Học sinh chế tạo pháo nổ: Một phút tò mò, cả đời trả giá
Thời gian qua, cơ quan công an của tỉnh Đắk Lắk phát hiện, ngăn chặn nhiều nhóm thiếu niên đang tuổi đến trường chế tạo pháo nổ. Sự tò mò này có thể xuất phát từ tính cách hiếu động, ưa khám phá của tuổi học trò nhưng hậu quả vô cùng lớn. Không ít trường hợp đã phải trả giá bằng mạng sống, hoặc thương tật suốt đời.
Công an thu giữ số pháo do nhóm học sinh ở xã Ea Uy (huyện Krông Pắc) chế tạo. |
Mới đây nhất, ngày 26-12, Công an xã Ea Uy (huyện Krông Pắc) kịp thời phát hiện, xử lý 6 học sinh mua hóa chất về tự chế pháo nổ, bán kiếm lời vào dịp Tết Nguyên đán. Những em này đang là học sinh từ lớp 5 đến lớp 7 của các trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn xã Ea Uy.
Theo cơ quan công an, các em lên mạng xem các video hướng dẫn cách chế tạo pháo nổ. Sau đó, cả nhóm góp tiền đặt mua hóa chất trên các sàn thương mại điện tử. Dựa theo video hướng dẫn, nhóm học sinh cùng nhau chế tạo pháo nổ, chia nhỏ bán lại cho các bạn cùng trường với giá từ 5.000 đồng đến 30.000 đồng (tùy loại to, nhỏ). Rất may, Công an xã Ea Uy đã phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Kiểm tra nơi ở của các em, công an thu giữ 3,5kg hóa chất và 56 viên pháo tự chế cao từ 5-20cm.
Trước đó, ngày 20-12, Công an huyện Krông Ana cũng phát hiện em N.H.G. (14 tuổi, trú xã Ea Na, huyện Krông Ana), đặt mua các tiền chất chế tạo pháo nổ trên mạng xã hội. Công an thu giữ hơn 1kg tiền chất chế tạo pháo và một số dụng cụ sản xuất pháo. Tại cơ quan công an, em G. khai nhận đã đặt mua các tiền chất trên mạng xã hội về trộn với nhau, chế tạo thành pháo. Sau đó, thiếu niên này phân nhỏ thuốc pháo, bỏ vào từng bao lì xì bán cho 8 học sinh khác với giá 50.000 đồng/gói.
Nhóm học sinh ở huyện Ea Súp cùng tang vật là pháo và nguyên liệu sản xuất. |
Từ nguồn tin của Công an huyện Ea Hleo về việc một nhóm người đang thực hiện gom nguyên vật liệu liên quan đến vật liệu nổ, lực lượng Công an huyện Ea Súp đã xác định có 13 học sinh tại một trường trung học cơ sở ở xã Ea Lê liên quan đến việc chế tạo, sản xuất trái phép pháo nổ này. Sau nhiều giờ tiếp cận, vận động, chiều 18-12, nhóm học sinh cùng phụ huynh đến cơ quan công an giao nộp hàng trăm quả pháo nổ vừa được chế tạo và nhiều nguyên liệu dùng chế tạo pháo… Nhóm học sinh cho biết đã tìm hiểu cách chế tạo pháo nổ trên mạng xã hội, sau đó đặt mua nguyên vật liệu trên sàn thương mại điện tử để sản xuất đốt trong dịp Tết.
Trung tá Kiều Mạnh Hùng, Trưởng Công an huyện Krông Pắc cho biết, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk từng xảy ra nhiều vụ tai nạn thương vong do chế tạo, tàng trữ, sử dụng pháo nổ trái phép. Do đó, mỗi gia đình và nhà trường cần có biện pháp quản lý, giáo dục con em của mình, tránh xảy ra sự việc đau lòng.
Theo ghi nhận trong năm 2023, tại Đắk Lắk đã có 3 học sinh thiệt mạng và nhiều em bị thương nặng liên quan đến chế tạo pháo nổ. Vụ mới nhất xảy ra vào ngày 14-12. Một nam sinh 12 tuổi ở xã Cư Êbur (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) được đưa vào Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên trong tình trạng đa chấn thương, mạch nhanh, huyết áp tụt, mất nhiều máu, dập nát bàn tay phải, trái, có nhiều vết thương vùng mặt và 2 mắt, vết thương cẳng chân phải, vết thương 2 bàn chân phải và trái. Ngay lập tức, các bác sĩ Khoa Chấn thương - Chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã tiến hành ca phẫu thuật kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ. Do vết thương nặng, các bác sĩ phải tháo bỏ toàn bộ bàn tay trái, tháo bỏ 4 ngón bàn tay phải, các vết thương ở chân và cẳng chân đã được cắt lọc để hở...
Nam sinh 12 tuổi ở xã Cư Êbur (TP Buôn Ma Thuột) bị dập nát bàn tay vì pháo. |
Bác sĩ Nguyễn Minh Trực, Trưởng Khoa Chấn thương - Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, pháo chứa chất nổ có sức tàn phá mạnh, nặng có thể dẫn đến tử vong, nếu giữ được tính mạng thì cũng để lại di chứng nặng nề. Nhiều trường hợp vết thương không thể tái tạo, dẫn đến tàn phế. Thông thường vào các tháng cuối năm và khi Tết đến, bệnh viện này tiếp nhận nhiều trường hợp chấn thương do pháo nổ…
Bài, ảnh: PHƯƠNG KHÁNH
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.