Hoàn thành việc tắt sóng di động 2G vào tháng 9-2024: Tăng cường truyền thông để người dân nắm được chủ trương
Với tốc độ phát triển nhanh chóng của khoa học-công nghệ, mạng di động 2G đã tỏ ra lạc hậu, chậm chạp, bộc lộ nhiều hạn chế và không đáp ứng được các nhu cầu về dịch vụ viễn thông.
Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã có lộ trình cụ thể cho việc dừng sóng 2G vào tháng 9-2024. Vậy người dân và doanh nghiệp cần phải chuẩn bị gì khi thời gian chuyển giao công nghệ đã cận kề?
Dừng sóng 2G là tất yếu
Mạng di động 2G là công nghệ truyền sóng được phát triển ở nước ta từ năm 1993. Sau 31 năm phát triển với chức năng nghe, gọi, nhắn tin thuần túy, mạng 2G đã không còn phù hợp với xu thế phát triển công nghệ thông minh của xã hội và tỏ ra "hụt hơi" trước các thế hệ mới là mạng 4G, 5G. Đến tháng 5-2024, số lượng thuê bao chỉ sử dụng 2G đã giảm đáng kể và chỉ còn hơn 11 triệu thuê bao, chiếm tỷ lệ khoảng 9% tổng số thuê bao di động trên toàn quốc.
Hiện nay, quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ ở nước ta tại các cấp, các ngành, địa phương, hoạt động thương mại điện tử, kinh tế số đang phát triển không ngừng, đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế quốc gia. Vì vậy, tập trung nguồn lực để phát triển các nền tảng công nghệ hiện đại đang có và nghiên cứu các công nghệ mới như 4G, 5G là điều cần thiết. Theo ông Nguyễn Phong Nhã, Phó cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ TT-TT, việc dừng công nghệ 2G, trong tương lai là 3G, sẽ giúp giảm chi phí vận hành của doanh nghiệp, từ đó, hạ tầng viễn thông, nguồn nhân lực sẽ được tập trung để nâng cao chất lượng vùng phủ mạng 4G hiện nay và tập trung đầu tư phát triển công nghệ 5G.
Nhân viên đại lý MobiFone tại Hà Nội hướng dẫn dịch vụ cho người dân. Ảnh: HOÀNG CHUNG |
Bên cạnh đó, người dân khi chuyển đổi từ sử dụng thiết bị di động 2G sang các thiết bị hiện đại hơn sẽ có cơ hội tiếp cận nhiều dịch vụ mới, trong đó có dịch vụ hành chính công trực tuyến. Đặc biệt, phổ cập công nghệ 4G sẽ giúp việc truyền tải các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước tới tất cả người dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng “lõm” thông tin trở nên hiệu quả hơn.
Sau nhiều cuộc làm việc, trao đổi ý kiến với các doanh nghiệp viễn thông, Bộ TT-TT nhận định, công nghệ 2G hiện nay đã lạc hậu, hầu hết thiết bị mạng 2G của các doanh nghiệp di động đã hết khấu hao, đa phần là các thiết bị lỗi thời. Bên cạnh đó, các thiết bị này tiêu hao năng lượng lớn nhưng hiệu suất sử dụng không cao, một số thiết bị không còn nguồn cung ứng để thay thế, sửa chữa. Do vậy, Bộ TT-TT cùng các doanh nghiệp đều đồng thuận chủ trương dừng công nghệ 2G. Theo đó, tới ngày 16-9-2024, các thiết bị di động, sim điện thoại chỉ hỗ trợ công nghệ 2G sẽ không được các nhà mạng cung cấp dịch vụ, trừ một số trường hợp đặc biệt theo quy định.
Bảo đảm quyền lợi của người dân
Đồng ý với chủ trương ngừng sóng 2G để chuyển đổi sang các thế hệ sóng có chất lượng cao hơn nhưng phải chú trọng bảo đảm những quyền lợi thiết yếu của người dân, ông Đoàn Quang Hoan, Phó chủ tịch Hội Vô tuyến-Điện tử Việt Nam chia sẻ, để chuyển đổi từ 2G sang các công nghệ hiện đại hơn, người dân cần có điện thoại thông minh và kỹ năng sử dụng cũng như dịch vụ đi kèm.
Trong khi đó, đa số những người sử dụng 2G sinh sống ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, kinh tế còn eo hẹp, kiến thức và kỹ năng sử dụng thiết bị công nghệ còn hạn chế. Vì vậy, quá trình chuyển đổi phải được thực hiện theo hướng đơn giản hóa quy trình, các sản phẩm công nghệ thay thế tuy hiện đại hơn nhưng phải bảo đảm dễ sử dụng, dễ thao tác để bà con không bị bỡ ngỡ. Bên cạnh đó, cần có phương án hỗ trợ kinh phí để người dân chuyển đổi từ các thiết bị 2G thuần túy sang thiết bị có công nghệ cao hơn.
