Làng Kiêu Kỵ phát huy “nghề quý” trong cuộc sống hiện đại
Năm 2023, Kiêu Kỵ - ngôi làng cổ vùng châu thổ sông Hồng vinh dự được đón nhận Chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia cho nghề quỳ vàng bạc.
Theo sử sách ghi lại: Nghề quỳ vàng, bạc xuất hiện ở Kiêu Kỵ từ thời Hậu Lê và cho tới nay, Kiêu Kỵ là làng duy nhất ở Việt Nam chuyên làm dát vàng, bạc, quỳ. Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, cho đến ngày nay, người làng Kiêu Kỵ vẫn thuộc lòng hai câu thơ đầy tự hào về làng mình:
“Phá giặc uy linh lừng đất Bắc
Dát vàng tinh xảo nức trời Nam”
Có thể nói, nghề quỳ vàng bạc là kết tinh sự sáng tạo của người dân Kiêu Kỵ qua nhiều thế hệ. Mỗi sản phẩm dát vàng quỳ thể hiện tri thức, kỹ năng, độ tinh xảo và dấu ấn riêng của người chế tác bởi mỗi sản phẩm được làm ra không sử dụng bất kỳ máy móc, thiết bị nào, hoàn toàn thủ công. Nhờ vậy, nghề làm vàng, bạc quỳ Kiêu Kỵ vẫn giữ được chất lượng và vị thế độc đáo, duy nhất trên khắp cả nước, nhận được sự đánh giá cao không chỉ của bạn hàng trong nước, mà còn của khách hàng từ các thị trường khó tính như Nhật Bản hay châu Âu…
![]() |
Mỗi sản phẩm dát vàng quỳ thể hiện tri thức, kỹ năng, độ tinh xảo và dấu ấn riêng của người chế tác. |
Nghệ nhân Ưu tú Lê Bá Chung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã quỳ vàng Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, Hà Nội chia sẻ gia đình ông làm nghề này đến ông là đời thứ 3, con ông là đời thứ 4. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự năm 1981, ông về địa phương cũng theo luôn nghề này, đến nay đã khoảng 42 năm. Trong suốt thời gian theo nghề, ông yêu cái nghề của quê hương và cũng khôi phục lại nghề sơn son thếp vàng để cho bà con có công ăn việc làm.
Theo lời kể của ông Chung, ngày xưa, các cụ không truyền nghề cho con gái, chỉ truyền cho con dâu và chỉ gia đình nhà nào biết gia đình nhà đó. Mỗi gia đình lại có bí quyết riêng về kỹ thuật, được họ giữ kín. Tại Kiêu Kỵ, các thế hệ kế cận muốn được truyền nghề đều phải làm lễ khấn Tổ nghề và lập lời thề "không ai được truyền ra ngoài". Đó chính là nét độc đáo giúp làng nghề Kiêu Kỵ bảo tồn, duy trì được tinh hoa nghề quỳ vàng có một không hai tại Việt Nam cho đến ngày nay.
![]() |
Tổ nghề quỳ làng Kiêu Kỵ là cụ Nguyễn Quý Trị, được thờ tại Nhà thờ Tổ nghề của làng. |
Trước đây, làm quỳ trải qua khoảng 40 công đoạn, đến nay có cải tiến, bán công nghệ, cải tiến cả về chất giấy lẫn về công tác đập diệp hay đập giấy, dùng thêm bán công nghệ có máy móc hỗ trợ một chút thì chỉ còn khoảng 20 công đoạn. Tuy nhiên, khâu cuối cùng là đánh quỳ vẫn phải đánh thủ công bằng búa thì chất lượng mới đảm bảo. Ông Chung cho biết thêm: “Vàng chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác chứ vẫn là vàng, tối thiểu phải 999 trở lên thì mới dát mỏng được. Dát vàng trên giấy lướt mực bằng công nghệ, vẫn còn mực Nho thì mới đẹp được”.
Nếu như ngày xưa các cụ dát vàng chủ yếu trên các bộ hoành phi, câu đối, bàn thờ, thì ngày nay, thế hệ sau của làng Kiêu Kỵ đã mở rộng phạm vi sang lĩnh vực nội thất trang trí. Bước đi này đã ghi dấu được những thành công đáng kể cho sự phát triển nghề truyền thống trong cuộc sống hiện đại.
![]() |
Kỹ thuật dát vàng được thực hiện trên các sản phẩm trang trí nội thất. |
Nghệ nhân Hoàng Thị Anh, xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, Hà Nội, cho biết: “Đối với đồ thờ thì thường các nhà chỉ hay sửa sang lại khi gần Tết nên phải tháng 8 trở ra thợ, công nhân, mọi người trong làng mới có việc, còn khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 sẽ trống việc. Thế nên, bản thân chúng tôi là thế hệ trẻ tiếp nối nghề phải nghĩ ra việc để tạo công ăn việc làm cho mọi người trong gia đình và chúng tôi hướng tới các không gian nội thất vì nội thất nhà nào cũng có nên công việc của chúng tôi sẽ nhiều hơn".
