Giữ hồn rối nước ngàn năm
Suốt 55 năm qua, múa rối nước cổ truyền của Nhà hát Múa rối Thăng Long đã khẳng định như một biểu tượng văn hóa dân tộc, thể hiện sức sống bền bỉ của một môn nghệ thuật gắn liền với tâm tư, tình cảm của con người Việt Nam qua nhiều thế hệ.
Trước những biến chuyển không ngừng của biết bao trào lưu hiện đại, việc bảo tồn và phát triển nghệ thuật múa rối nước đòi hỏi phải gìn giữ những nét tinh túy, những giá trị cốt lõi làm nên nền tảng của loại hình nghệ thuật này.
Sức hấp dẫn của rối nước cổ truyền với 17 tích trò
Hơn 10 thế kỷ trước, nghệ thuật múa rối nước được sinh ra hoàn toàn từ sự kết tinh của hiện thực đời sống con người Việt và trở thành một trong những nghệ thuật sân khấu dân gian đặc sắc, kỳ diệu nhất của nhân loại, tiêu biểu cho nền văn hóa dân tộc, thể hiện trí tuệ thông minh và sức sáng tạo của con người Việt Nam.
![]() |
Tiết mục “Vinh quy bái tổ”. |
“Tất cả nghệ thuật đều là sự bắt chước tự nhiên” (Triết gia La Mã Seneca) và múa rối nước chính là một minh chứng sinh động nhất cho điều đó. Các tích trò trong chương trình “Múa rối nước cổ truyền” của Nhà hát Múa rối Thăng Long đều bắt nguồn từ đời sống sinh hoạt và văn hóa tâm linh của người nông dân vùng đồng bằng Bắc Bộ. Thể hiện rất rõ ở 17 tích trò: “Bật cờ”, “Tễu giáo trò”, “Múa rồng”, “Em bé chăn trâu thổi sáo”, “Cày cấy”, “Câu ếch”, “Đánh cáo Bắt vịt”, “Bắt cá”, “Vinh quy bái tổ”, "Sư tử tranh cầu”, “Múa phượng”, “Lê Lợi trả gươm”, “Nhi đồng hý thủy”, “Đua thuyền”, “Múa lân”, “Múa tiên”, “Tứ linh”.
Đã hơn 30 năm gắn bó với Nhà hát Múa rối Thăng Long, ông Vũ Quách Tùng, Phó trưởng phòng tổ chức biểu diễn và nghệ thuật hào hứng kể lại cho tôi nghe về những câu chuyện ở nhà hát. 365 ngày, trung bình mỗi ngày đều đặn 5 đến 6 ca diễn, các diễn viên nhà hát lại tất bật chuẩn bị đồ nghề, lội xuống sân khấu thủy đình, điều khiển những con rối biểu diễn phục vụ từng đoàn khách đến xem chương trình.
Khởi sinh từ những trò chơi dân dã trong tháng ngày nông nhàn ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ, rối nước vươn mình trở thành một môn nghệ thuật bừng nở sức sống. Con người thổi hồn những câu chuyện của cuộc sống vào nó. Trên mặt nước sân khấu thủy đình, những con rối là tâm điểm của buổi biểu diễn. Chúng chuyển động nhịp nhàng trong ánh sáng huyền ảo và những âm điệu tha thiết của làn điệu dân ca. Tất cả hòa quyện lại, tạo nên một màn trình diễn nghệ thuật đầy kỳ diệu và mê hoặc.
Các tích trò được chia thành hai phần gồm dân gian và lễ hội.
Ở phần dân gian, các con rối với gam màu rực rỡ kể những câu chuyện về cuộc sống thường nhật, đất nước, con người Việt Nam. Từ hình ảnh những người nông dân cấy cày đến chú bé chăn trâu thư thả thổi sáo… Có lẽ hóm hỉnh, thú vị nhất là câu chuyện gia đình nuôi vịt phải canh chừng con cáo đang rình bắt trộm, anh chồng lấy lưới bắt cáo nhưng hậu đậu thế nào lại chụp đúng vợ của mình, con cáo thấy thế vội chạy tót lên cây cau. Chỉ vậy thôi mà cả khán phòng òa lên tiếng cười giòn giã. Kể cả những vị khách nước ngoài chẳng biết một từ tiếng Việt nào.
