Hàng loạt vụ việc bán hàng giả trên không gian mạng bị phát hiện, xử lý
Lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện các tài khoản bán hàng giả, hàng nhái trên không gian mạng, trong đó, nhiều vụ việc có số lượng hàng hóa vi phạm lớn đã được chuyển sang cơ quan công an để tiếp tục xử lý theo pháp luật.
Thời gian qua, hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử nở rộ tại Việt Nam, tạo thói quen mua sắm mới cho người tiêu dùng nhưng kéo theo đó, nạn hàng giả, hàng nhái cũng diễn biến phức tạp.
Tại nhiều địa phương, lực lượng QLTT đã truy quét và xử lý triệt để hàng loạt các vụ việc, thu giữ lượng lớn hàng hóa vi phạm. Đã có nhiều vụ việc QLTT chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an khởi tố, bắt tạm giam đối tượng vi phạm.
Mới đây nhất, Đoàn kiểm tra của Cục QLTT tỉnh Quảng Trị đã phát hiện 365 sản phẩm thời trang bao gồm balo, túi xách, giày, dép… giả mạo nhãn hiệu Chanel, Gucci, Louis Vuitton… và không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm khoảng gần 90 triệu đồng.
Cụ thể, qua quá trình theo dõi thu thập thông tin trên môi trường mạng xã hội facebook, ngày 17/10/2024, Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Quảng Trị tiến hành kiểm tra đột xuất đối với Hộ kinh doanh Shop T.C, địa chỉ tại phường 5, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị hoạt động dưới hình thức kết hợp kinh doanh trực tiếp và trực tuyến trên mạng xã hội.
Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện 365 sản phẩm thời trang bao gồm balo, túi xách, giày, dép…. giả mạo nhãn hiệu Chanel, Gucci, Louis Vuitton… và không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm khoảng gần 90 triệu đồng. Chủ Hộ kinh doanh không xuất trình được hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của các loại hàng hóa nêu trên.
Qua quá trình kiểm tra, Đoàn kiểm tra nhận thấy Hộ kinh doanh có dấu hiệu thực hiện các hành vi vi phạm hành chính sau: buôn bán hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường internet; buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Hiện tại, Đoàn kiểm tra của Đội QLTT số 1 đang tiếp tục phối hợp với Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Trị cũng cố hồ sơ để làm rõ hành vi vi phạm hành chính cũng như xác định số tiền thu lợi bất hợp pháp có được từ việc thực hiện các hành vi vi phạm hành chính nêu trên.
Tại tỉnh Tiền Giang, thực hiện kế hoạch về công tác thương mại điện tử năm 2024, Đội QLTT số 5 phân công công chức tiến hành cập nhật, theo dõi các đối tượng có kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử. Qua đó, phát hiện dấu hiệu vi phạm của 03 trường hợp đăng bán sản phẩm trên Trang website thương mại điện tử, mạng xã hội facebook có cơ sở kinh doanh ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.
Sau khi nắm địa điểm, đối tượng kinh doanh, thu thập các thông tin liên quan; trong các ngày 29/7, 01/10 và 3/10/2024, Đội QLTT số 5 tổ chức kiểm tra đột xuất tại 03 cơ sở này. Kết quả, Đoàn kiểm tra phát hiện, xác lập hồ sơ xử lý các hành vi vi phạm về không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng, không đăng ký thành lập hộ kinh doanh, kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu.
Vào các ngày 30/9, 4/10 và 11/10/2024, Đội trưởng Đội QLTT số 5 ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 03 trường hợp vi phạm; số tiền xử phạt tổng cộng gần 30 triệu đồng. Đến nay, các cơ sở này đã thực hiện xong Quyết định.
Đội QLTT số 5 cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục theo dõi, rà soát, cập nhật các website, ứng dụng bán hàng, mạng xã hội, sàn giao dịch thương mại điện tử lớn của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh trên địa bàn quản lý vào Hệ thống INS. Tập trung đánh giá, phân loại đối tượng, mặt hàng, nhận diện các hành vi, phương thức, thủ đoạn vi phạm; tổ chức kiểm tra, xử lý kịp thời các đối tượng lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, kinh doanh hàng giả. Đồng thời, thường xuyên tuyên truyền, cho ký cam kết đối với các tổ chức, cá nhân có bán hàng, giới thiệu sản phẩm trên môi trường không gian mạng.