![]() |
Mở rộng phạm vi sản phẩm giúp thợ và công nhân trong làng có thêm việc làm. |
Nghệ nhân Nguyễn Thiên Hùng, Chủ tịch Hội Nghề dát vàng bạc quỳ Kiêu Kỵ, xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, Hà Nội chia sẻ: “Hiện tại nghề sản xuất quỳ vàng, quỳ bạc cũng có những khó khăn vì sản phẩm ngoại nhập vào khiến sức cạnh tranh của mình thấp do hiện tại mình vẫn gần như làm hoàn toàn thủ công. Thêm nữa, kích cỡ lá vàng của Kiêu Kỵ truyền thống trước giờ vẫn là lá nhỏ, sản phẩm ngoại nhập thì lá to hơn, giá thành lại rẻ vì tỉ lệ vàng của hàng ngoại nhập thấp hơn. Nỗi lo này là nỗi lo chung của các hộ sản xuất. Khi mức cạnh tranh quá lớn thì có thể nghề truyền thống sẽ bị mai một. Nhưng với quyết tâm, lòng yêu nghề, các hộ vẫn kiên trì bám trụ để sản xuất. Sản xuất và tiêu thụ luôn những sản phẩm của mình làm ra, thực hiện luôn sơn son thếp vàng trên các hoành phi, câu đối, tượng Phật cũng như các đồ trang trí nội thất".
Là người hiện đang đứng đầu một tổ chức hội nghề, nghệ nhân Thiên Hùng luôn phấn đấu phát huy giá trị của nghề, đồng thời, luôn tâm huyết với công tác truyền dạy cho các thế hệ sau. Ông bày tỏ: “Tôi mong muốn các cơ quan, đặc biệt nhất là trung tâm khuyến công, kết hợp với hội nghề để mở ra nhiều lớp mới thu hút các lao động trẻ để các cháu yêu nghề hơn”.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó chủ tịch UBND xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, Hà Nội cho biết: "Điều đặc biệt của nghề quỳ là bất cứ ai ở độ tuổi nào cũng có thể tham gia vào một công đoạn nào đó phù hợp với khả năng của từng người. Hiện nay, các bạn trẻ theo nghề gia đình khá nhiều và thể hiện rõ sự năng động và nhạy bén của tuổi trẻ. Về công tác phát triển nghề quỳ, trong những năm qua chúng tôi đã có một hợp tác xã nghề quỳ, một câu lạc bộ nghề quỳ với hai Nghệ nhân Ưu tú và hơn 20 nghệ nhân của thành phố Hà Nội. Chúng tôi luôn cố gắng để phát triển thêm nghề phụ, phát triển thêm nghề dát vàng, bạc".
![]() |
Nghề làm vàng, bạc quỳ Kiêu Kỵ giữ được chất lượng và vị thế độc đáo, duy nhất trên khắp cả nước. |
Với nét độc đáo riêng, hiếm có, nghề quỳ vàng nơi đây đã được đón nhận Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào tháng 10 năm 2023. Đây là niềm tự hào cũng là động lực để người Kiêu Kỵ nâng cao trách nhiệm trong việc giữ gìn, phát huy nghề truyền thống của quê hương. Xã hội ngày càng tiến lên, các vật phẩm văn hóa, thú chơi của mọi người ngày càng tinh xảo hơn và người dân Kiêu Kỵ tin rằng "nghề quý" của làng sẽ mãi trường tồn và phát triển.
Bài và ảnh: ĐỨC AN
Tin mới
Tổng thống Burundi tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam, chiều 4-4, Tổng thống Burundi Évariste Ndayishimiye và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Burundi đã tới thăm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam (thuộc 2 phường Tây Mỗ và Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội).
Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương gặp Phó chủ tịch thứ nhất Quốc hội Armenia Hakob Arshakyan
Sáng 4-4 (theo giờ địa phương), tại thủ đô Yerevan, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đã có cuộc gặp làm việc với Phó chủ tịch thứ nhất Quốc hội Armenia Hakob Arshakyan.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân thăm Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Yerevan
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Armenia, sáng 4-4 (theo giờ địa phương), tại thủ đô Yerevan, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân Nguyễn Thị Thanh Nga đã thăm Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Yerevan - niềm tự hào không chỉ của Armenia mà còn của cả khu vực.
Chủ tịch nước Lương Cường hội đàm với Tổng thống Burundi Évariste Ndayishimiye
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường và phu nhân, Tổng thống nước Cộng hòa Burundi Évariste Ndayishimiye và phu nhân thực hiện chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 3 đến 6-4. Sáng 4-4, sau lễ đón chính thức được tổ chức trọng thể tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Lương Cường đã hội đàm với Tổng thống Évariste Ndayishimiye.
Nhà Vua và Hoàng hậu Bỉ kết thúc tốt đẹp thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam
Trưa 4-4, Nhà Vua Philippe và Hoàng hậu Mathilde của Vương quốc Bỉ rời Thành phố Hồ Chí Minh, kết thúc tốt đẹp thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 31-3 đến ngày 4-4, theo lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường và Phu nhân.
Đề nghị kỷ luật nguyên Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình
Trong các ngày 31-3 và 3-4, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương họp kỳ thứ 55. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Duy Ngọc chủ trì kỳ họp.