Đề xuất ô tô vận tải khách dưới 9 chỗ không phải lắp camera giám sát lái xe
Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đang được lấy ý kiến, Bộ Công an đã đề xuất rõ các loại phương tiện phải lắp thiết bị giám sát hành trình (GSHT), thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe và phương tiện không cần lắp thiết bị này.
Cụ thể, đối với quy định lắp đặt thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe, dự thảo Nghị định quy định xe ô tô chở người từ 8 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) kinh doanh vận tải, xe ô tô đầu kéo, xe cứu thương, cứu hộ giao thông phải lắp đặt thiết bị ghi nhận hình ảnh của người lái xe.
Ô tô dưới 9 chỗ không cần lắp thiết bị giám sát lái xe
Như vậy, ô tô chở người dưới 9 chỗ (bao gồm chỗ của người lái xe) kinh doanh vận tải (xe taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ,...), ô tô kinh doanh vận tải hàng hoá (trừ ô tô đầu kéo) không bắt buộc phải lắp thiết bị này.
Đối với các phương tiện thuộc diện phải lắp đặt cần đảm bảo yêu cầu ghi, lưu trữ hình ảnh người lái xe trong quá trình xe tham gia giao thông. Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan công an và cơ quan cấp giấy phép, bảo đảm giám sát công khai, minh bạch.
Thời gian lưu trữ hình ảnh trên xe đảm bảo tối thiểu 24 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly đến 500km và tối thiểu 72 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly trên 500km.
Ngoài ra, hình ảnh từ thiết bị ghi nhận hình ảnh lắp trên xe phải được truyền với tần suất truyền từ 12 - 20 lần/giờ (tương đương từ 3 - 5 phút/lần truyền dữ liệu) về đơn vị kinh doanh vận tải và được lưu trữ trong thời gian tối thiểu 72 giờ gần nhất.
Dữ liệu hình ảnh phải được cung cấp kịp thời, chính xác, không được chỉnh sửa hoặc làm sai lệch trước, trong và sau khi truyền.
Thiết bị ghi nhận hình ảnh phải được duy trì hoạt động để đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh liên tục, không làm gián đoạn theo quy định và phải tuân thủ theo quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia, đảm bảo hoạt động liên tục trong thời gian xe tham gia giao thông.
Đối với đơn vị kinh doanh vận tải, quản lý xe ô tô đầu kéo, xe cứu thương, cứu hộ giao thông, dự thảo Nghị định quy định phải cung cấp tài khoản truy cập vào máy chủ cho Bộ Công an (Cục Cảnh sát giao thông), Bộ GTVT (Cục Đường bộ Việt Nam) để phục vụ quản lý nhà nước về an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông đường bộ và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, phải tuân thủ quy định về an toàn thông tin đối với các thông tin dữ liệu ghi nhận từ thiết bị giám sát hành trình, thiết bị ghi nhận hình ảnh của người lái xe theo quy định pháp luật.
4 loại phương tiện bắt buộc lắp thiết bị giám sát hành trình
Điều 25 dự thảo Nghị định quy định xe ô tô kinh doanh vận tải, xe ô tô đầu kéo, xe cứu thương, xe cứu hộ giao thông phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Thiết bị giám sát hành trình phải tuân thủ theo quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia và đảm bảo hoạt động liên tục trong thời gian xe tham gia giao thông. Đồng thời, phải bảo đảm tối thiểu các yêu cầu như: Lưu trữ và truyền dẫn các thông tin gồm: hành trình, tốc độ vận hành, thời gian lái xe liên tục và các thông tin, dữ liệu khác về hệ thống quản lý dữ liệu giám sát hành trình của Bộ Công an (Cục Cảnh sát giao thông);
Thông tin, dữ liệu từ thiết bị GSHT lắp đặt trên xe ô tô kinh doanh vận tải, xe ô tô đầu kéo, xe cứu thương, xe cứu hộ giao thông để phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự an toàn giao thông đường bộ và xử lý hành vi vi phạm pháp luật, quản lý nhà nước về vận tải đường bộ và được kết nối, chia sẻ với Bộ GTVT (Cục Đường bộ Việt Nam) và các cơ quan có liên quan.
Dữ liệu vi phạm sẽ được lưu trữ 1 năm
Dự thảo cũng quy định: Cục Cảnh sát giao thông sẽ lưu trữ dữ liệu vi phạm của các phương tiện trong thời gian 1 năm.
Ngoài ra, đơn vị kinh doanh vận tải, đơn vị hoạt động cứu thương, đơn vị cứu hộ giao thông thực hiện duy trì hoạt động thiết bị GSHT lắp đặt trên xe ô tô kinh doanh vận tải, xe ô tô đầu kéo, xe cứu thương, xe cứu hộ giao thông để đảm bảo cung cấp được các thông tin theo quy định.
Đặc biệt, không được sử dụng các biện pháp kỹ thuật, trang thiết bị ngoại vi, các biện pháp khác để can thiệp vào quá trình hoạt động, phá (hoặc làm nhiễu) sóng GPS, GSM hoặc làm sai lệch dữ liệu của thiết bị GSHT lắp đặt trên xe ô tô kinh doanh vận tải, xe ô tô đầu kéo, xe cứu thương, xe cứu hộ giao thông.
Trước khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, lái xe phải sử dụng thẻ nhận dạng lái xe của mình để đăng nhập thông tin qua đầu đọc thẻ của thiết bị GSHT của xe và đăng xuất khi kết thúc lái xe để làm cơ sở xác định thời gian lái xe liên tục và thời gian làm việc trong ngày.
Theo quy định hiện tại, loại xe phải lắp thiết bị giám sát hành trình bao gồm: xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách; xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa; xe trung chuyển. Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hoá bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe (bao gồm cả lái xe và cửa lên xuống của xe) trong quá trình xe tham gia giao thông.
Như vậy, so với quy định hiện hành tại Nghị định số 10/2020 (sửa đổi, bổ sung Nghị định 86/2014) của Chính phủ về kinh doanh, điều kiện kinh doanh và việc cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, đối tượng phải lắp thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe tại dự thảo Nghị định trên được mở rộng hơn.
Theo đánh giá, kể từ khi đưa vào sử dụng khai thác thiết bị GSHT, góp phần giảm tỷ lệ tai nạn giao thông, tỷ lệ vi phạm tốc độ tính bình quân trên 1.000km giảm mạnh. Năm 2015 tỷ lệ này là 11,5 lần/1.000km, đến năm 2022 giảm xuống còn 0,75 lần/1.000km, giảm 15 lần so với năm 2015.
Tuy nhiên, quá trình sử dụng thiết bị này cũng cho thấy, dữ liệu hiện nay chỉ để tra cứu, nhắc nhở và thống kê, chưa được dùng để xử phạt vi phạm hành chính. Ngoài ra, hệ thống hiện nay còn nhiều bất cập, muốn kiểm tra xe vi phạm phải làm thủ công, chưa tự động trích lọc xe vi phạm.
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.