Tại tỉnh Bạc Liêu, thực hiện Quyết định số 535/QĐ-QLTTBL ngày 19/7/2024 của Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Bạc Liêu ban hành kế hoạch công tác về thương mại điện tử năm 2024, Đội QLTT số 2 thực hiện kiểm tra đột xuất và phát hiện đối tượng kinh doanh hàng hóa là thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Cụ thể, thông qua tài khoản Facebook “Th xxx - Cung cấp Nguyên Liệu, Dụng Cụ Làm Bánh, Trà Sữa”, Đội Quản lý thị trường số 2 phát hiện Hộ kinh doanh T kinh doanh mua bán nguyên phụ liệu làm trà sữa và bánh trên địa bàn huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu. Ngày 10/10/2024, Đội QLTT số 2 tiến hành thực hiện kiểm tra đột xuất đối với hộ kinh doanh T.
Qua kiểm tra thực tế phát hiện hộ kinh doanh T đang bày bán các loại bột dùng để làm bánh được đựng trong các túi bóng gồm: Bột béo Frima, túi 500g/gói: 30 gói; Bột béo Frima, túi 1kg/gói: 03 gói; Bột Gelatine (Ewald), loại 1kg/gói: 04 gói; Bột Gelatine (Ewald), loại 500g/gói: 07 gói với tổng giá trị 3.835.000 đồng nhưng không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa và không xác định được nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Đoàn kiểm tra tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, niêm phong và tạm giữ số lượng hàng hóa nêu trên để tiếp tục xử lý đúng theo quy định pháp luật.
Thực phẩm là nguồn cung cấp dưỡng chất không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta. Thực phẩm phong phú, đa dạng, có thể là thức ăn, nước uống, thậm chí còn bao hàm cả những dạng thuốc bổ sung chất cho cơ thể. Tuy nhiên, việc kinh doanh các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không rõ chất lượng nếu không bị phát hiện và thu giữ kịp thời thì có thể tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng. Do đó từng cá nhân, tổ chức cần phải có trách nhiệm cụ thể để đảm bảo an toàn thực phẩm cho chính bản thân cũng như gia đình và xã hội.
Tại tỉnh Lạng Sơn, thực hiện kế hoạch số 779/KH- QLTTLS ngày 10/7/2024 của Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn kế hoạch tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra và xử lý vi phạm trong thương mại điện tử năm 2024. Qua rà soát trên mạng xã hội Facebook. Đội QLTT số 6 đã phát hiện và xử phạt 03 hộ kinh doanh kinh doanh các mặt hàng là điện thoại và phụ kiện điện thoại.
Cụ thể ngày 07/10/2024, qua công tác rà soát và nắm bắt địa bàn, đội QLTT số 6 phát hiện hộ kinh doanh H.Q.C tại địa chỉ phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn đang kinh doanh phụ kiện điện thoại có dấu hiệu là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu. Đoàn kiểm tra của Đội QLTT số 6 đã tiến hành kiểm tra và xử lý hộ kinh doanh H.Q.C về hành vi Buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, xử phạt số tiền 6.000.000 đồng. Trị giá hàng hóa vi phạm là 4.050.000 đồng.
Tiếp tục công tác rà soát, từ ngày 08/10/2024 đến ngày 09/10/2024 Đội phát hiện và kiểm tra 02 Hộ kinh doanh là V.T.M.V địa điểm kinh doanh phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn và Hộ kinh doanh H.H.H địa điểm kinh doanh phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Đội đã xử phạt 02 Hộ kinh doanh nói trên về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, tổng số tiền xử phạt là 26.000.000 đồng và trị giá hàng hóa vi phạm là 46.100.000 đồng.
Trong thời gian tới, Đội QLTT số 6 sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác rà soát trên các nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội để kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.
Sự vụ gây tiếng vang trong ngày đầu tháng 10, tại Hà Nội, ngày 3/10 trên 10.000 chai nước hoa không rõ nguồn gốc xuất xứ, có dấu hiệu nhập lậu được kinh doanh chủ yếu trên Tiktok, Facebook đã bị Tổ TMĐT, Cục Nghiệp vụ QLTT đột xuất kiểm tra và tiến hành tạm giữ. Đây là sản phẩm được một hot Tiktoker thường xuyên livestream bán trên Tiktokshop.
