Góc nhìn giáo dục: Tôn trọng cá tính là thể hiện văn hóa khoan dung
Một câu trong đề thi môn Ngữ văn Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 vừa qua là yêu cầu thí sinh thể hiện suy nghĩ của mình về ý nghĩa của sự tôn trọng cá tính. Câu hỏi này được các chuyên gia giáo dục nhận định là sát thực tế, phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh và mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc.
Cá tính là mã gene, bản sắc độc đáo chỉ có ở mỗi người. Nói đến cá tính là nói đến tính cách riêng có của từng người, phân biệt với những người khác. Cá tính của mỗi người thể hiện ở nhiều khía cạnh, từ hình dáng, phong cách bên ngoài đến suy nghĩ, nhận thức, hành vi, niềm tin, sở trường, khát vọng của người đó.
Tôn trọng cá tính là nhìn nhận, thừa nhận, chấp nhận sự đa dạng tính cách muôn màu muôn vẻ của mọi người trong tập thể, cộng đồng; đồng thời có thái độ, hành vi đúng mực, phù hợp với từng loại cá tính nhưng không đi ngược lại với những chuẩn mực đạo đức chung của xã hội. Việc tôn trọng cá tính của nhau còn góp phần xây dựng môi trường văn hóa ứng xử nhân văn, lành mạnh, hòa hợp, khoan dung, phù hợp với tinh thần “mình vì mọi người, mọi người vì mình”.
Thí sinh tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT (Ảnh minh họa). |
Không ngẫu nhiên mà cách đây gần 3 thập niên, năm 1995, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) chính thức thông qua nghị quyết lấy ngày 16-11 hằng năm là Ngày Quốc tế Khoan dung với sự tham gia ký kết của đại diện 185 quốc gia trên thế giới. Mục tiêu của Ngày Quốc tế Khoan dung là “Tôn trọng, chấp nhận và hiểu đúng sự đa dạng, phong phú của các nền văn hóa trên thế giới, những hình thức tự biểu hiện và những khả năng thể hiện cá tính của con người”. UNESCO khuyến nghị các quốc gia công nhận một thực tế là con người khác nhau về hình dáng bên ngoài, địa vị, lời nói, cách ứng xử và các giá trị, song đều có quyền được sống trong hòa bình và duy trì cá tính của riêng mình. Đó là thông điệp sâu sắc của Ngày Quốc tế Khoan dung.
Theo khoa học tâm lý, đối với con người có tâm sinh lý bình thường, không có cá tính nào chỉ toàn ưu việt, nổi trội, hoàn hảo, hoàn mỹ, mà cũng không có cá tính nào lại toàn thấp kém, xấu xí, tiêu cực. Thái độ nhìn nhận, xem xét khách quan như vậy để mỗi chúng ta luôn ứng xử với nhau một cách văn minh, nghĩa tình, cùng góp phần vun đắp, lan tỏa những giá trị đạo đức tích cực trong cuộc sống, xã hội.
Tất nhiên, bàn tay cũng có ngón ngắn, ngón dài. Trong cộng đồng xã hội nói chung, trong một tập thể (lớp học, cơ quan, đơn vị...) nói riêng, không bao giờ có sự giống nhau hay đồng nhất về khí chất, cá tính, suy nghĩ, thái độ. Do vậy, trách nhiệm của người dẫn dắt, điều hành (thầy cô giáo, người lãnh đạo, quản lý) là phải giáo dục, khơi dậy, động viên, khuyến khích để ai trong tổ chức cũng có thể phát huy tốt nhất khả năng, ưu thế, sở trường của mình nhằm đóng góp, cống hiến cho tập thể, xã hội. Nói cách khác, cần phát huy tối đa những mặt tích cực cũng như phòng ngừa, hạn chế tới mức thấp nhất mặt dở của mỗi cá tính chính là một phương pháp giáo dục khoa học, hiệu quả.
Đối với mỗi người, nhất là người trẻ, ai cũng muốn thể hiện “cái tôi” của mình. “Cái tôi” chính là cá tính, bản ngã vốn có, nhưng nó chỉ có thể tỏa sáng khi thể hiện đúng lúc, đúng chỗ, đúng mực nhằm mang lại niềm tin, niềm vui cho người khác và phù hợp với lợi ích, giá trị chung của tập thể, cộng đồng, xã hội. Ngược lại, thể hiện “cái tôi” thái quá, lấy “cái tôi” để lấn át “cái ta” là vô hình trung đẩy cá tính của mình đi quá giới hạn cho phép, lợi bất cập hại.
Tôn trọng cá tính người khác không chỉ là thái độ, phong cách ứng xử, mà đó còn là kỹ năng sống của con người. Để hướng tới điều này đòi hỏi nhà trường, đội ngũ giáo viên và cha mẹ học sinh phải kiên trì, bền bỉ giáo dục, dạy bảo, chỉ dẫn, rèn luyện để con em mình có thái độ sống tích cực, hành vi ứng xử nhân văn, góp phần xây dựng môi trường văn hóa, đạo đức xã hội lành mạnh.
Thạc sĩ NGUYỄN HỒNG SƠN
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.