghiệp vụ cố định băng tần 71-76 GHz và 81-86 GHz (băng tần E). Thông tư có hiệu lực từ ngày 15-5-2025.
Thuế quan của Mỹ: Tổng thống Mỹ Donald Trump lạc quan về khả năng đạt thỏa thuận với Trung Quốc
Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ lạc quan về khả năng đạt thỏa thuận với Trung Quốc dù cuộc chiến thuế quan tiếp tục leo thang khi ông tăng thuế với hàng hóa Trung Quốc lên 145%.
Unilever đầu tư nhà máy 800 triệu USD tại Mexico bất chấp chính sách thuế của Mỹ
Tập đoàn hàng tiêu dùng hàng đầu thế giới Unilever đang lên kế hoạch đầu tư xây dựng nhà máy trị giá 800 triệu USD tại bang Nuevo León, miền Bắc Mexico, trong đó đa số sản phẩm sẽ được xuất sang thị trường Mỹ và Canada, bất chấp những thách thức liên quan đến chính sách thuế của Tổng thống Donald Trump.
Iran cảnh báo có thể trục xuất các thanh sát viên hạt nhân của Liên hợp quốc
Ngày 10-4, một cố vấn của nhà lãnh đạo tối cao Ali Khamenei cảnh báo rằng Iran có thể trục xuất các thanh sát viên thuộc cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc khi "các mối đe dọa" gia tăng trước các cuộc đàm phán quan trọng với Mỹ.