Là nhà mạng có số lượng thuê bao lớn nhất cả nước, theo ông Nguyễn Trọng Tính, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Viễn thông Viettel (Viettel Telecom), Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội, nhiệm vụ từ nay đến ngày 16-9 là rất nặng nề nhưng cần thiết phải làm vì lợi ích của người dân, doanh nghiệp, phù hợp với mục tiêu của Viettel là dừng công nghệ cũ để phát triển công nghệ mới.
Ông Nguyễn Trọng Tính chia sẻ, trong 6 tháng đầu năm 2024, Viettel đã thực hiện chuyển đổi hơn 2 triệu thuê bao 2G và đã áp dụng chặn các thiết bị 2G không hợp chuẩn theo quy định của cơ quan chức năng. Viettel cũng đưa ra những chính sách hỗ trợ khách hàng trong chuyển đổi thiết bị như giảm giá một số mặt hàng từ 30% đến 50%. Bên cạnh đó, Viettel cũng tổ chức truyền thông đến khách hàng thông qua các sự kiện, hoạt động; tổ chức bán hàng lưu động đến cấp xã; phối hợp, hỗ trợ kinh phí các đại lý để triển khai chuyển đổi thiết bị cho người dân. Tuy nhiên, ông Nguyễn Trọng Tính cũng lưu ý, do nhu cầu sử dụng các thiết bị di động thông minh sẽ tăng mạnh, vì vậy, thời gian tới, các cơ sở sản xuất thiết bị di động cần đẩy mạnh năng suất hoạt động mới có thể bảo đảm đủ số lượng vật chất phục vụ người dân cũng như quá trình chuyển đổi.
Khách hàng trải nghiệm các dịch vụ tại đại lý MobiFone. Ảnh do MobiFone cung cấp |
Hiện nay, đa phần người sử dụng thiết bị di động chỉ hỗ trợ 2G còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, vì vậy, cần có những biện pháp cụ thể để hỗ trợ người dân trước thời hạn ngừng sóng 2G. Bộ TT-TT đề nghị các doanh nghiệp viễn thông xây dựng phương án hỗ trợ khách hàng chuyển đổi sang sử dụng máy điện thoại công nghệ cao hơn, đưa ra các gói cước phù hợp. Bộ cũng đã làm việc với sở TT-TT, UBND một số tỉnh, thành phố trong việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực hợp pháp trên địa bàn để hỗ trợ người dân trong chuyển đổi thiết bị. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp viễn thông cần chú trọng bảo đảm vùng phủ sóng 4G thay thế phải rộng hơn, sâu hơn để mọi hoạt động của người dân không bị gián đoạn.
Nhận định hoạt động tuyên truyền là yếu tố quyết định cho thành công của lộ trình dừng sóng 2G, ông Nguyễn Phong Nhã đề nghị, cán bộ các địa phương, doanh nghiệp tăng cường công tác truyền thông, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, để người dân nắm được các chủ trương, từ đó sớm thực hiện việc chuyển đổi từ các thiết bị 2G thuần túy sang thiết bị có công nghệ cao hơn, tránh việc để dồn đến sát thời hạn mới thực hiện sẽ gây ra những khó khăn, vướng mắc nhất định.
HOÀNG CHUNG
Tin mới
Trung tướng Nguyễn Văn Đức chúc mừng Trường Sĩ quan Chính trị nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam
Ngày 18-11, thừa ủy quyền của lãnh đạo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Trung tướng Nguyễn Văn Đức, Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đến thăm, chúc mừng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục của Trường Sĩ quan Chính trị nhân dịp kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982 / 20-11-2024).
Đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Phạm Văn Vọng
Ngày 18-11, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ thứ 51. Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú chủ trì kỳ họp.
Bổ nhiệm lại đồng chí Đỗ Xuân Tuyên giữ chức Thứ trưởng Bộ Y tế
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 1418/QĐ-TTg bổ nhiệm lại đồng chí Đỗ Xuân Tuyên giữ chức Thứ trưởng Bộ Y tế.
Hoa hậu Quốc tế 2024 Huỳnh Thị Thanh Thủy về Việt Nam, chuẩn bị chuỗi hoạt động ý nghĩa
Ngày 18-11, Hoa hậu Quốc tế 2024 Huỳnh Thị Thanh Thủy trở về Việt Nam tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sau gần một tuần đăng quang.
Hà Nội sẽ tổ chức khoảng 100 gian hàng phục vụ người lao động dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ
Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội dự kiến trong hai ngày 11 và 12-1-2025 sẽ tổ chức Chương trình “Chợ Tết Công đoàn” tại nhà triển lãm Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô.
Công điện ứng phó với bão số 9
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có công điện gửi tới: UBND các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận; các bộ: Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Ngoại giao; Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam. Theo bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, tối 17-11, bão Man-yi đã đi vào vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông, trở thành cơn bão số 9 trong năm 2024.