Hà Nội nghìn năm vang vọng: Phát huy giá trị di sản Thành cổ Sơn Tây
Nằm ở trung tâm thị xã Sơn Tây (Hà Nội), Thành cổ Sơn Tây là điểm nhấn thú vị cho bất kỳ du khách nào khi đến xứ Ðoài.
Với lối kiến trúc độc đáo, được xây dựng hoàn toàn bằng đá ong có một không hai ở Việt Nam, Thành cổ Sơn Tây được xây dựng vào năm 1822, dưới thời vua Minh Mạng và là một trong những khu căn cứ quân sự quan trọng, bảo vệ kinh thành Thăng Long xưa. Đây cũng là di tích văn hóa-lịch sử đại diện cho mô hình thành lũy Việt Nam thời kỳ chống giặc ngoại xâm.
Trong lịch sử, Thành cổ Sơn Tây được ghi dấu bởi những trận chiến của quan quân nhà Nguyễn, cùng quân Cờ Ðen của Lưu Vĩnh Phúc với thực dân Pháp xâm lược vào cuối thế kỷ 19. Thành cổ Sơn Tây thất thủ vào năm 1884. Sau này, Toàn quyền Ðông Dương đã xếp hạng Thành cổ Sơn Tây là di tích vào năm 1924.
Không gian Thành cổ Sơn Tây tạo điểm nhấn hấp dẫn du khách khi đến xứ Đoài. |
Bên trong thành cổ, các kiến trúc quan trọng nhất là kỳ đài và Điện Kính Thiên (Vọng cung). Kỳ đài cao 18m, là nơi thượng cờ và là đài quan sát của binh lính. Ðiện Kính Thiên được sử dụng như là hành cung của nhà vua khi tuần giá xứ Ðoài. Trước kia, tại khu vực này còn có dinh tổng đốc, bố chính, án sát, kho tiền, nhà chứa vũ khí, kho lương thực... Người dân trong vùng tự hào về Thành cổ Sơn Tây qua câu ca: “Thành Sơn cổ kính lừng danh/ Vọng cung, võ miếu tường thành hiên ngang”. Có nhiều năm nghiên cứu khảo cổ về Thành cổ Sơn Tây, PGS, TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cho rằng: Thành cổ Sơn Tây là đại diện cho một thời kỳ xây dựng thành lũy nhiều nhất ở Việt Nam, trong bối cảnh các cuộc chiếm đất làm thuộc địa diễn ra hầu khắp trên thế giới. Trải qua nhiều thăng trầm, Thành cổ Sơn Tây hiện còn những dấu tích minh chứng cho kỹ thuật xây dựng công trình quân sự phòng thủ bậc nhất ở Việt Nam.
Trải qua hơn 200 năm tồn tại, một số công trình của thành đã bị phá hủy. Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích Thành cổ Sơn Tây, nhiều dự án tu bổ, khôi phục các công trình đã được thực hiện trên nền cũ. Ngoài ra, tại đây còn có khu trưng bày 2 máy bay MiG-21 từ Trung đoàn Sao Đỏ và 1 máy bay Mi-8 từ Trung đoàn 916 là những kỷ vật lưu lại sau kháng chiến, góp phần tăng giá trị cảnh quan của khu di tích. Theo ông Lê Đại Thăng, Phó chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây: Nhờ có di tích này mà không gian phố đi bộ thành cổ từ khi chính thức được khai trương (ngày 30-4-2022) đến nay thu hút lượng du khách khá đông và ổn định mỗi tuần. Hiệu quả đạt được của tuyến phố đi bộ về mặt xã hội thể hiện khá rõ: Cảnh quan, môi trường được cải thiện, không gian văn hóa thành cổ được bảo tồn và phát huy; di tích lịch sử thành cổ, các công trình văn hóa được quan tâm chỉnh trang, cơ sở hạ tầng được nâng cấp... Khi cả khu vực ngoại thành Hà Nội chưa có sản phẩm du lịch về đêm thì tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây đã đáp ứng nhu cầu của người dân, tạo điểm nhấn hấp dẫn cho cả xứ Đoài. Việc này rất có ý nghĩa khi Hà Nội đang thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa và hiện thực hóa các sáng kiến khi tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo.
“Từ tháng 9-2023, Bảo tàng Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) thăm dò, khai quật khảo cổ giai đoạn 1 tại di tích Thành cổ Sơn Tây; đồng thời lên kế hoạch trùng tu toàn bộ di tích thành cổ trước khi hoàn thiện hồ sơ gửi lên các cấp có thẩm quyền đề nghị công nhận di tích Thành cổ Sơn Tây là Di tích quốc gia đặc biệt. Những hoạt động này cũng nhằm chào mừng kỷ niệm 100 năm thành lập thị xã, 70 năm Ngày giải phóng Sơn Tây và 555 năm danh xưng “Sơn Tây” trong năm 2024”, ông Lê Đại Thăng cho biết thêm.
Bài và ảnh: ĐỨC LỘC
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.