Đề xuất hơn 25.500 tỷ đồng đầu tư cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành
Ngày 22-5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã nghe tờ trình về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).
Theo đó, cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây, đây là trục đường giao thông quan trọng kết nối vùng Tây Nguyên với vùng Đồng Nam Bộ, vùng Tây Nam Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình về chủ trương đầu tư Dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành. |
Mục tiêu đầu tư của dự án nhằm hình thành tuyến cao tốc trọng điểm kết nối vùng Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ, kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh Bình Phước, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai và các địa phương khác trong vùng, tạo không gian phát triển mới; khai thác tiềm năng sử dụng đất, phát triển du lịch, công nghiệp chế biến, công nghiệp khai thác khoáng sản... Từng bước cơ cấu lại kinh tế vùng Tây Nguyên; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Dự án sẽ đầu tư khoảng 128,8km đường cao tốc, trong đó, tuyến đi qua địa phận tỉnh Đắk Nông 27,8km; qua địa phận tỉnh Bình Phước 101km (bao gồm 2km kết nối với đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa).
Để phát huy hiệu quả đầu tư, hiệu quả tài chính, phù hợp với khả năng cân đối các nguồn vốn, giai đoạn 1 phân kỳ đầu tư quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn; giải phóng mặt bằng thực hiện một lần theo quy mô quy hoạch (6 làn xe).
![]() |
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư dự án. |
Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 25.540 tỷ đồng, trong đó: Vốn nhà nước tham gia 12.770 tỷ đồng, gồm: Ngân sách trung ương 10.536,5 tỷ đồng; ngân sách địa phương 2.233,5 tỷ đồng; vốn nhà đầu tư thu xếp 12.770 tỷ đồng. Theo tiến độ dự kiến, thực hiện dự án từ năm 2024, phấn đấu hoàn thành năm 2026.
Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư dự án, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhất trí sự cần thiết đầu tư dự án và cơ bản nhất trí với quy mô đầu tư của Dự án, tuy nhiên một số ý kiến đề nghị cân nhắc mở rộng đoạn kết nối 2km của dự án theo quy mô 4 làn xe để bảo đảm kết nối đồng bộ nhằm phát huy hiệu quả đầu tư đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Chơn Thành đang triển khai.
Chính phủ kiến nghị đầu tư dự án theo phương thức đối tác công tư. Tuy nhiên, thực tế triển khai các dự án thời gian qua cho thấy việc thu hút các nhà đầu tư, tổ chức tín dụng tham gia đầu tư các dự án gặp nhiều khó khăn. Do đó, đề nghị bổ sung các cơ sở để bảo đảm tính khả thi cho dự án, tránh trường hợp phải chuyển đổi sang hình thức đầu tư công.
![]() |
Quang cảnh phiên họp của Quốc hội ngày 22-5 tại Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV. |
Theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, có 2 dự án BOT song hành với dự án là dự án BOT Cầu 38 - thị xã Đồng Xoài và dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 14 đoạn Km817 - Km887, tỉnh Đắk Nông), nên việc đầu tư cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành sẽ làm giảm doanh thu và thay đổi phương án tài chính dự kiến ban đầu của các dự án này. Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị bổ sung giải pháp cụ thể hơn đối với phương án xử lý các dự án giao thông BOT song hành để Quốc hội có cơ sở xem xét, quyết định.
Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ có các giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đồng bộ để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan thực hiện và có chế tài gắn trách nhiệm đối với các cấp chính quyền địa phương bảo đảm tiến độ hoàn thành dự án. Bên cạnh đó, số hộ dân bị ảnh hưởng lớn, vì vậy đề nghị cần quan tâm, ban hành chính sách hợp lý và đền bù thỏa đáng đối với người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dự án.
MẠNH HƯNG
Tin mới
Tạm giữ lượng lớn đồ gia dụng không rõ nguồn gốc tại Hoàng Mai, Hà Nội
Ngày 16/7/2025, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước chủ trì, phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu, Công an thành phố Hà Nội kiểm tra đột xuất Hộ kinh doanh Phạm Quỳnh Vân 6688 trên địa bàn phường Hoàng Mai, TP. Hà Nội, phát hiện lượng lớn sản phẩm có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh thương mại.
Tiêu hủy 142 lít rượu sâm không rõ nguồn gốc xuất xứ
Ngày 18/7/2025, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 2, Chi cục QLTT tỉnh Thanh Hóa tiến hành giám sát tiêu huỷ 37 bình (142 lít) rượu sâm không rõ nguồn gốc xuất xứ theo Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đối với Hộ kinh doanh V.B.N.S có địa chỉ tại đường Lê Lợi, phường Sầm Sơn.
Ukraine xác nhận vòng hòa đàm tiếp theo với Nga
Ngày 21-7, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky dẫn lời người đứng đầu Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov cho biết, vòng đàm phán hòa bình tiếp theo giữa nước này và Nga dự kiến diễn ra vào ngày 23-7 tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Các nước Đông Nam Á cảnh giác trước ảnh hưởng của bão Wipha
Một số quốc gia ở Đông Nam Á như Lào, Thái Lan hay Campuchia đang tăng cường cảnh giác và đề ra các biện pháp ứng phó với ảnh hưởng của cơn bão Wipha.
Tuyên bố chung của 25 nước kêu gọi chấm dứt ngay xung đột tại Gaza
Ngày 21-7, Anh và 24 quốc gia khác, gồm Australia, Canada, Pháp, Italy, Nhật Bản, Thụy Sĩ, New Zealand cùng một số nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), đã ra tuyên bố chung kêu gọi chấm dứt ngay lập tức cuộc chiến tại dải Gaza, trong bối cảnh thương vong dân sự tiếp tục gia tăng nghiêm trọng.
Nga ủng hộ vòng hòa đàm mới với Ukraine
Ngày 21-7, Điện Kremlin tuyên bố Moscow ủng hộ vòng đàm phán hòa bình mới với Ukraine, song nhấn mạnh lập trường của hai bên hiện đối lập hoàn toàn, do đó cần thúc đẩy nỗ lực ngoại giao để thu hẹp bất đồng.