Giữ lửa nghề gốm Hương Canh
Làng gốm Hương Canh (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) có tuổi đời hơn 300 năm, nổi tiếng với những sản phẩm gốm sành bền chắc và độc đáo. Dù trải qua nhiều thăng trầm, những nghệ nhân nơi đây vẫn kiên trì giữ gìn những giá trị cổ xưa truyền nghề cho thế hệ sau, góp phần bảo tồn ngọn lửa nghề gốm giữa bối cảnh làng nghề đang dần mai một.
Làng gốm Hương Canh có những sản phẩm gốm không men như chum, vại, niêu, ấm chén, đều là những vật dụng quen thuộc trong đời sống nông thôn Việt Nam. Gốm Hương Canh nổi bật với chất lượng tốt có tiếng. Đặc biệt, từ năm 1950 đến 1970 là giai đoạn huy hoàng của làng gốm khi sản phẩm được tiêu thụ rộng rãi. Dân gian có câu “sứ Móng Cái, vại Hương Canh”, minh chứng cho chất lượng cũng như giá trị của các sản phẩm gốm Hương Canh thời đó.
Nghệ nhân tạo hoa văn cho sản phẩm. |
Tuy nhiên, cùng với những biến động lịch sử, số lượng gia đình giữ nghề không nhiều. Trong số ít nghệ nhân còn lại của làng, ông Trần Văn Hải, 70 tuổi, được xem là một trong những người gắn bó với nghề lâu nhất. Ông cho biết sự khác biệt giữa gốm Hương Canh và sản phẩm ở nơi khác nằm ở quy trình nung gốm đặc trưng, yêu cầu sự tỉ mỉ và khéo léo trong việc điều chỉnh lửa. Dưới nhiệt độ cao, sản phẩm được nung ra sáng bóng mà không cần phủ men. Người dân gọi đó là men trong đất. Lớp men tự nhiên được tạo ra từ chính đất và lửa, mang đến màu sắc độc đáo đặc trưng của sành Hương Canh.
“Nơi khác họ nung gốm, còn ở đây chúng tôi nung sành, phải căn đúng thời điểm thì mới thành sành. Nhiều người học bao nhiêu năm vẫn chưa thành thạo”- ông Hải chia sẻ.
Đất xét được tạo hình trên bàn xoay gốm. |
Các sản phẩm gốm Hương Canh được làm thủ công có tính thẩm mỹ cao. |
Dù đã có những cải tiến trong việc sử dụng lò nung bằng ga nhưng ông Hải vẫn giữ phương pháp truyền thống để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Lò ga không thể tạo ra những màu sắc truyền thống và độ ánh như lò truyền thống. Dù lò ga tối ưu được về thời gian và công sức, nhưng nó không mang lại chất lượng tốt nhất.
Khi được hỏi về đất để làm ra thành phẩm, bà Nguyễn Thị Nhuận (65 tuổi) ở xưởng gốm Quang Minh cho biết: “Đất mà người dân sử dụng là đất sét xanh được khai thác ở địa phương, có độ dẻo, dai và mịn, phù hợp để tạo ra những chi tiết phức tạp, khác hoàn toàn so với các loại đất ở các làng nghề trên cả nước”.
Mặc dù làng gốm Hương Canh có tiếng với những sản phẩm chất lượng và được người tiêu dùng ưa chuộng, nhưng những nghệ nhân gắn bó với nghề vẫn luôn mang nỗi trăn trở về việc giữ gìn và phát triển nghề truyền thống.
Trung tâm trưng bày và giới thiệu sản phẩm làng nghề gốm truyền thống. |
Chia sẻ với phóng viên xoay quanh việc gìn giữ và phát triển làng nghề, ông Lê Trung Chính, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bình Xuyên cho biết: “Huyện đã đưa ra những chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ phát triển làng nghề. Theo đề án phát triển du lịch huyện Bình Xuyên giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030, làng gốm Hương Canh sẽ được xây dựng thành điểm du lịch văn hóa. Đề án cũng chọn một số gia đình tiêu biểu để du khách có thể tham quan quy trình làm gốm, đồng thời đề xuất công nhận danh hiệu cho các nghệ nhân, với mục tiêu bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống, cũng như khuyến khích thế hệ trẻ tiếp nối nghề. Đây là một tín hiệu tốt trong việc gìn giữ và phát triển nghề gốm Hương Canh”.
Làng gốm Hương Canh dù phải đối mặt với thách thức của thị trường nhưng các nghệ nhân vẫn kiên trì giữ lửa, truyền nghề và bảo tồn giá trị văn hóa. Với sự hỗ trợ từ chính quyền và nỗ lực của các gia đình làm nghề, gốm Hương Canh đang từng bước hồi sinh. Trong tương lai không xa, làng gốm sẽ trở thành một điểm du lịch hấp dẫn và là biểu tượng cho sức sống trường tồn của nghề gốm Việt Nam.
Bài và ảnh: NGUYỄN TRANG
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.