Không ngừng nâng cao chất lượng điều trị bệnh nhân ung thư tại các tỉnh phía Nam
Ung thư vốn được biết đến là căn bệnh vô cùng nguy hiểm. Tuy không gây truyền nhiễm, nhưng ung thư lại có tỉ lệ tử vong cao, phổ biến trong các bệnh lý thường gặp và là “đối thủ nặng ký" của ngành y. Trong cuộc chiến chống lại bệnh ung thư, TP Hồ Chí Minh đã và đang "gặt hái" được nhiều tiến bộ để nâng cao chất lượng điều trị và chăm sóc bệnh nhân.
Liên tục cảnh tỉnh, không chủ quan với ung thư
Tại “Hội nghị chuyên đề về liệu pháp kháng EGFR - liệu pháp nhắm trúng đích đầu tiên trong điều trị ung thư đại trực tràng di căn” hồi tháng 10 vừa qua do Merck Healthcare Việt Nam tổ chức, đã đưa ra ước tính của Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN), mỗi năm nước ta có đến hơn 180.000 ca mắc ung thư mới và gây ra khoảng hơn 120.000 ca tử vong.
Theo thống kê, tỉ lệ mắc mới ung thư ở nước ta nằm trong nhóm trung bình trên thế giới, nhưng tỉ lệ tử vong lại thuộc nhóm cao trong khu vực Đông Nam Á. Nguyên nhân chủ yếu do bệnh nhân thường chủ quan, chậm trễ việc khám, chữa bệnh… dẫn đến phát hiện bệnh quá muộn. Tại Việt Nam, có đến 50-80% người bệnh phát hiện mắc ung thư khi đã ở giai đoạn 3 và 4.
Chăm sóc bệnh nhân mắc bệnh lý ung thư tại Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp |
TS, BS Diệp Bảo Tuấn, Phó giám đốc điều hành Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh nhận định, bệnh lý ung thư đã và đang là gánh nặng cho gia đình, xã hội trên thế giới nói chung, cũng như tại Việt Nam nói riêng. Dù những tiến bộ của ngành y trong công cuộc đấu tranh “giành lại cuộc sống” của bệnh nhân mắc ung thư cho đến nay đã có nhiều tiến bộ, việc tầm soát bệnh sớm được làm rất tốt, giúp phát hiện ra nhiều ca bệnh, song tỉ lệ mắc bệnh và tử vong do ung thư vẫn đang tiếp diễn với chiều hướng gia tăng.
Chỉ nhìn lại một năm gần đây tại TP Hồ Chí Minh (năm 2023) các y, bác sĩ ở Bệnh viện Ung bướu TP đã phải đối mặt với số lượt bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh lý về ung bướu gia tăng qua từng ngày. Có tới gần 800.000 lượt bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện, thực hiện gần 37.000 ca phẫu thuật, hơn 180.000 lượt xạ trị, gần 300.000 lượt điều trị nội khoa bằng hóa trị, liệu pháp nhắm trúng đích và liệu pháp miễn dịch. Đến 9 tháng đầu năm nay, số lượt khám ung thư ở Bệnh viện tiếp tục tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó 82% là người đến từ các tỉnh, thành khác. Con số này cho thấy, số lượng người khám, chữa bệnh ung thư tại các tỉnh, thành phố phía Nam đều tăng lên, chứ không chỉ riêng ở TP Hồ Chí Minh.
Anh Hoàng Anh Khoa (sinh năm 1976, bệnh nhân ung thư trực tràng đang điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Sau khi nhập viện điều trị ung thư, tôi càng thấm thía câu nói “Bệnh từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra”. Những người mắc ung thư phần lớn do tích tụ trong nhiều năm ở thói quen sinh hoạt, ăn uống không lành mạnh, phần nhỏ là do di truyền... Qua đó, tôi mong những ai đang còn khỏe mạnh nên cố gắng tập thói quen ăn, uống lành mạnh, sống lành mạnh. Đồng thời, nhờ các phương pháp điều trị ngày càng tiến bộ, đã giúp thời gian sống của bệnh nhân mắc ung thư ngày càng cao”.
“Đấu sức” với ung thư
Từ thực tế nêu trên, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã ban hành Kế hoạch số 8534/KH-SYT về Tổ chức thực hiện kế hoạch Phòng, chống Ung thư trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đến năm 2025, trong đó tập trung vào các giải pháp trọng tâm như: Tăng cường công tác tầm soát và phát hiện sớm bệnh lý ung thư; đầu tư phát triển các trang thiết bị hiện đại, chuẩn hóa nguồn nhân lực chuyên ngành ung bướu theo các cấp độ kỹ thuật, đẩy mạnh phát triển hệ thống, kỹ thuật chẩn đoán và điều trị chuyên sâu.
