Giải mã một câu hát thú vị
Những ngày qua, MV “Bắc Bling” đã trở thành hiện tượng âm nhạc Việt khá nổi bật. Bên cạnh tiết tấu rộn ràng, hình ảnh chọn lọc đắt, từng câu hát của ca khúc cũng chứa nhiều ý tứ thú vị, thể hiện nét duyên dáng của người Kinh Bắc. Một trong số đó là câu hát “Sáng như đêm trăng rằm hội Lim, biết em đâu mà tìm” gây ấn tượng qua cách hát của Nghệ sĩ Ưu tú Xuân Hinh và nghệ sĩ trẻ Tuấn Cry.
Khi lắng nghe ca khúc, nhiều người nghe nhạc băn khoăn, tại sao hội Lim tổ chức vào ngày 12, 13 tháng Giêng âm lịch mà bài hát lại khắc họa “sáng như đêm trăng rằm hội Lim”. Mới nghe qua, tưởng có gì đó không đúng nhưng ẩn sâu trong từng câu chữ lại là cách nói “tưởng vậy mà không phải vậy” mang âm hưởng dân gian của vùng quê Kinh Bắc đậm nét.
Để hiểu được toàn vẹn ý nghĩa câu hát, chúng ta phải trở lại với bối cảnh câu chuyện được nhạc sĩ Tuấn Cry tái hiện. MV “Bắc Bling” mở đầu bằng câu ca của nghệ sĩ Xuân Hinh: “Ta về ta tắm ao ta/ Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn/ Tình quê son sắt keo sơn/ Hương đồng gió nội cây rơm đợi chờ”, cùng lời mời của ca sĩ Hòa Minzy: “Mời bà con về Bắc Ninh em chơi nào”. Lời dẫn dụ đã mang đến những điều ham thích, mời gọi khám phá tìm hiểu về văn hóa, con người nơi đây.
![]() |
MV “Bắc Bling” của Hòa Minzy. Ảnh: nongnghiep.vn |
Kể từ khi “sửa soạn áo the khăn xếp, anh em cùng lên đồ” cùng “miếng trầu này, em đã ướp thêm say. Mang lời hứa trao duyên như bao hẹn ước đêm nay” thì cũng là lúc nhân vật trữ tình trong câu chuyện đặt vào tình huống đặc biệt.
Chàng trai đi tìm người mình thương nhưng đến nơi nào thấy người đâu, chỉ thấy “sáng như đêm trăng rằm hội Lim, biết em đâu mà tìm”. Chàng trai đã đến nơi hò hẹn nhưng lại vào đêm rằm (ngày 15), cũng là lúc hội Lim đã giã hội từ bao giờ rồi. Người đi chơi hội ra về hết, chỉ còn lại sự lưu luyến đến khôn nguôi. Khác với nhiều khu vực, đêm rằm tháng Giêng ở Bắc Ninh nói riêng, Đồng bằng Bắc Bộ nói chung thường mưa xuân lún phún, ướt áo, ướt quần. Chẳng phải trong “Mưa xuân”, Nguyễn Bính đã khắc họa ngày hội trong màn mưa như vậy: “Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay/ Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy/ Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ/ Mẹ bảo: Thôn Đoài hát tối nay”. Mưa như vùi thời gian trong đêm lạnh, kiếm đâu trăng sáng để tìm người thương, thế nên “biết em đâu mà tìm” là phù hợp với hoàn cảnh này.
Trong phân cảnh này, nghệ sĩ trẻ Tuấn Cry hát trước mang đúng giọng điệu giãi bày, thẫn thờ, tự trách bản thân của chàng trai vì lỡ hẹn nên không tìm được người mình thương. Nghệ sĩ Xuân Hinh hát sau với kinh nghiệm ngâm nga, nhấn âm, thả chữ càng tăng thêm độ giễu nhại, chê trách chàng trai sao đã hẹn ước rồi mà còn đến muộn màng, để người thương chờ đợi. Giờ “sáng như đêm trăng rằm hội Lim” thì đúng là... “biết em đâu mà tìm”. Dẫu vậy, trong vai bậc cao niên, dù có giễu nhại chàng trai, nghệ sĩ Xuân Hinh vẫn cẩn thận dặn dò: “Trót thương em đâu thể ngồi im, cầm khăn í a í a làm tin”.
Sau màn trao đổi độc đáo, thâm trầm và sâu sắc của chàng trai và bậc cao niên, ca sĩ Hòa Minzy trở lại với vai trò cô gái trong câu chuyện diễn giải qua những trầm tích văn hóa dân gian xao xuyến lòng người với tục ăn trầu, lễ hội dân gian, đình, đền, chùa, các làng nghề truyền thống nổi tiếng của tỉnh Bắc Ninh. Dẫu vậy, trong câu chuyện của riêng mình, cô gái vẫn có ý trách chàng trai, thậm chí còn nhắc hai lần: “Để em ngày đêm ngóng trông hình bóng anh khắp bốn bề. Anh có thương thì qua chứ anh đừng hứa đừng thề”. Nhận lời đến hội rồi mà ngày giã hội mới qua, để cô gái ngóng trông hình bóng. Trách móc mà vẫn tế nhị, hờn dỗi mà vẫn luyến lưu, thật đúng với tình cảm của người con gái quê hương xứ Bắc.
Trong toàn bộ lời bài hát của MV “Bắc Bling”, câu hát “Sáng như đêm trăng rằm hội Lim, biết em đâu mà tìm” như một dạng “nhãn tự” khiến nhiều người thích thú. Câu hát vừa là nút thắt về mặt tình cảm vừa mở ra câu chuyện văn hóa dân gian xứ Bắc đậm nét. Qua đó thêm khẳng định, MV “Bắc Bling” đã dung hòa yếu tố hiện đại và dân gian một cách gần gũi, tô đậm thêm nhạc điệu văn chương độc đáo của vùng quê Bắc Ninh-Kinh Bắc.
NGUYÊN ĐỨC
Tin mới
Hà Nội: Phấn đấu mỗi năm thu hút 20.000 lao động nông thôn học nghề
Theo Kế hoạch số 316-KH/TU ngày 23-4-2025 của Thành ủy Hà Nội thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 10-7-2024 của Ban Bí thư về đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, UBND TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch thực hiện trên địa bàn.
Giá vàng chiều nay (18-7): Không có biến động
Giá vàng chiều nay (18-7), không ghi nhận sự biến động với cả vàng miếng và vàng nhẫn, trong khi thế giới tăng vọt rồi hạ nhiệt.
Hà Nội: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt hơn 455 nghìn tỷ đồng
Theo Chi cục Thống kê TP Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 455,1 nghìn tỷ đồng, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước...
Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại phiên khai mạc Hội nghị Trung ương lần thứ mười hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
Sáng 18-7, Hội nghị lần thứ mười hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội. Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì, phát biểu khai mạc Hội nghị. Trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Thông tư 45/2025/TT-BCT sửa đổi Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công Thương trong lĩnh vực Quản lý thị trường
Ngày 15 tháng 7 năm 2025, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư 45/2025/TT-BCT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công Thương trong lĩnh vực quản lý thị trường.
Khai mạc Hội nghị lần thứ mười hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
Sáng 18-7, Hội nghị lần thứ mười hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội.