• Click để copy

Giá trị của tình bạn, của niềm tin

Thủ đô Bucharest của Romania vừa trải qua một trận bão tuyết. Tuyết từng lớp dày trên mái nhà, trên vỉa hè, trên từng chiếc ô tô, không gian phủ một màu trắng xóa. Đang giữa trưa mà nhiệt độ ngoài trời xuống đến -13 độ C, lạnh tê buốt như có hàng nghìn mũi kim đâm vào da thịt.

 Thế mà gian phòng tiệc chiêu đãi, nơi có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Romania Ion-Marcel Ciolacu, dường như ấm áp hơn khi tiếng đàn Cello của nghệ sĩ Đinh Hoài Xuân ngân lên. Bài “Trở về đất mẹ” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương với bao cung bậc thăng trầm khiến những người Việt Nam xa quê như chìm đắm trong cảm giác mênh mang về với quê hương thân thương, với bao người ruột thịt. Tiếng đàn da diết thấu tận tâm can người nghe. Đinh Hoài Xuân là một trong những nghệ sĩ xuất sắc từ sự kết hợp giữa nền giáo dục Việt Nam và Romania. Chị là tiến sĩ chuyên ngành biểu diễn đầu tiên của Việt Nam, bảo vệ luận án tại Romania. Mặc dù có rất nhiều học viện âm nhạc danh tiếng trên thế giới mời gọi, sẵn sàng cấp học bổng nhưng Đinh Hoài Xuân đã chọn Romania là nơi chắp cánh cho sự nghiệp của mình. Chị chia sẻ rằng luôn biết ơn những vị giáo sư đáng kính, giản dị, chân thành, đầy tình người của Romania. Sự giúp đỡ tận tâm của họ đã đưa sự nghiệp của chị sang một trang mới đầy tươi sáng.

<a title="Báo Quân đội nhân dân | Tin tức quân đội, quốc phòng | Bảo vệ Tổ quốc" style="text-align:center;" href="https://www.qdnd.vn"><img src="https://file3.qdnd.vn/data/images/0/2021/08/11/linh/bannerv2.png" class="vllogo"></a>
 Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ, tri ân những giảng viên thời Thủ tướng còn là sinh viên tại Trường Đại học Kỹ thuật Xây dựng Bucharest.

Hợp tác giáo dục Việt Nam-Romania là điểm nổi bật trong quan hệ hợp tác giữa hai nước. Từ năm 1960 đến nay, Romania đã đào tạo khoảng 4.000 sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam, trong đó nhiều người trở thành nhà khoa học, giáo sư, tiến sĩ đầu ngành trong các lĩnh vực và nhiều vị là bộ trưởng, thứ trưởng... Năm 2023, hai bên ký Chương trình hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2026. Số lưu học sinh đi học diện Hiệp định từ năm 2004 đến 2023 là 139 người, gồm 31 tiến sĩ, 32 thạc sĩ, 76 đại học...

Đáng quý là sự giúp đỡ đào tạo của Romania đối với sinh viên Việt Nam bắt đầu từ những năm tháng mà Việt Nam còn trong khói lửa chiến tranh, đầy rẫy khó khăn, cơm ăn chưa no, áo chưa đủ mặc. Nhà báo Hồ Quang Lợi, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Romania, nguyên Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cảm động ứa nước mắt khi nhắc lại những năm tháng được học tập tại Khoa Văn của Đại học Tổng hợp Bucharest. Hồi ấy, vì nhà nghèo, không đủ tiền để đánh máy luận văn, cậu sinh viên đành xin bà giáo sư cho viết tay luận văn tốt nghiệp. Bà giáo sư nhìn cậu sinh viên nghèo trìu mến và đồng ý. Luận văn tốt nghiệp ấy dài tới 200 trang, dày đặc chữ viết tay nắn nót, được chấm điểm tối đa kèm theo dòng chữ nhận xét: “Bản luận văn của một sinh viên xuất sắc”. Đến nay, bản luận văn vẫn được lưu giữ trân trọng tại Đại học Tổng hợp Bucharest.

Chuyến thăm và làm việc với Trường Đại học Kỹ thuật xây dựng Bucharest của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đong đầy những kỷ niệm. Thủ tướng Phạm Minh Chính vốn là sinh viên xuất sắc của ngôi trường danh tiếng này, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại nước Cộng hòa Romania, tốt nghiệp năm 1984. Trong chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính, thầy Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật xây dựng Bucharest đã trân trọng trao tới tay Thủ tướng Phạm Minh Chính bản sao luận văn tốt nghiệp và bảng điểm. Thầy hiệu trưởng cho biết, Thủ tướng Phạm Minh Chính là niềm tự hào của nhà trường, không chỉ xuất sắc trong học tập mà còn thể hiện rõ tư duy tổ chức ngay từ thời đi học.