![]() |
Ông Vũ Quách Tùng, Phó trưởng phòng tổ chức biểu diễn và nghệ thuật Nhà hát Múa rối Thăng Long hào hứng kể lại những câu chuyện trong nghề. |
Nhiều nhân vật, sinh vật thần thoại như lân, rồng, tiên nữ múa uyển chuyển giữa mặt nước huyền ảo. Hình ảnh đôi chim phượng hòa mình vào dòng nước, tỏ tình, rồi quấn quýt với nhau tạo thành từng cơn sóng vỗ. Chúng chia tay nhau trong bịn rịn, quyến luyến, mặt nước bỗng trở nên trống vắng đến xuyến xao lòng người. Không gian dần trở nên tĩnh lặng. Ánh sáng rọi từ trên cao xuống, con thuyền rồng uy nghi lướt nhẹ giữa làn khói từ phía hai bên sân khấu, đưa khán giả quay ngược về quá khứ. Mặt nước trong veo bỗng nổi sóng, Rùa Thần từ từ vươn lên đòi lại gươm báu từ vua Lê Lợi. Khán giả như bị cuốn vào dòng chảy của thời gian, sống lại những giây phút lịch sử thiêng liêng bên Hồ Gươm.
Chẳng cần nhiều lời thoại cầu kỳ, chỉ cần những cử chỉ giản dị, thân thuộc trong cuộc sống đời thường, các tích trò đã vượt qua mọi rào cản về ngôn ngữ, thế hệ truyền tải được chính xác thông điệp, giá trị của múa rối nước truyền thống. Chính vì thế, sức sống của vở diễn “Múa rối nước cổ truyền” vẫn mạnh mẽ cho đến tận ngày nay và mang thương hiệu của Nhà hát cũng như nghệ thuật múa rối Việt Nam đến hơn 60 quốc gia trên thế giới, vẫn với 17 tích trò ấy.
Để rối nước không ngủ quên
Múa rối nước là một ngành đặc thù. Chẳng những “tiền sắc” và “tiền thanh” phải có đủ, các nghệ sĩ họ còn có thêm “tiền nước độc hại”. 365 ngày luyện tập, biểu diễn cũng là thời gian các nghệ sĩ múa rối ngâm mình dưới dòng nước lạnh. Bất kể mùa đông giá rét hay mùa hè oi ả. Bởi vậy, phần lớn diễn viên ngành múa rối nước về hưu đều phải sống chung với căn bệnh thấp khớp. Khó khăn là vậy, những con người làm việc tại nhà hát, từ nghệ sĩ, diễn viên đến bộ phận hậu đài, đều nâng niu múa rối nước vì đam mê, vì sứ mệnh cao cả gìn giữ giá trị văn hóa của bộ môn nghệ thuật truyền thống này.
![]() |
Tích "Lê Lợi trả gươm" tái hiện lại truyền thuyết lịch sử hào hùng của dân tộc. |
Thời gian trôi thật nhanh, đã hơn 30 năm kể từ ngày đầu tiên ông Tùng bắt đầu về công tác tại nhà hát. Ông tâm tình, khi ấy nhà hát còn ít người, một mình ông phải đảm nhiệm nhiều vai trò, vừa tổ chức biểu diễn, vừa hỗ trợ hậu đài. Cứ đầu chương trình là chạy vào trong chuyển rối, đến tiết mục cuối lại thay ngay bộ quần áo ướt, xuống tiếp đón đoàn khách mới. Ngày qua ngày liên tục như thoi đưa. Giờ đây đã khác nhiều so với trước, hiện tại nhà hát có đội ngũ 110 cán bộ công nhân viên, công tác tổ chức biểu diễn được tối ưu hóa, hiệu quả và chuyên nghiệp.
Theo dòng thời gian, thương hiệu Nhà hát Múa rối Thăng Long ngày một vững mạnh bởi những bồi đắp tình yêu và công sức của toàn thể đội ngũ. “Đây không chỉ là thành quả của một cá nhân, mà là nỗ lực của cả một tập thể, được xây dựng bằng mồ hôi và nước mắt của tất cả mọi người”, ông Tùng bồi hồi chia sẻ.