Trên mặt sàn rộng hàng trăm m2 nằm tại tầng 1, CT3, Toà nhà Eco Green, số 286 đường Nguyễn Xiển, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội, là nơi các nhân viên thực hiện chốt đơn và “cày view” cho các video giới thiệu về các sản phẩm như nước hoa, son, bàn chải điện đăng bán chủ yếu trên Tiktok và Facebook. Địa điểm này thuộc sở hữu của Công ty cổ phần Tập đoàn Zenpali, do ông C.V.T làm Tổng Giám đốc.
Làm việc với Đoàn kiểm tra, đại diện Công ty xuất trình Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp công ty cổ phần do Sở Kế hoạch và đầu tư thành phố Hà Nội cấp lần đầu vào năm 2018 và Giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh đăng ký lần đầu năm năm 2023. Đối với sản phẩm là lô nước hoa, phía công ty chưa xuất trình được các hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp.
Trước đó, tại địa bàn tỉnh Quảng Ninh, trong 03 ngày 23 - 25/9/2024, Đội QLTT số 5, Cục QLTT tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Công an thành phố Hạ Long kiểm tra, xử lý 04 vụ sử dụng mạng xã hội kinh doanh sản phẩm thuốc lá điện tử, phạt tiền 27 triệu đồng, buộc tiêu hủy gần 700 sản phẩm là máy hút thuốc lá điện tử và tinh dầu để hút thuốc lá điện tử.
Cụ thể, qua nắm tình hình kinh doanh trên các nền tảng mạng xã hội, phát hiện tài khoản Facebook cá nhân mang tên “Bùi Huyền” đăng bài giới thiệu bán máy hút thuốc lá điện tử. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, chiều ngày 23/9/2024, tại Sảnh tầng 1, Chung cư Ramada thuộc tổ 9, khu 4, phường Trần Hưng Đạo, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Đội QLTT số 5 phối hợp với Công an thành phố Hạ Long tiến hành khám đồ vật theo thủ tục hành chính gồm 02 kiện hàng, phát hiện tổng số 187 chiếc máy hút thuốc lá điện tử. Đối tượng B.T.H (sinh năm 1993 tại Bắc Giang) khai nhận mua trôi nổi thông qua một chủ tài khoản trong hội nhóm bán thuốc lá điện tử trên mạng xã hội về kinh doanh kiếm lời.
Tiếp tục rà soát các đối tượng kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, trong 02 ngày 24, 25/9/2024, Đội QLTT số 5 phối hợp với Công an thành phố Hạ Long kiểm tra, xử lý 03 vụ vi phạm trong kinh doanh thuốc lá điện tử, thu giữ: 205 chiếc máy hút thuốc lá điện tử và 268 lọ tinh dầu dùng để hút thuốc lá điện tử, ước trị giá trên 50.000.000 đồng. Đội QLTT số 5 hoàn thiện hồ sơ xử phạt các đối tượng vi phạm với tổng số tiền là 27 triệu đồng và buộc tiêu hủy sản phẩm thuốc lá điện tử theo quy định của pháp luật.
Hiện nay việc kinh doanh mặt hàng thuốc lá điện tử ngày càng có diễn biến phức tạp, các đối tượng chủ yếu sử dụng mạng xã hội như: Facebook, zalo, tiktok… và không có địa chỉ kinh doanh cụ thể nên các cơ quan chức năng rất khó khăn trong việc kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm. Thời gian tới, Cục QLTT tỉnh Quảng Ninh tiếp tục chỉ đạo các đội QLTT tăng cường công tác phối hợp, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm mặt hàng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 47/CĐ-TTg ngày 13/5/2024 về tăng cường quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và Văn bản số 1162/TCQLTT-CNV ngày 15/5/2024 của Tổng cục Quản lý thị trường.
