Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường về việc tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống vi phạm hoạt động phát hành sách, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Tĩnh đã tăng cường thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, chủ động phối hợp với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội nghị hướng dẫn phân biệt sách thật, sách giả.
Tham dự hội nghị có đại diện Lãnh đạo Cục QLTT, các phòng chuyên môn, các đội QLTT trực thuộc; đại diện Sở Thông tin - Truyền thông, Sở Giáo dục và Đào tạo, Đội Liên ngành phòng, chống in lậu tỉnh, đại diện Công ty CP Sách và Thiết bị trường học Hà Tĩnh; Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Hà Tĩnh đến dự và đưa tin.
Mở đầu Hội nghị, Đồng chí Nguyễn Khánh Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Tĩnh đã nêu ra sự cần thiết, tầm quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm về sách giả, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng và các tổ chức hoạt động xuất bản. Đồng chí đã khái quát thực trạng, tình hình phát hành xuất bản phẩm trên địa bàn và chỉ ra một số phương thức, thủ đoạn thường gặp của các đối tượng vi phạm.
Với nhu cầu của hàng triệu giáo viên và học sinh trên cả nước, có thể thấy, mỗi năm học, chi phí bỏ ra để mua sách, tài liệu giáo dục là rất lớn. Vì lợi nhuận cao, các đối tượng đã bất chấp thủ đoạn để tuồn sách giả, sách kém chất lượng vào thị trường nhằm mục đích trục lợi, làm ảnh hưởng nghiêm trọng chính đáng của tác giả, đơn vị xuất bản, đối tác liên kết, triệt tiêu sự sáng tạo và làm thất thu ngân sách nhà nước; đặc biệt có nguy cơ và tác hại nghiêm trọng đến đối tượng sử dụng chủ yếu là học sinh (sách giả có sai sót về màu sắc, ký hiệu, nét chữ, kiến thức, hay bị thiếu dữ liệu, không cập nhật thông tin sẽ dẫn đến sai lệch về nội dung, kiến thức tiếp nhận của học sinh; có chất lượng giấy in thấp, in bị mờ không đảm bảo quy cách tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thể chất của học sinh, nhất là về thị lực; sử dụng sách giả, học sinh sẽ không thể truy cập và sử dụng online được các giá trị, tư liệu, tiện ích bổ sung, hỗ trợ .v.v.).
Thời gian qua, thông qua các hình thức tuyên truyền, nhận thức của người tiêu dùng trong việc lựa chọn, mua sắm phần nào đã được nâng cao nhưng vẫn còn một bộ phận chưa nhận thức được việc mua và sử dụng sách lậu là vi phạm pháp luật. Họ có thể coi việc mua sách lậu là cách để tiết kiệm tiền mà không nghĩ đến hậu quả lâu dài. Lợi dụng tâm lý của người dân, các đối tượng vi phạm thường bán sách giả với giá thấp hơn sách thật, chiết khấu cao cho các cơ sở; bán kèm sách giả với sách thật; lợi dụng môi trường thương mại điện tử để chào hàng, giao nhận sách qua các công ty chuyển phát dẫn đến khi nhận hàng thì người mua mới biết là sách giả; cất giấu sách trong nhà ở… gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, xử lý vi phạm.
Đại diện cho Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, ông Đặng Trí Dũng - Phó Trưởng ban chống in lậu đã giới thiệu, hướng dẫn một số dấu hiệu để phân biệt sách thật, sách giả. Theo đó, các tem, nhãn dán trên sách giả có độ hoàn thiện không cao, hoa văn không sắc nét, không có phản quang, không có độ nhám, nổi như tem thật, lớp nhũ trên tem không thể cạo ra bằng cách thông thường; chất lượng giấy, mực in, hình ảnh không đồng nhất… Đặc biệt, mỗi cuốn sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đều đi kèm với một mã xác thực riêng được dùng để xác thực xuất bản phẩm, kích hoạt kho học liệu điện tử; nếu kiểm tra theo hướng dẫn mà kết quả cho thấy mã xác thực không tồn tại hoặc không phải là người đầu tiên xác thực (số lần xác thực >1) thì cuốn sách đó có dấu hiệu là sách giả.
Tại hội nghị, đại diện các cơ quan chức năng đã tham gia thảo luận, trao đổi một số kinh nghiệm thực tiễn cũng như đưa ra các giải pháp để nâng cao hiệu quả đấu tranh, phòng, chống, xử lý vi phạm địa bàn tỉnh. Trong đó tập trung vào các nhóm giải pháp: Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà xuất bản, phát hành và các cơ quan chức năng; tuyên truyền, vận động .v.v.
Đồng chí Nguyễn Văn Hảo, TP TTPC Cục QLTT trao đổi một số nội dung
Ông Phạm Văn Báu - Chánh thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông, Đội trưởng Đội liên ngành PCIL tỉnh trao đổi tại Hội nghị
Ông Đậu Quang Hồng- Trưởng phòng Quản lý Trung học phổ thông, Sở Giáo dục và Đào tạo phát biểu ý kiến
Ông Lê Bá Quyết - Cán bộ Phòng An ninh Chính trị nội bộ - Công an tỉnh chia sẻ kinh nghiệm phát hiện, xử lý vi phạm
Đại diện Công ty CP Sách và Thiết bị trường học Hà Tĩnh chia sẻ
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Cự Dũng - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cảm ơn sự phối hợp của các cơ quan chức năng, các đơn vị xuất bản, phát hành trong công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm trong hoạt động kinh doanh các xuất bản phẩm. Đồng chí đề nghị các nhà xuất bản, đơn vị phát hành tăng cường các biện pháp tự bảo vệ trước hiện tượng sách giả như: Thường xuyên đổi mới, nâng cao công nghệ chống sách giả; thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc cung cấp tài liệu nhận biết sách thật, sách giả; xây dựng mạng lưới nắm bắt tình hình thị trường để cung cấp các dấu hiệu vi phạm pháp luật tới các cơ quan chức năng .v.v.
Đồng chí Nguyễn Cự Dũng - Cục trưởng Cục QLTT phát biểu kết luận
Đồng chí chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục tăng cường công tác quản lý địa bàn, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành biện pháp nghiệp vụ để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, cần tiếp tục chú trọng đến công tác tuyên truyền để thay đổi nhận thức, hiểu biết của người tiêu dùng về tầm quan trọng của việc sử dụng sách có nguồn gốc rõ ràng, đúng quy định của pháp luật, lựa chọn mua sắm tại các cơ sở uy tín; vận động người dân tham gia phát hiện, tố giác các dấu hiệu bất thường, hành vi vi phạm đến cơ quan chức năng.
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trao tặng một số mẫu sách thật, sách giả
Ký cam kết chấp hành các quy định của pháp luật với một số cơ sở trên địa bàn
Ngay sau hội nghị, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã tặng cho Cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Tĩnh một số mẫu sách thật, sách giả để phục vụ công tác phát hiện, xử lý vi phạm. Cùng với các cơ quan chức năng, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức tuyên truyền, ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật đối với một số cơ sở phát hành sách trên địa bàn.