Nghệ thuật rối nước mang trong mình sự thuần khiết và trong sáng của đời sống người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ. Du khách đến từ nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới đều thích thú, tò mò, mong muốn tìm hiểu về bản sắc, con người Việt Nam. Và khi đến với Múa rối Thăng Long họ được thỏa mãn khi chứng kiến câu chuyện lịch sử, văn hóa truyền thống gói gém qua hình ảnh của những chú rối. Minh chứng rõ ràng cho sức hút đó là khán giả đến với nhà hát ngày một đông hơn. Thậm chí có những suất diễn đã được đặt trước đến tháng 4 năm 2025.
Theo ông Tùng chia sẻ, hiện nay nhiều trường học đã đến đặt vấn đề với nhà hát, tổ chức các chương trình trải nghiệm cho học sinh. Các em được hóa thân vào các diễn viên thực thụ, mặc quần áo cao su như biểu diễn, trực tiếp xuống nước điều khiển con rối. Nhìn những gương mặt hồ hởi, ánh mắt vui tươi của các em khi tham gia trải nghiệm lớp học ngoại khóa múa rối, chúng tôi cảm nhận được niềm yêu thích đặc biệt của các em dành cho bộ môn nghệ thuật truyền thống này.
Trải qua bao thăng trầm của thời gian, múa rối nước - viên ngọc quý trong kho tàng văn hóa Việt Nam vẫn kiêu hãnh tỏa sáng. Chính nhờ sự kết hợp tinh tế hơi thở thời đại với những tinh túy của văn hóa truyền thống, nghệ thuật rối nước sẽ phát triển như một phần không thể tách rời của đời sống văn hóa nghệ thuật dân gian. Từ đó thắp sáng tình yêu di sản văn hóa dân tộc, ươm mầm cho thế hệ tương lai vững vàng gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống đậm đà bản sắc Việt Nam.
Bài, ảnh: PHƯƠNG HÀ
Tin mới
Lực lượng Quản lý thị trường các địa phương tăng cường kiểm tra về giá, nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm hàng hóa
Sở Công Thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý địa bàn, theo dõi, cập nhật tình hình diễn biến thị trường, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan tổ chức thực hiện kiểm tra, kiểm soát thị trường, chú trọng nội dung kiểm tra về giá, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, chất lượng sản phẩm hàng hóa,
Bộ Công an: Quý 1/2025 phát hiện hơn 7.200 vụ, với trên 13.200 đối tượng phạm tội về ma túy
Theo Bộ Công an trong quý 1/2025, tình hình trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, có nhiều chuyển biến tích cực. Các phương án, đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm được triển khai thực hiện liên tục, hiệu quả. Hầu hết các loại tội phạm về trật tự xã hội, tội phạm nguồn như tội phạm ma túy được kéo giảm.
Người tham gia quảng cáo trên mạng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về sản phẩm mình quảng cáo
Thứ trưởng Lê Hải Bình cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch dự kiến bổ sung một số điều cụ thể liên quan đến người nổi tiếng tham gia quảng cáo.
Kiên Giang: Dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng
Sáng 7-4 (10-3 Âm lịch), tại Đền thờ Quốc tổ Hùng Vương (khu phố Đông Bình, thị trấn Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp), tỉnh Kiên Giang tổ chức dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng.
Thành phố Cần Thơ tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương
Ngày 7-4, nhằm mùng 10-3 âm lịch, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân TP Cần Thơ long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2025 tại Đền Thờ vua Hùng ở quận Bình Thủy, TP Cần Thơ.
Chi cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội: Hội nghị đánh giá kết quả công tác quý I và triển khai nhiệm vụ quý II năm 2025
Sáng ngày 02/4/2025, Chi cục Quản lý Thị trường thành phố Hà Nội đã tổ chức cuộc họp giao ban nhằm tổng kết tình hình kiểm tra, kiểm soát thị trường trong 03 tháng đầu năm và triển khai phương hướng nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.