Thời gian gần đây, vấn đề sản xuất, buôn bán sách giáo khoa giả, in lậu, không có nguồn gốc hợp pháp ngày càng trở nên nghiêm trọng và đáng lo ngại. Sách giáo khoa là phương tiện không thể thiếu trong quá trình giảng dạy và học tập. Nhưng tình trạng sản xuất, buôn bán sách giáo khoa giả, in lậu đã và đang gây ra nhiều hệ quả nghiêm trọng đối với chất lượng giáo dục và sự phát triển của ngành xuất bản trên địa bàn tỉnh. Do đó, hoạt động kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động buôn bán sách giáo khoa giả trên địa bàn tỉnh là hết sức cần thiết và để ngăn chặn vấn nạn sách giáo khoa giả đó chính là sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng.
Thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) về tăng cường công tác quản lý, giám sát địa bàn kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh sách giáo khoa giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa. Vào ngày 16/7/2024, Cục QLTT tỉnh Hậu Giang chỉ đạo các Đội QLTT phối hợp với Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh tiến hành kiểm tra địa điểm tập kết, lưu trữ, kinh doanh sách giáo khoa không số nhà, không treo gắn bảng hiệu, nằm ẩn sâu trong khu dân cư hoang vắng, ít người qua lại tại đường số 1, khu dân cư Tây Đô EcoPark, xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, phát hiện gần 80.000 quyển sách giáo khoa các loại từ lớp 1 đến lớp 12 có dấu hiệu giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, tổng trị giá hàng hóa được tính theo giá ghi trên sách giáo khoa là 1.375.413.000 đồng. Vụ việc đang được tiếp tục xem xét, xử lý theo quy định.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên 79.000 quyển sách giáo khoa nghi giả mạo
Trước đó, ngày 27/6/2024, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Hậu Giang phối hợp với Phòng Cảnh sát Kinh tế đã tiến hành kiểm tra tại 04 Nhà sách (02 Nhà sách trên địa bàn thị xã Long Mỹ, 02 Nhà sách trên địa bàn thành phố Ngã Bảy) phát hiện 3.319 quyển sách giáo khoa (lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 4, lớp 6, lớp 7, lớp 8, lớp 10, lớp 11) đang trưng bày bán và lưu trữ sách giáo khoa có nhãn, bao bì hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nguồn gốc, xuất xứ của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam; tổng số tiền phạt vi phạm hành chính là 104.000.000 đồng; tổng giá trị hàng hóa vi phạm theo giá bán niêm yết là 77.991.000 đồng.
Ghi nhận, biểu dương những thành tích đạt được của tập thể Cục QLTT tỉnh Hậu Giang và sự phối hợp chặt chẽ của Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh trong công tác kiểm tra, kiểm soát về sách giáo khoa giả trên. Chiều ngày 12/8/2024, thừa ủy quyền của Tổng Giám đốc Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Chí Bính – Trưởng Ban thường trực triển khai chống in lậu, Phó Tổng Giám đốc Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam và ông Nguyễn Thái An - Giám đốc Nhà Xuất bản Giáo dục tại thành phố Cần Thơ, cùng các đồng chí lãnh đạo các Ban trực thuộc trực tiếp đến Cục QLTT tỉnh Hậu Giang gặp gỡ và trao giấy khen thưởng đột xuất cho tập thể Cục QLTT.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Chí Bính - Phó Tổng Giám đốc Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam xin chân thành cảm ơn đến Lãnh đạo Cục, lãnh đạo các Phòng, Đội QLTT, lãnh đạo Phòng Cảnh sát kinh tế đã kịp thời phối hợp, hỗ trợ trong công tác chống in và phát hành sách giáo khoa giả trong thời gian qua; đồng thời, mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự đồng hành của 02 đơn vị cùng với Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam trong công tác phòng, chống buôn bán sách giáo khoa giả trên địa bàn tỉnh Hậu Giang nói riêng cũng như cả nước nói chung càng ngày tốt hơn nữa để bảo vệ quyền lợi cho người dân, các vị phụ huynh và các em học sinh khi lựa chọn mua sách giáo khoa.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Bé Tư, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Hậu Giang cám ơn Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đã quan tâm khen thưởng, nhằm khích lệ tinh thần cho tập thể đơn vị, tạo động lực tiếp tục đồng hành cùng với Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam và Nhà Xuất bản Giáo dục tại thành phố Cần Thơ. Trong thời gian tới, Cục QLTT tỉnh Hậu Giang tiếp tục tăng cường công tác quản lý địa bàn, phân công công chức thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, tổ chức thực hiện giám sát chặt chẽ các đối tượng kinh doanh có dấu hiệu vi phạm trên địa bàn tỉnh, nhằm bảo vệ quyền lợi cho người dân, nhất là các em học sinh những mầm non tương lai của đất nước có một môi trường giáo dục tốt nhất, phát triển hoàn thiện nhất và quyền lợi của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh chân chính.
Đại diện Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam khen thưởng các cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc phối hợp, hỗ trợ trong công tác chống in và phát hành sách giáo khoa giả trong thời gian qua
Đây cũng là một động thái hết sức tích cực của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đối với công tác phòng, chống buôn bán sách giáo khoa giả. Chuẩn bị bước vào năm học mới 2024-2025, khuyến cáo phụ huynh, học sinh mua sách giáo khoa nên lựa chọn địa điểm kinh doanh uy tín trên địa bàn tỉnh, cần tìm hiểu kỹ các dấu hiệu nhận biết, tránh trường hợp mua nhằm sách giả; dấu hiệu nhận biết cơ bản là mặt sau của quyển sách có tem chống giả và mặt trước có chữ “Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam”.