Tại tỉnh Vĩnh Phúc, triển khai Kế hoạch tăng cường giám sát, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử, Tổ công tác về Thương mại điện tử Cục QLTT tỉnh Vĩnh Phúc đã giao cho Đội QLTT số 5 phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng kinh tế, buôn lậu, môi trường Công an tỉnh Vĩnh Phúc, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao tiến hành thẩm tra, xác minh theo dõi hoạt động bán hàng trên mạng xã hội Facebook, Zalo, Tiktok… của một số tài khoản trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, trong đó có tài khoản Facebook cá nhân tên “Định…. Thời điểm thẩm tra, xác minh, xác định tài khoản “Định…” đang thực hiện đăng bài bán hàng là sản phẩm kính điện thoại và màn hình điện thoại di động các loại do nước ngoài sản xuất, thông tin về sản phẩm đăng bài cho thấy hàng hóa có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam.
Sau khi thông tin đã được thẩm tra, xác minh, ngày 26/9/2024, Đội QLTT số 5, Cục QLTT tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng kinh tế, buôn lậu, môi trường Công an tỉnh Vĩnh Phúc tiến hành kiểm tra đối với Hộ kinh doanh Phạm Văn Định, địa chỉ thôn Xuân Húc, xã Vân Xuân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.
Tại thời điểm kiểm tra, Hộ kinh doanh Phạm Văn Định đang kinh doanh, bày bán hàng hoá tại Cửa hàng Định Oanh và thực hiện đăng bài bán hàng sản phẩm màn hình điện thoại di động trên trang Facebook của ông Phạm Văn Định (Facebook Định …). Hàng hóa đang kinh doanh và lưu kho gồm 6.000 chiếc ốp điện thoại di động nhãn hiệu HOCO; 1.810 chiếc màn hình điện thoại; 3.750 chiếc kính điện thoại di động MADE IN CHINA. Tổng trị giá hàng hóa gần 150 triệu đồng. Toàn bộ số hàng hóa trên do nước ngoài sản xuất (trên sản phẩm in dòng chữ Made in China), có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam. Chủ hộ kinh doanh không xuất trình được hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.
Tại tỉnh Đồng Tháp, trong 9 tháng năm 2024, Cục QLTT tỉnh Đồng Tháp đã kiểm tra phát hiện 49 vụ vi phạm kinh doanh thông qua trang mạng xã hội (Zalo, Facebook, TikTok, website thương mại điện tử của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn Tỉnh, với các hành vi vi phạm hành chính như không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng đến người tiêu dùng; không công bố hoặc công bố không đầy đủ, không chính xác trên website thương mại điện tử bán hàng hoặc ứng dụng bán hàng thông tin về chủ sở hữu website hoặc ứng dụng bán hàng; thông tin hàng hóa, dịch vụ; thông tin về số giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đối với hàng hóa, dịch vụ phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật; sử dụng biểu tượng đã thông báo để gắn lên website thương mại điện tử bán hàng hoặc ứng dụng bán hàng khi chưa được duyệt hoặc xác nhận thông báo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định; không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định; buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; kinh doanh hàng hóa nhập lậu...
Thời gian qua, việc kiểm tra, kiểm soát hàng hóa trên các nền tảng TMĐT được lực lượng QLTT cả nước tăng cường triển khai, thực hiện nhằm thực hiện có hiệu quả Đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trên thương mại điện tử đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Đề án 319). Trong thời gian qua, nhiều vụ việc nổi bật kinh doanh hàng hóa vi phạm trên các nền tảng TMĐT như tiktok, facebook đã được lực lượng QLTT kiểm tra, xử lý, trong đó có cả việc kiểm tra xử lý đối với những hot girl bán hàng nổi tiếng như Mai Ly..., chứng tỏ sự vào cuộc mạnh mẽ và quyết liệt của lực lượng QLTT, thể hiện quyết tâm không có vùng cấm trong kinh doanh hàng hóa vi phạm; đồng thời góp phần mang lại niềm tin cho người dân và xã hội, kiến tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp trong nước cũng như thu hút sự quan tâm, tin tưởng của các doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư tại thị trường Việt Nam.
Ngày 29/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 319/QĐ-TTg phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025. Đề án nhằm mục tiêu chung là hoàn thiện chính sách, pháp luật về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng Trong hoạt động thương mại điện tử. |
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.