• Click để copy

Điện hạt nhân là nguồn điện sạch, giá thành hợp lý trong dài hạn

Sáng 17-2, tiếp tục Kỳ họp bất thường lần thứ chín, Quốc hội khóa XV, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

“Việt Nam không phải bắt đầu từ con số 0”

Việc tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được xem là một bước đi chiến lược trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và thực hiện các cam kết về giảm phát thải khí nhà kính.

Thảo luận tại phiên họp bất thường lần thứ chín, các ý kiến bày tỏ nhất trí việc Quốc hội ban hành cơ chế chính sách đặc thù đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận là đúng đắn, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu của thời đại, là chính sách đột phá để phát triển điện hạt nhân, cũng như năng lượng hạt nhân vì mục đích hoà bình và phát triển của Việt Nam.

Phát biểu thảo luận, đại biểu Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận nhận định, việc khởi động lại dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận là cơ hội, vinh dự lớn của tỉnh để trở thành trung tâm năng lượng sạch cả nước. Ninh Thuận luôn sẵn sàng tâm thế thực hiện dự án.

Điện hạt nhân là nguồn điện sạch, giá thành hợp lý trong dài hạn
Đại biểu Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận phát biểu thảo luận.

Cho rằng, Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận là dự án đầu tiên của Việt Nam và để bảo đảm tiến độ đặt ra, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (đoàn Lâm Đồng) cho rằng, cần chính sách đặc thù mới hoàn thành. Theo đại biểu, Chính phủ đề xuất thực hiện dự án theo hình thức Hợp đồng “chìa khóa trao tay” là phù hợp với điều kiện nước ta hiện nay. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng lựa chọn hình thức này cho nhà máy đầu tiên của họ.

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh cũng cho rằng, “Việt Nam lần đầu xây dựng nhà máy điện hạt nhân, nhưng không phải bắt đầu từ con số 0”. Đơn cử, chúng ta có thể kế thừa kinh nghiệm từ lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, các dự án nhiệt điện đã được vận hành rất tốt thời gian qua. Đại biểu, bày tỏ lưu ý tới việc phát triển nhân lực và đào tạo vì nhu cầu cho nhà máy 2 tổ máy, theo hướng dẫn của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) là 1.200 người/nhà máy ở tất cả các khâu; cùng với đó, hoàn thiện luật năng lượng nguyên tử; truyền thông và hỗ trợ người dân vùng dự án.

Đại biểu tin rằng, với cơ chế chính sách đặc thù khi được Quốc hội thông qua, việc thi công xây dựng và vận hành điện hạt nhân Ninh Thuận trong 5 năm là khả thi.

Điện hạt nhân là nguồn điện sạch, giá thành hợp lý trong dài hạn
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (đoàn Lâm Đồng) tán thành cao việc ban hành chính sách, cơ chế đặc thù cho đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. 

Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của nguồn nhân lực cũng như việc chuẩn bị nguồn nhân lực để đáp ứng cho dự án cũng là một vấn đề lớn, đại biểu bày tỏ, rất nhiều nhân lực chúng ta từng chuẩn bị cho các dự án hiện đang làm việc cho bên ngoài và ở nước ngoài, trong khi dự thảo Nghị quyết chưa nêu cơ chế chính sách đặc thù đối với vấn đề đào tạo, thu hút đội ngũ cán bộ, trong khi tìm chọn và giữ nhân tài là vấn đề rất quan trọng. "Nếu không có chính sách về nhân lực phù hợp, đặc biệt, sẽ khó triển khai thực hiện, vận dụng, vận hành dự án trong nước trước mắt và dài hạn", đại biểu Dương Khắc Mai chia sẻ.

Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm có phương án, giải pháp trong việc đào tạo nguồn nhân lực của dự án để đảm bảo sự chủ động tối đa. Cùng với đó, cần có cơ chế chính sách để huy động tối đa các nguồn lực từ nhân dân, doanh nghiệp nhà nước, lẫn tư nhân trong nước để tham gia vào dự án để giảm bớt áp lực cho nguồn vốn nhà nước.

Điện hạt nhân là nguồn điện sạch, có khả năng cung cấp điện năng ổn định và giá thành hợp lý trong dài hạn

Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề cập tới nhiều nhóm vấn đề lớn.

Về sự cần thiết ban hành Nghị quyết, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, nhu cầu điện ở nước ta trong những năm tới rất lớn để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng trên 8%. Theo dự thảo Quy hoạch Điện VIII điều chỉnh, tổng công suất toàn hệ thống đến năm 2030 dự kiến khoảng 230.000 MW, tức gấp 3 lần công suất hiện nay.

Điện hạt nhân là nguồn điện sạch, giá thành hợp lý trong dài hạn
Quang cảnh phiên họp.

Trong khi đó, chúng ta đã cam kết với quốc tế là đạt trung hòa carbon vào năm 2050, cho nên phải phát triển rất mạnh các loại hình nguồn điện, nhất là năng lượng tái tạo để chúng ta đáp ứng được nhu cầu điện năng tăng thêm và nhu cầu điện sạch để phát triển kinh tế đất nước.

