Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ban ngành Trung ương, UBND tỉnh, Tổng Cục Quản lý thị trường (QLTT) và Ban Chỉ đạo 389 tỉnh về công tác kiểm tra, kiểm soát (KTKS) thị trường chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, phòng chống dịch bệnh trên người, trên gia súc, gia cầm và các mặt hàng, lĩnh vực trọng điểm theo từng thời kỳ.
Cục Quản lý thị trường tỉnh Điện Biên đã chủ trì, phối hợp tốt các đơn vị chức năng, các Sở, ban ngành trong công tác chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, gian lận thương mại, song song với việc tham gia các Đoàn thanh, kiểm tra liên ngành do Ban Chỉ đạo liên ngành tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố trong các lĩnh vực, góp phần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, thúc đẩy kinh tế phát triển và hoàn thành các mục tiêu chung của toàn lực lượng.
Căn cứ chỉ đạo của cấp trên, tình hình thực tế diễn biến thị trường và yêu cầu công tác QLTT trên địa bàn tỉnh, ban hành Kế hoạch công tác năm 2024, Kế hoạch kiểm tra định kỳ năm 2024; Kế hoạch kiểm tra chuyên đề về kinh doanh xăng dầu, Kế hoạch Đấu tranh chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ (NGXX) và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT); Phê duyệt 04 Kế hoạch kiểm tra chuyên đề KTKS thị trường dịp Năm Du lịch Quốc gia - Điện Biên Phủ, Lễ hội Hoa Ban năm 2024 và kỷ niệm 70 năm ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ đối với 04 Đội QLTT trực thuộc.
Song song với việc triển khai các Kế hoạch năm 2024, Cục QLTT tỉnh Điện Biên còn ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các Đội QLTT trực thuộc tăng cường công tác KTKS vận chuyển động vật, sản phẩm động vật lưu thông trên địa bàn; tăng cường kiểm tra, giám sát mặt hàng vàng; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm dịp Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Năm du lịch Quốc gia Điện Biên năm 2024; tăng cường kiểm tra bảo đảm ATTP năm 2024 trên địa bàn tỉnh; triển khai thực hiện Kế hoạch 888; triển khai tháng hành động vì an toàn thực phẩm và công tác hậu kiểm ATTP năm 2024...
Kết quả, trong 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng QLTT toàn tỉnh đã tổ chức lực lượng kiểm tra 461 vụ, phát hiện xử phạt VPHC 209 vụ (tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023), thu nộp NSNN 615,75 triệu đồng (tăng 17,2 % so với cùng kỳ năm 2023, đạt 51,31% chỉ tiêu giao ước thi đua năm 2024). Buộc tiêu huỷ hàng hóa vi phạm trị giá gần 20 triệu đồng, bao gồm hơn 1.200 đơn vị sản phẩm thực phẩm bao gói sẵn và 200 kg da trâu hỏng mốc, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Trong Công tác phối hợp liên ngành, các Đội Quản lý thị trường địa bàn tích cực tham gia các Đoàn thanh, kiểm tra liên ngành do Ban Chỉ đạo liên ngành tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố về Đảm bảo ATTP trong Tết Nguyên đán, tháng hành động vì ATTP, mùa Lễ Hội xuân, Tân dược, mỹ phẩm... Kết quả: Kiểm tra 532 cơ sở, phát hiện xử phạt VPHC 07 cơ sở, thu phạt NSNN 33,5 triệu đồng, buộc tiêu huỷ hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ, trị giá trên 20 triệu đồng.
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trong 6 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường ban hành Kế hoạch: Truyền thông năm 2024; Phổ biến giáo dục pháp luật năm 2024. Kết quả: Đã tuyên truyền, phổ biến pháp luật trực tiếp đến trên 400 lượt tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thông qua công tác quản lý theo địa bàn, kiểm tra, xử lý vi phạm. Vận động trên 50 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ký cam kết không kinh hàng giả, hàng không rõ NGXX, hàng hóa xâm phạm quyền SHTT. Tiếp xúc với nhiều lượt phóng viên báo, Đài cung cấp tin, bài về chính sách, pháp luật và hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm của lực lượng QLTT. Chọn lọc, biên tập đăng gần 30 tin, bài về hoạt động của lực lượng, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trên Trang Website của Cục nhằm nâng cao hình ảnh công chức QLTT cũng như tuyên truyền pháp luật đến người tiêu dùng, cơ sở kinh doanh và răn đe các đối tượng vi phạm.
Công chức QLTT kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh
Dự báo tình hình thị trường 6 tháng cuối năm 2024 có chiều hướng diễn biến phức tạp hơn nhất là trên môi trường thương mại điện tử. Do đó, Cục Quản lý thị trường tỉnh Điện Biên tiếp tục triển khai và cụ thể hóa thực hiện đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ban ngành Trung ương, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh và Tổng cục QLTT về công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, phòng chống dịch bệnh trên người, trên gia súc, gia cầm... Tổ chức lực lượng, tăng cường kiểm tra nội dung theo các Kế hoạch chuyên đề, định kỳ đã được ban hành. Kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, quá trình kiểm tra không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ sở; Chủ động nắm tình hình thị trường, cung, cầu hàng hóa, diễn biến tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn phụ trách. Kịp thời phát hiện, nhận diện các vấn đề nổi cộm, tụ điểm phức tạp, lĩnh vực mặt hàng vi phạm mới để kịp thời đấu tranh, ngăn chặn, xử lý hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý các vấn đề phát sinh theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật nâng cao nhận thức, ý thức, chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh./.