Hà Nội - một thời để nhớ
Bằng tình yêu chân thành dành cho Hà Nội, nhiếp ảnh gia Lê Bích và Andy Soloman đã ghi lại dấu ấn khó phai của Thủ đô suốt hai thập kỷ, biến những tác phẩm này trở thành tài sản vô giá qua triển lãm ảnh “Hà Nội - một thời để nhớ”.
Triển lãm “Hà Nội - một thời để nhớ” là một trong những hoạt động hướng đến Kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10-10-1954/10-10-2024). Triển lãm giới thiệu 86 bức ảnh đen trắng về Hà Nội thời kỳ đổi mới lần đầu được công bố của nhiếp ảnh gia Lê Bích và phóng viên người Anh Andy Soloman.
Qua ống kính của mình, Lê Bích và Andy Soloman đã ghi lại những khoảnh khắc chân thực về cuộc sống của người dân Hà Nội trong thời kỳ đổi mới, giai đoạn từ năm 1992 đến năm 2012, khi thành phố bắt đầu chứng kiến những bước chuyển mình mạnh mẽ, tất cả đều được thể hiện một cách đầy mộc mạc và giản dị.
Hai nhiếp ảnh gia Lê Bích và Andy Soloman trò chuyện về các bức ảnh tại triển lãm |
Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, cuộc đời nhiếp ảnh gia Lê Bích gắn với những kỷ niệm, những hình ảnh của Hà Nội xưa. Từng hình ảnh về một Hà Nội bình dị, nên thơ trong quá khứ được thể hiện qua ống kính của nhiếp ảnh gia Lê Bích là từng lát cắt trong cuộc sống, cũng là một phần lịch sử của thành phố, nay đã trở thành những ký ức đẹp khi nhớ về Hà Nội.
Các tác phẩm mang lại cho người xem một cái nhìn hoài niệm và thân thuộc về cuộc sống trong thành phố. Đó là ánh mắt ngây thơ của những đứa trẻ trong giờ giải lao sau tiết học, là khung cảnh đời thường ở một hiệu cắt tóc hay những cụ ông “rất Hà Nội” cùng nhau trên phố đi chúc Tết.
Đi sâu tới từng góc phố, con đường quen thuộc đối với người dân Hà Nội, các tác phẩm đều được trưng bày cẩn thận, trang trọng trong triển lãm, thể hiện sự tôn vinh đặc biệt cho câu chuyện đằng sau từng bức ảnh.
Chỉ có ở người Hà Nội mới mang cái phong thái điềm tĩnh ấy. “Hà Nội ngày mưa phùn” của tác giả Lê Bích là một bức ảnh đậm chất “Hà Nội” với chính sự bình dị và yên ả của nó. Là biểu tượng của Thủ đô, khung cảnh Hồ Gươm quen thuộc mờ ảo trong màn mưa phùn. Ba ông lão, họ là hiện thân của lớp người lớn tuổi đã trải qua nhiều thăng trầm trong cuốc sống, ngồi bên hồ bình lặng, không chút vội vã, như chìm trong dòng suy tư, hòa mình vào không gian yên ả của đất trời.
Thật trùng hợp khi hai trái tim yêu Hà Nội gặp được nhau để rồi cả Lê Bích và Andy Soloman mang đến cho “Hà Nội - một thời để nhớ” những bức ảnh tuyệt vời này. Đối với Andy Soloman, ngay từ lần đầu tiên đặt chân đến Hà Nội năm 1992, ông đã dành một tình cảm đặc biệt cho mảnh đất Thủ đô. Đi tới đâu ông cũng nhận được sự đón tiếp tử tế và lòng mến khách tuyệt vời của con người nơi đây, để mà khi nhìn lại, những bức ảnh chính là một ghi chép quan trọng về cuộc sống trong thành phố: “Qua nhiều năm, tôi đã quay lại Hà Nội nhiều lần. Dù thành phố đã thay đổi theo nhiều cách, bản chất của nó vẫn không đổi. Năng lượng và tình người đã cuốn hút tôi từ năm 1992 vẫn còn sống động cho đến ngày nay, và Hà Nội sẽ mãi mãi giữ một vị trí đặc biệt trong trái tim tôi”, phóng viên Andy Soloman chia sẻ.
Dưới từng tác phẩm của mình, Andy đều ghi lại vô cùng chi tiết về câu chuyện trong chính khoảnh khắc ông chụp lại nó. Mỗi bức ảnh lại mang một câu chuyện riêng, nhưng tất cả đều chứa đựng tình yêu mà người phóng viên ngoại quốc này dành cho Hà Nội.
Nhiếp ảnh gia Andy Soloman (bên trái) chụp ảnh cùng khách tham quan tại triển lãm. |
Tình cảm bắt nguồn từ những điều đơn sơ, giản dị nhất. Trong một chiều dạo bước xuống bờ sông Hồng, Andy bắt gặp hình ảnh những túp lều tranh xơ xác, các quán trà và xưởng nhỏ lụp xụp. Mặc cho cuộc sống nghèo khổ, người dân ở đây vẫn chào đón ông bằng một trái tim thân thiện và hào phóng. Bước đi giữa cuộc sống cơ hàn, Andy mang theo câu chuyện nhỏ về sự ấm áp và nhân văn của con người trước những thử thách của số phận vào trong bức ảnh của mình.