Điện hạt nhân là nguồn điện sạch, điện nền, công suất khả dụng cao, có khả năng cung cấp điện năng ổn định và giá thành hợp lý trong dài hạn, góp phần bảo đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng 2 con số về kinh tế trong kỷ nguyên mới. Vì vậy, Trung ương, Quốc hội và Chính phủ đã chỉ đạo tái khởi động Chương trình phát triển điện hạt nhân và các Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

"Đây là dự án có công nghệ phức tạp và chỉ một số ít quốc gia sở hữu và nhu cầu vốn đầu tư rất lớn. Do tính chất phức tạp của dự án điện hạt nhân và lần đầu tiên được xây dựng ở nước ta, để bảo đảm mục tiêu hoàn thành dự án trong năm 2030-2031 thì rất cần có các cơ chế, chính sách đặc thù, đủ mạnh như trong dự thảo Nghị quyết để đẩy nhanh tiến độ và rút ngắn thời gian thực hiện", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Đề cập tới phạm vi điều chỉnh, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Chính phủ chỉ đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền của Quốc hội được áp dụng cho 5 nhóm công việc, bao gồm: Lựa chọn nhà đầu tư và nhà thầu; chuẩn bị và thực hiện đầu tư; cơ chế tài chính và thu xếp vốn đầu tư; tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật và định mức, đơn giá và di dân, tái định cư, bảo đảm an sinh xã hội khu vực của dự án...

Vì vậy, khi được Quốc hội thông qua, các cơ chế, chính sách đặc thù nêu trên sẽ tạo thuận lợi và khả thi cho việc triển khai đồng bộ, đồng thời nhiều hạng mục công trình của dự án như việc đàm phán hiệp định đối tác, với tổng thầu thực hiện các gói thầu chìa khóa trao tay; lập, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, nghiên cứu khả thi; thu xếp vốn đầu tư; đền bù di dân, tái định cư, chuẩn bị mặt bằng xây dựng; đào tạo nguồn nhân lực… để góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện, bảo đảm hoàn thành dự án theo chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Không cầu toàn nhưng cũng không nóng vội

Về thời điểm thông qua nghị quyết, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Chính phủ kính đề nghị Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về các cơ chế, chính sách đặc thù cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận ngay tại Kỳ họp này để làm cơ sở triển khai thực hiện, tận dụng các điều kiện thuận lợi, tinh thần và khí thế tiến công, vượt khó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công việc quan trọng ban đầu của dự án.

Điện hạt nhân là nguồn điện sạch, giá thành hợp lý trong dài hạn
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên báo cáo, giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu.

"Với tinh thần cầu thị, khẩn trương, không cầu toàn nhưng cũng không nóng vội, chủ quan, sau phiên thảo luận hôm nay, chúng tôi cam kết sẽ cùng cơ quan chủ trì thẩm tra quán triệt thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao, nghiên cứu kỹ lưỡng và tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, trình Quốc hội xem xét, thông qua vào cuối kỳ họp này, làm cơ sở để khẩn trương triển khai thực hiện dự án", Bộ trưởng chia sẻ.

Trong quá trình triển khai dự án, nếu phát sinh các vấn đề mới hoặc phải sửa đổi, bổ sung những cơ chế, chính sách này, Chính phủ tiếp tục nghiên cứu để đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

VŨ DUNG - TRỌNG HẢI

Tin mới

Nghị quyết về tổ chức các cơ quan của Quốc hội
Nghị quyết về tổ chức các cơ quan của Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành Nghị quyết số 178/2024/QH15 của Quốc hội về việc tổ chức các cơ quan của Quốc hội.

Công bố Quyết định kiểm tra của Bộ Chính trị đối với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng
Công bố Quyết định kiểm tra của Bộ Chính trị đối với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng

​Ngày 21-2, tại TP Đà Nẵng, đoàn kiểm tra số 1909 của Bộ Chính trị đã công bố quyết định kiểm tra năm 2025 của Bộ Chính trị đối với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng.

Thời tiết hôm nay (22-2): Không khí lạnh tăng cường
Thời tiết hôm nay (22-2): Không khí lạnh tăng cường

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời tiết hôm nay, 22-2: Bộ phận không khí lạnh đã báo đang di chuyển xuống phía Nam. Khoảng gần sáng ngày 23-2, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến khu vực phía Đông Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến Bắc Trung Bộ, phía Tây Bắc Bộ và Trung Trung Bộ. Gió Đông Bắc trong đất liền mạnh cấp 3-4, vùng ven biển cấp 4-5, có nơi giật cấp 6.

Chuẩn bị nhân lực cho điện hạt nhân
Chuẩn bị nhân lực cho điện hạt nhân

Quốc hội vừa quyết định nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt cho dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận. Chính phủ đang thực hiện tổng lực, đồng bộ các giải pháp, trong đó có sự chuẩn bị nguồn nhân lực để xây dựng, đưa dự án này vận hành trong các năm 2030-2031.

Ghế nóng: Tai tiếng từ vấn đề trọng tài
Ghế nóng: Tai tiếng từ vấn đề trọng tài

Kể từ khi Giải bóng đá vô địch quốc gia Việt Nam (V-League) lên chuyên nghiệp vào năm 2000, gần như mùa nào cũng có lùm xùm giữa các câu lạc bộ với đội ngũ trọng tài. Dù nhiều trận đấu ở mùa giải 2024-2025 được áp dụng công nghệ VAR (video hỗ trợ trọng tài), một lần nữa vấn đề trọng tài lại nóng lên.

Tỷ giá USD hôm nay (22-2): Đồng USD phục hồi phiên chốt tuần
Tỷ giá USD hôm nay (22-2): Đồng USD phục hồi phiên chốt tuần

Tỷ giá USD hôm nay (22-2): Rạng sáng 22-2, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD giảm 5 đồng, hiện ở mức 24.638 đồng.