Còn rất nhiều câu chuyện cho thấy ân tình giữa hai quốc gia, giữa những con người Việt Nam và Romania. Romania là một trong 10 nước đầu tiên trên thế giới công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (ngày 3-2-1950); là một trong những quốc gia đầu tiên ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và giúp Việt Nam xây dựng, phát triển kinh tế.

Romania đã có những sự ủng hộ, giúp đỡ về cơ sở vật chất, kỹ thuật, đào tạo nhân lực cho Việt Nam. Trong đó, Romania đã giúp Việt Nam xây dựng Nhà máy Xi măng Hải Phòng, Mỏ apatit Lào Cai, một số mỏ than ở Quảng Ninh, giúp nhiều thiết bị công nghiệp, nông nghiệp, quốc phòng...

Sau khi Romania thay đổi thể chế chính trị (tháng 12-1989), hai nước tiếp tục quan hệ hữu nghị truyền thống trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi.

Khi Romania giữ vai trò Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU) năm 2019 đã hỗ trợ rất lớn, thúc đẩy Việt Nam và EU hoàn tất đàm phán, ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) vào ngày 30-6-2019. Hiệp định EVFTA đã được Hội đồng châu Âu thông qua ngày 30-3-2020; Hiệp định EVIPA đang tiếp tục trong quá trình phê chuẩn bởi Nghị viện của tất cả các nước thành viên EU. Romania là một trong những nước đầu tiên phê chuẩn cả hai hiệp định này.

Đặc biệt, trong những thời điểm ngặt nghèo của đại dịch Covid-19, khi mỗi liều vaccine sẽ cứu sống được một con người, Romania là nước thành viên EU đầu tiên ủng hộ vaccine cho Việt Nam với 300.000 liều vào tháng 8-2021, đúng vào thời điểm dịch bệnh tại Việt Nam bùng phát mạnh nhất.

"Việt Nam không bao giờ quên sự hỗ trợ, giúp đỡ chí tình, chí nghĩa, hợp tác chặt chẽ của Romania trong rất nhiều lĩnh vực suốt gần 75 năm qua", Thủ tướng khẳng định.

Sự tình nghĩa ấy giữa hai quốc gia đã mang lại niềm tin chính trị, đặc biệt là trong giai đoạn mà thế giới đang trải qua những biến cố khó lường. Tại hội đàm, hai Thủ tướng đã nhấn mạnh với giá trị của quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống gắn bó suốt gần 75 năm qua, hai nước cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong mọi lĩnh vực. Những thông điệp tại diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Romania từ hai vị Thủ tướng cho thấy hai bên đều sẵn sàng tạo những điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp của hai nước cùng đầu tư. Thủ tướng Ion-Marcel Ciolacu đánh giá Việt Nam là một trong những thị trường tiềm năng nhất của Romania tại châu Á-Thái Bình Dương. Hai bên cần tận dụng cơ hội thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, logistics, du lịch và đưa Romania trở thành cửa ngõ của Việt Nam vào châu Âu trong bối cảnh Romania sắp gia nhập khu vực Schengen vào tháng 3-2024.

Trao đổi bên lề diễn đàn, ông Nguyễn Văn Tới, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu HP&DT, nguyên Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Romania cho biết, cuộc sống tại Romania đối với người Việt Nam nhìn chung rất yên bình và có nhiều cơ hội để hợp tác kinh doanh, ví dụ như trong lĩnh vực bất động sản, nông nghiệp hay xuất khẩu lao động. Ông cũng cho biết uy tín quốc tế của Việt Nam ngày càng tăng khiến cộng đồng người Việt Nam tại Romania rất tự hào và người dân địa phương cũng ngày càng tôn trọng. Ông Tới tin tưởng chuyến thăm chính thức Romania của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ làm cho việc hợp tác giữa hai quốc gia chặt chẽ và hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.

Sau khi kể lại những ân tình của người Việt Nam và người Romania, của du học sinh Việt Nam với các thầy cô giáo Romania năm xưa, cuối bài phát biểu tại Trường Đại học Kỹ thuật xây dựng Bucharest, Thủ tướng Phạm Minh Chính xúc động nhắc lại câu ngạn ngữ của Romania "Orice sa fie nou, dar prierenul vechi”, nghĩa là “tất cả mọi thứ có thể qua đi nhưng tình bạn luôn luôn ở lại". Tình bạn, niềm tin đã được gây dựng suốt gần 75 năm qua của Việt Nam và Romania chính là thứ tài sản quý giá, cần được gìn giữ và phát huy, để hai nước tiếp tục tăng tốc phát triển trong thời gian tới.

HỒ QUANG PHƯƠNG

Bài liên quan

Tin mới

Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh

Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.

Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.

Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam

Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.

Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ

Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.

Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh

Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).

TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua

Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.