Lãnh đạo Đội QLTT số 2, Cục QLTT tỉnh Kon Tum ngày 16/8 cho biết, Đội vừa giám sát tiêu hủy toàn bộ lô sản phẩm giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng trưng bày để bán trong các cửa hàng trên địa bàn 2 huyện Đăk Hà, Đăk Tô.
Lực lượng chức năng giám sát tiêu hủy sản phẩm vi phạm
Trước đó, Đội QLTT số 2 phối hợp với Công an huyện Đăk Hà - Phòng kinh tế và hạ tầng huyện Đăk Hà- Phòng kinh tế và hạ tầng huyện Đăk Tô kiểm tra đột xuất một số cửa hàng kinh doanh trên địa bàn hai huyện Đăk Hà và Đăk Tô.
Quá trình kiểm tra, Đoàn đã phát hiện 8 vụ vi phạm kinh doanh trưng bày để bán trê 300 sản phẩm hàng hóa giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng. Trong đó, có nhiều nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam như Chanel, Honda, Yamaha, Louis-Vuitton.
Bên cạnh đó, Đoàn kiểm tra đã tịch thu 56 sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, trong đó có 35 nhẫn, bông tai, dây chuyền bằng vàng trang sức; 21 sản phẩm dây chuyền bằng bạc trang sức, với tổng giá trị hàng hóa là trên 30 triệu đồng.
Đội QLTT số 2 đã tiến hành lập biên bản, xử phạt hành chính 05 vụ chuyển 03 hồ sơ vụ việc Cục trưởng QLTT tỉnh Kon Tum ban hành quyết định xử phạt theo thẩm quyền với số tiền thu phạt gần 97 triệu đồng với các cá nhân vi phạm. Đồng thời, lực lượng chức năng đã tiến hành giám sát tiêu hủy 304 sản phẩm giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng.
Được biết, đây là một trong những vụ việc xử lý hành vi trưng bày để bán hàng hóa giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng trên địa bàn tỉnh Kon Tum nói chung và Đội QLTT số 2 nói riêng. Đặc biệt là đối với các nhãn hiệu nổi tiếng có giá trị cao như Louis-Vuitton, Chanel.
Thông qua công tác quản lý địa bàn, kiểm tra, xử lý vi phạm, Đội QLTT số 2 đã triển khai tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân chấp hành đúng các quy định của pháp luật về kinh doanh thương mại, không kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên địa bàn quản lý.
Trong thời gian tới, Đội QLTT số 2 tiếp tục xây dựng phương án, kế hoạch tăng cường hoạt động đấu tranh chống buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu đồng thời nắm chắc tình hình sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn quản lý nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.