Andy Soloman bày tỏ mong muốn tìm lại được từng nhân vật, lắng nghe câu chuyện của họ và chụp ảnh họ một lần nữa. Đến cả mấy đứa trẻ bán báo ở phố cũng khiến Hà Nội trong trái tim ông trở nên đặc biệt hơn. Vị phóng viên đã dùng ống kính để kể lại phút giây khi ông lang thang qua các cửa hàng sách và quầy hàng ở Tràng Tiền, mấy đứa trẻ bán báo tới gần. Đôi mắt của chúng lấp lánh sự hăng hái khi cố gắng thử nói một vài từ tiếng Anh với Andy. Ông mua một ít bưu thiếp rồi cùng mấy đứa trẻ đi dạo quanh Bờ Hồ trò chuyện.
Triển lãm thu hút khách tham quan từ khắp nơi, với sự góp mặt của đông đảo khán giả trong và ngoài nước, đến từ nhiều thế hệ. Đối với bà Hoàng Thị Mai Phong (85 tuổi), một người đã sống cùng với Hà Nội, trải qua biết bao giai đoạn biến chuyển của Thủ đô, những ký ức về thành phố ùa về khiến bà bồi hồi xúc động: “Xem những bức ảnh này làm tôi nhớ về ngày xưa nhiều. Có những bức ảnh tôi phải bất ngờ vì sao lại chân thực đến như thế. Giờ đây, khi thấy được thành phố của chúng ta ngày một phát triển, tôi thấy tự hào vì mình cũng đã có một phần công sức trong đó”.
Bà Hoàng Thị Mai Phong xúc động trước bức ảnh “Phá dỡ” của nhiếp ảnh gia Lê Bích. |
Là một trong những bạn trẻ tham dự triển lãm, bạn Phạm Thảo Nguyên (21 tuổi) tâm sự: “Xem những bức ảnh này, mình thấy như được quay lại hồi còn nhỏ. Bức ảnh chụp em nhỏ cùng mẹ nhìn món đồ chơi mới mua đã làm mình rơi nước mắt vì sao mà giống mình, giống ngôi nhà cũ của mình thế. Một con tàu nhỏ chạy trên thau nước là cả ước mơ của một đứa trẻ ngày xưa như thế”.
Du khách tham quan triển lãm ảnh "Hà Nội - một thời để nhớ". |
86 bức ảnh là 86 câu chuyện về cuộc sống, là những trang nhật ký quý giá ghi lại những bước chuyển mình đầy ý nghĩa của Hà Nội. Có lẽ, Hà Nội luôn khắc sâu trong lòng người ta thương nhớ vì những thanh âm nơi đây hòa quyện cùng nhịp đập của chính tâm hồn họ, bởi lẽ tuổi xuân của nhiều người đã in dấu trong những kỷ niệm mang tên "ký ức Thủ đô". Mỗi con người, mỗi thế hệ khi đến với triển lãm đều có những góc nhìn và cảm xúc khác nhau, nhưng tựu trung lại, tất cả đều là tình yêu sâu sắc dành cho mảnh đất Hà Nội nghìn năm văn hiến.
Tình yêu ấy là sợi dây kết nối vững bền giữa những biến chuyển của thời gian, giữa văn hóa truyền thống và nhịp sống hiện đại, tạo cầu nối giữa các thế hệ, gắn kết trái tim con người. Họ không chỉ gắn bó với vùng đất này mà còn chung sức xây dựng, làm đẹp thêm bức tranh lịch sử, văn hóa và con người nơi đây, từ đó gìn giữ những giá trị quý báu cho Thủ đô trong hành trình phát triển không ngừng.
Bài và ảnh: PHƯƠNG HÀ
Tin mới
Ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất
Sáng 12-11, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập ngành (1954-2024) và 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982/20-11-2024); đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Chính phủ đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân
Chiều 12-11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trả lời chất vấn, báo cáo làm rõ các vấn đề liên quan đến điều hành của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Báo chí và mạng xã hội: Cạnh tranh hay hợp tác?
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) nêu quảng cáo là nguồn thu quan trọng của báo chí và trận địa cạnh tranh khốc liệt giữa báo chí với mạng xã hội, nhưng báo chí đang lép vế và thua trên sân nhà với 80% doanh thu quảng cáo "chảy" về mạng xã hội.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Đến tháng 6-2025, phủ sóng di động tất cả những vùng lõm sóng
Không có sóng di động ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của người dân. Chính vì vậy, chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, nhiều đại biểu quan tâm tới các giải pháp xóa vùng lõm sóng viễn thông.
Hội nghị liên tịch giữa Bộ CHQS tỉnh Kon Tum và Bộ CHQS tỉnh Attapeu (Lào)
Sáng 12-11, tại Bộ CHQS tỉnh Kon Tum đã diễn ra Hội nghị liên tịch thường niên lần thứ XIX năm 2024 giữa Bộ CHQS tỉnh Kon Tum và Bộ CHQS tỉnh Attapeu (Lào). Đại tá Nguyễn Thế Vinh, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Kon Tum và Thiếu tướng Xokxay Phimmala, Chỉ huy trưởng Chính trị Bộ CHQS tỉnh Attapeu (Lào) đồng chủ trì hội nghị.
Kinh doanh giầy giả, Hộ kinh doanh bị xử phạt 16 triệu đồng
Đội QLTT số 2 Cục QLTT tỉnh Hải Dương vừa tổ chức giám sát việc tiêu huỷ 97 đôi giầy thể thao giả mạo nhãn hiệu “Adidas và hình” là tang vật trong vụ việc buôn bán hàng giả mạo nhãn hiệu.