Lãnh đạo Cục trực tiếp nắm tình hình địa bàn, trực tiếp chỉ đạo kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng thực phẩm dịp Tết Trung thu; chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường trực thuộc tiếp tục kiểm tra theo Kế hoạch định kỳ năm 2023, chú trọng nhóm hàng hóa, dịch vụ liên quan thực phẩm, thực hiện rà soát địa bàn, tăng cường kiểm tra đột xuất các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn được phân công. Kết quả đạt được:
Trong dịp Tết Trung thu năm 2023 Cục Quản lý thị trường đã tăng cường công tác tuyên truyền; đẩy mạnh triển khai các biện pháp nghiệp vụ để kiểm tra, xử lý vi phạm, qua đó các tổ chức, cá nhân đã có chuyển biến tích cực trong chấp hành pháp luật nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng, các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh hợp pháp. Công tác tuyên truyền của lực lượng Quản lý thị trường về các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm, truyền thông định hướng dư luận tích cực về tình hình thị trường và công tác quản lý thị trường thực phẩm, đồ chơi trẻ em đã có tác động tích cực đến nhận thức của người sản xuất, kinh doanh và nhận thức của người tiêu dùng; Ý thức lựa chọn hàng hóa của người tiêu dùng tiếp tục có những chuyển biến tích cực, chú trọng mặt hàng sản xuất trong nội địa, hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Đợt kiểm tra hàng hóa phục vụ Tết Trung Thu năm 2023, các Đội Quản lý thị trường trực thuộc đã kiểm tra: 212 vụ việc liên quan đến hàng hóa thực phẩm, đồ chơi trẻ em (bằng 135,03% so với dịp Trung Thu năm 2022), xử lý vi phạm: 107 vụ (bằng 152,85% so với dịp Trung Thu năm 2022); Số tiền phạt VPHC: 292,650,000 đồng (bằng 182,27% so với dịp Trung Thu năm 2022). Trị giá hàng hoá tiêu huỷ: 83.178.000 đồng. Một số mặt hàng vi phạm chủ yếu đã tịch thu tiêu hủy hoặc buộc tiêu hủy do không đảm bảo an toàn thực phẩm, không đảm bảo điều kiện lưu thông trên thị trường, gồm: 298 súng đồ chơi trẻ em bằng nhựa dùng pin đồ, 425 chiếc kiếm nhựa đồ chơi; 20 hộp Bánh trung thu loại 400 gam/hộp (50g x 8 cái); 50 cái Bánh trung thu loại 50 gam/cái; 56 bộ đồ chơi lắp ghép nhập lậu và 1309 đơn vị sản phẩm thực phẩm các loại nhập lậu,…
Một số hành vi vi phạm chủ yếu của các cơ sở sản xuất, kinh doanh: Kinh doanh thực phẩm nhập lậu; sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn mà không đội mũ, đeo khẩu trang; không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp thực phẩm chín, dụng cụ gom chất thải rắn không có nắp đậy, kinh doanh hàng hóa đồ chơi trẻ em nhập lậu, kinh doanh hàng hóa thực phẩm quá hạn sử dụng, không niêm yết giá hàng hóa tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định; niêm yết giá không rõ ràng, gây nhầm lẫn cho khách hàng.
Xác định công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường thực phẩm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cần được chỉ đạo và tổ chức thực hiện thường xuyên. Vì vậy, Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo các Đội QLTT trực thuộc tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ sau:
- Thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo LNVSATTP của tỉnh về công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường chống các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đồ chơi, tổ chức thực hiện các Kế hoạch của Cục đã được phê duyệt.
- Phối hợp cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, biện pháp có hiệu quả lan tỏa sâu, rộng nhằm nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân kinh doanh, nâng cao kỹ năng lựa chọn thực phẩm của người tiêu dùng.
- Tăng cường quản lý địa bàn, rà soát, nhận diện đối tượng để xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ hàng năm, kế hoạch kiểm tra chuyên đề và áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính, trong đó chú trọng phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tổ chức hậu kiểm về tự công bố sản phẩm, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, ghi nhãn thực phẩm, quảng cáo thực phẩm, sử dụng phụ gia thực phẩm, truy xuất nguồn gốc thực phẩm và lấy mẫu kiểm nghiệm đối với các sản phẩm/nhóm sản phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của ngành Công Thương theo quy định; Kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh, vận chuyển thực phẩm, đồ chơi nhập lậu, không để hình thành đường dây, tụ điểm về hàng lậu, hàng giả tồn tại trên địa bàn.