Đồng thời, TP Hồ Chí Minh quyết liệt tăng cường hợp tác, phối hợp với các tỉnh, thành tại phía Nam nhằm triển khai công tác khám sàng lọc; nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác chẩn đoán, điều trị các bệnh lý ung thư thường gặp tại mỗi địa phương và đặc biệt là hình thành “Mạng lưới phòng, chống ung thư vùng”. Mạng lưới này có ý nghĩa chăm sóc bệnh nhân từ lúc tầm soát, phát hiện ung thư cho đến giai đoạn cuối, điều trị giảm nhẹ, chăm sóc ở tuyến cuối cho đến cộng đồng, không chỉ khu trú ở TP Hồ Chí Minh mà còn cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, Nam Trung Bộ. Qua đó, nhằm phát huy nguồn lực sẵn có của từng địa phương, bảo đảm tuân thủ các quy định chuyên môn và phân công chỉ đạo tuyến trong lĩnh vực khám, chữa bệnh.
Cùng với việc làm trên, thành phố còn triển khai kế hoạch đưa Trung tâm Ung bướu Xuyên Á chính thức vào hoạt động tại vùng ven TP Hồ Chí Minh (huyện Củ Chi). Đây là một trong số hiếm các trung tâm ung thư trên cả nước có đầy đủ đa mô thức, giúp điều trị các bệnh ung bướu như hóa trị, xạ trị, phẫu trị và y học hạt nhân (dưới sự hỗ trợ từ Bệnh viện Chợ Rẫy). Bên cạnh đó, Trung tâm còn được Bệnh viện Ung bướu TP hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực.
Bác sĩ, TS Phạm Xuân Dũng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh cho biết, để thành lập được trung tâm ung bướu là sự nỗ lực rất lớn, vì ung thư hiện nay dù có nhiều tiến bộ kỹ thuật nhưng vẫn là một bệnh lý rất khó và tốn nhiều công sức điều trị. Mục tiêu chung của sự hợp tác là phục vụ tốt nhất cho người dân và bệnh nhân ung thư.
Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống ung thư, bệnh viện Ung Bướu TP Hồ Chí Minh còn cùng Công ty TNHH Merck Healthcare Việt Nam ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác, xây dựng và triển khai các chương trình hội nghị, hội thảo khoa học, cập nhật thông tin y khoa, đào tạo chuyên môn cho nhân viên y tế chuyên ngành ung bướu và hỗ trợ người bệnh theo quy định...; phối hợp và đồng hành trong các chương trình giáo dục bệnh nhân và nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh.
Với phương châm “Tất cả vì bệnh nhân”, TS, BS Diệp Bảo Tuấn cho biết, đứng trước áp lực liên tục nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và phục vụ người bệnh, Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh rất coi trọng các đối tác trong và ngoài nước trong việc đồng hành cùng bệnh viện để phát triển. Góp phần đưa khoa học kỹ thuật và thuốc điều trị mới đến với bệnh nhân, gia tăng khả năng tiếp cận điều trị chuyên sâu có hiệu quả cao.
Bài và ảnh: THÁI PHƯƠNG
Tin mới
Đưa thị trường trong nước trở thành “tuyến phòng ngự”, “bệ đỡ” vững chắc cho nền kinh tế
Sáng ngày 12/11/2024, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Chương trình Gala 15 năm ngành Công Thương thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động.
Góc nhìn nghị trường: Kiểm soát hiệu quả nợ xấu
Thời gian vừa qua, tình hình nợ xấu có xu hướng tăng cao. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, tính đến cuối tháng 9-2024, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 4,55% (gần bằng mức cuối năm 2023; tăng so với năm 2022).
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực phòng, chống hàng giả
Ngày 12-11, tại TP Hồ Chí Minh, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) và Công ty cổ phần Phát triển khoa học công nghệ Vi Na (Vina CHG) tổ chức hội thảo “Chuyển đổi số trong lĩnh vực phòng, chống hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ”.
Người bị đái tháo đường nên tập thể dục như thế nào?
Chị Mai Phương (phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, Hà Nội) hỏi: Mẹ tôi bị đái tháo đường nên khi tập thể dục thường rất mệt mỏi. Vậy mẹ tôi nên tập thể dục như thế nào cho đúng?
Không tăng lương công chức, lương hưu, trợ cấp trong năm 2025
Sáng 13-11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thông qua Nghị quyết về Dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 với tỷ lệ tán thành cao.
Thụy Điển sẵn sàng tăng cường hợp tác với Việt Nam
Tiếp tục chuyến thăm chính thức Vương quốc Thụy Điển, ngày 12-11, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã có cuộc hội kiến với Chủ tịch Quốc hội Thụy Điển Andreas Norlen tại Stockholm.