Hà Nội: Sơ kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2025
Sáng 18/7/2025, Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2025.
Theo Báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội, trong 6 tháng năm 205, tình trạng vận chuyển, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng hóa vi phạm về nhãn hàng hóa, kinh doanh hàng hóa hết hạn sử dụng; tình trạng sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ… tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường. Các đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi, hoạt động trên nhiều lĩnh vực, hàng hóa vi phạm đa dạng như thời trang, thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng, thiết bị điện tử, thuốc lá… nhất là các vi phạm, tội phạm trên không gian mạng (các nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội...).
Trong 6 tháng đầu năm 2025, các lực lượng chức năng trên địa bàn kiểm tra, bắt giữ 9.582 vụ, xử lý 8.542 vụ việc vi phạm (trong đó có: 1.337 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; 6.330 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế; 875 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ. Thu nộp ngân sách nhà nước 2.146 tỷ 185 triệu đồng (trong đó: Số tiền phạt hành chính, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp 576 tỷ 94 triệu đồng; Tiền phạt bổ sung, truy thu thuế 1.565 tỷ 808 triệu đồng; Tiền bán hàng tịch thu 4 tỷ 283 triệu đồng). Khởi tố hình sự 115 vụ, 170 bị can.
Phát biểu tại Hội nghị, đại diện các đơn vị: Công an, Chi cục Hải quan, Thuế trên địa bàn nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đấu tranh, khám phá các vụ việc, vụ án về buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại như: Đối tượng thường sử dụng “ship ruột” (người quen) để giao hàng. Không cho tiếp cận kho, bãi, không mở cửa hàng mà chỉ bán online. Với một số mặt hàng như vũ khí, vật liệu nổ, đối tượng có nghiên cứu, am hiểu pháp luật nên đã chủ động chia nhỏ hàng thành nhiều bộ phận hoặc chỉ bán tiền chất nổ để khách hàng tự lắp ráp, chế tạo; Đối tượng sử dụng mạng xã hội (Facebook, Zalo) ảo để rao bán hàng, trao đổi thông tin. Sử dụng công nghệ VPN để che giấu địa chỉ IP hoặc hoạt động từ nước ngoài, gây khó khăn cho việc truy vết; Công tác giám định, đánh giá chất lượng sản phẩm, chỉ tiêu định lượng, hàm lượng trong các sản phẩm còn mất nhiều thời gian, chi phí cũng như khó khăn trong công tác phối hợp với các cơ quan, tổ chức có chức năng kiểm nghiệm; Công tác bảo quản, lưu kho đối với tang vật vi phạm, nhất là các vụ việc, vụ án liên quan đến thực phẩm, thực phẩm chức năng cần bảo quản theo chế độ riêng thì hiện nay chưa có đủ kho, bãi để tập kết, bảo quản tang vật…
Trước những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, Ban Chỉ đạo 389 thành phố đề xuất Quốc hội, Chính phủ và Bộ, ngành có liên quan sớm sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật hiện hành; Đề xuất sửa đổi Bộ luật Hình sự và các Nghị định xử phạt hành chính liên quan theo hướng tăng nặng chế tài đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, quảng cáo sai sự thật, lợi dụng không gian mạng để thu lợi bất chính; Đề nghị các Bộ thống nhất về công tác quản lý an toàn thực phẩm giữa các bộ như Bộ Nông nghiệp, Bộ Công thương, Bộ Y tế (giao một ngành thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm, không để tình trạng cả 3 bộ cùng tham gia quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm như hiện nay); các Bộ, ngành xem xét, bổ sung, tăng cường các nguồn lực, nhân lực, trang thiết bị, vật tư và ứng dụng khoa học công nghệ (ứng dụng trí tuệ nhân tạo) cho các tổ chức giám định chất lượng, phòng thí nghiệm, kiểm nghiệm thực phẩm được chỉ định để hỗ trợ các cơ quan thực thi thực hiện kiểm soát, giám sát chất lượng hàng hoá lưu thông trên thị trường...
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Đặng Văn Dũng, Phó Chánh Văn phòng, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đánh giá cao kết quả đạt được trong 6 tháng năm 2025 của Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội. Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo thành phố tiếp tục tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm, có hiệu quả những nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tại các Công điện và Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 17/5/2025; Khẩn trương kiện toàn Ban Chỉ đạo 389 cấp phường, xẫ với thành phần, tổ chức phù hợp, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông, ga tàu, sân bay, bến xe, kho hàng, các chợ đầu mối.. nhằm ngăn chặn việc vận chuyển, tập kết hàng lậu, hàng giả; đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ để phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, nâng cao hiệu quả quản lý; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến pháp luật cho các tổ chức và cá nhân trên địa bàn thành phố; Tiếp nhận, xử lý kịp thời thông tin phản ánh của người dân về các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả; Tăng cường công tác trao đổi thông tin, phối hợp với các lực lượng chức năng trong thành phố, ở Trung ương và các địa phương nhằm đảm bảo phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hoạt động vận chuyển hàng nhập lậu từ biên giới, cửa khẩu về Hà Nội để tiêu thụ, trung chuyển đi các địa bàn khác.
Kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tiếp thu những ý kiến tham luận và ý kiến đóng góp của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực, tinh thần trách nhiệm của các lực lượng chức năng trong việc triển khai nhiệm vụ đã góp phần ổn định môi trường kinh doanh, thúc đẩy sản xuất, tăng thu ngân sách, bảo vệ quyền lợi của người dân và doanh nghiệp làm ăn chân chính trên địa bàn. Đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị các sở, ngành thành viên BCĐ 389 Thành phố, UBND các xã/phường tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ cụ thể như sau:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để nâng cao ý thức, trách nhiệm, ý thức của người dân và doanh nghiệp; lấy người dân làm trung tâm trong công tác tuyên truyền phát luật; hỗ trợ người dân và doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, đăng ký sở hữu trí tuệ, sản xuất, kinh doanh đúng chất lượng, công bố đối với sản phẩm theo quy định;
Hai là, tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ được giao; quán triệt, thực hiện nghiêm, có hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương và Thành phố về công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả;
Ba là, tăng cường kiểm tra đột xuất các địa bàn, lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm, nhất là kinh doanh trên thương mại điện tử và các sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân như thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, các hành vi gian lận về thuế, đặc biệt lưu ý trong những dịp lễ, tết, tháng cuối năm;
Bốn là, nâng cao hiệu quả phối hợp, trao đổi thông tin giữa các lực lượng chức năng để chủ động phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với các phương thức, thủ đoạn mới, nhất là trên không gian mạng;
Năm là, tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ gửi Cơ quan Thường trực BCĐ 389 để tổng hợp, kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung;
Sáu là: UBND các xã phường nhanh chóng thành lập Ban Chỉ đạo 389 xã, phường theo hướng thống nhất thành phần tham gia Ban Chỉ đạo;
Bảy là, cơ quan Thường trực BCĐ 389 Hà Nội phối hợp với các sở, ngành chức rà soát, nâng cấp các trung tâm kiểm định chất lượng cao trên địa bàn thành phố, trang bị các ô tô kiểm định chất lượng hàng hoá để có thể test nhanh hàng hoá trong quá trình kiểm tra, kiểm soát các vụ việc vi phạm.
Minh Tuân
Tin mới
Thông báo kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương đầu tư xây dựng trường học cho các xã biên giới
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú đã ký ban hành Thông báo kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương đầu tư xây dựng trường học cho các xã biên giới (Thông báo số 81-TB/TW ngày 18-7-2025). Sau đây là toàn văn Thông báo số 81-TB/TW.
Bão Wipha vào Biển Đông: Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ khả năng có mưa lớn diện rộng
Bão Wipha đã đi vào Biển Đông và trở thành cơn bão số 3. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ ngày 21 đến 24-7, các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ khả năng có đợt mưa lớn diện rộng.
13 tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ đảm bảo an toàn đê điều ứng phó bão số 3
Ngày 19-7, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) ban hành văn bản số 780/ĐĐ-QLĐĐ gửi Sở Nông nghiệp và Môi trường 13 tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ (gồm Tuyên Quang, Lào Cai, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh) về việc triển khai công tác đảm bảo an toàn đê điều ứng phó bão số 3.
EVN yêu cầu các đơn vị chủ động ứng phó bão số 3 (WIPHA)
Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa ban hành Công điện số 4665/CĐ-EVN gửi các đơn vị thành viên, yêu cầu khẩn trương triển khai việc ứng phó với bão số 3 (WIPHA).
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao Quyết định giao Quyền Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường
Ngày 19-7, thực hiện Công văn số 16105-CV/VPTW ngày 17-7-2025 của Bộ Chính trị về công tác nhân sự, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1559/QĐ-TTg ngày 17-7-2025 về việc điều động đồng chí Trần Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó tổng Thanh tra Thường trực Thanh tra Chính phủ, về công tác tại Bộ Nông nghiệp và Môi trường và giao Quyền Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Quản lý thị trường thành phố Hà Nội: Đánh giá kết quả công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025
Từ đầu năm 2025, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) thành phố Hà Nội đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các kế hoạch công tác, đặc biệt chú trọng kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực thương mại, góp phần ổn định thị trường và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.