Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 miền Bắc bước vào thời kỳ khôi phục và phát triển kinh tế trong điều kiện hết sức khó khăn, trong bối cảnh nền kinh tế tiêu điều, lực lượng sản xuất nhỏ bé và trình độ kỹ thuật lạc hậu, phần lớn xí nghiệp, nhà máy ngừng hoạt động, hàng hóa khan hiếm, đời sống nhân dân cực kỳ khó khăn thiếu thốn. Lợi dụng những khó khăn về sản xuất, những kẽ hở trong phân phối, tiêu thụ hàng hóa, một số phần tử xấu trong xã hội nhân cơ hội này kích động về chính trị, gây rối thị trường thông qua các hành vi vơ vét, đầu cơ tích trữ hàng hóa nâng giá, tạo sự khan hiếm để trục lợi, gây khó khăn cho nền kinh tế quốc dân và làm thiệt hại người tiêu dùng.
Để kịp thời chấn chỉnh và tạo dựng hành lang pháp lý trong hoạt động buôn bán, kinh doanh hàng hóa. Ngày 3 tháng 7 năm 1957 Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 290/TTg thành lập Ban Quản lý thị trường Trung ương và các Ban Quản lý thị trường (QLTT) ở các tỉnh, thành phố, khu tự trị trong cả nước. Đây được coi là dấu mốc quan trọng đầu tiên thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong thực hiện chủ trương nhanh chóng khôi phục nền kinh tế và hàn gắn vết thương chiến tranh.
Sau năm 1975 thống nhất đất nước, toàn quốc ra sức xây dựng kinh tế, lúc này tình trạng đầu cơ buôn lậu, kinh doanh trái phép có dấu hiệu tái diễn và ngày càng phổ biến. Để hiện thực hóa chủ trương tăng cường thương nghiệp XHCN và QLTT, sau khi có Quyết định số 190/CT ngày 16/7/1982 thành lập Ban chỉ đạo QLTT Trung ương trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng để hướng dẫn chỉ đạo các ngành, các cấp tổ chức thực hiện công tác QLTT, Hội đồng Bộ trưởng có Nghị quyết 249/HĐBT ngày 2/10/1985 tổ chức lực lượng chuyên trách kiểm tra, kiểm soát thị trường, thành lập Đội Quản lý thị trường trực thuộc Ban chỉ đạo Quản lý thị trường cấp tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương và cấp huyện, thị xã. Đây tiếp tục là dấu mốc quan trọng ghi dấu việc hệ thống tổ chức QLTT bắt đầu hình thành lực lượng thường trực chuyên trách kiểm tra, kiểm soát thị trường trên khắp các địa bàn trong cả nước.
Thực hiện đường lối đổi mới, cải cách, mở cửa theo Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng (1986), nền kinh tế tuy được cải thiện, song đất nước chưa thoát khỏi khủng hoảng kinh tế với nhiều khó khăn gay gắt. Tuy vậy, trong nước nhiều thành phần kinh tế phát triển, tham gia thị trường, kinh tế đối ngoại được mở rộng quan hệ buôn bán với nhiều nước trên thế giới, mở các cửa khẩu biên giới và cho phép cư dân biên giới buôn bán trao đổi hàng hóa. Nền kinh tế bắt đầu khởi sắc, sản xuất phát triển, lưu thông hàng hóa được mở rộng, đời sống nhân dân được cải thiện. Bên cạnh đó tình trạng buôn lậu qua biên giới, trốn lậu thuế và đặc biệt là buôn lậu đường biển qua các tàu viễn dương diễn biến phức tạp. Trước tình hình đó, tháng 8/1990 Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định thành lập Ban công tác đặc nhiệm chống buôn lậu và quản lý thị trường ở các tỉnh phía Nam và Ban công tác đặc nhiệm chống buôn lậu ở các tỉnh phía Bắc thực hiện nhiệm vụ đặc biệt do yêu cầu công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại đặt ra. Ban Công tác đặc nhiệm chống buôn lậu đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, không thay thế Ban chỉ đạo Quản lý thị trường Trung ương và không làm nhiệm vụ tổ chức thực hiện các chủ trương biện pháp đấu tranh chống buôn lậu của các ngành, các cấp. Các Ban công tác đặc nhiệm này được tổ chức các Đội công tác đặc nhiệm liên ngành hoạt động theo từng thời gian và trên một số địa bàn trọng điểm nhằm kiểm tra, kiểm soát, phát hiện ngăn chặn kịp thời các vụ buôn lậu.
Đến năm 1991, để thống nhất chỉ đạo công tác Quản lý thị trường, chống đầu cơ buôn lậu sản xuất và buôn bán hàng giả và các hành vi kinh doanh trái phép khác, ngày 06/12/1991 Hội đồng Bộ trưởng ra Nghị định số 398/HĐBT hợp nhất 03 (ba) Ban gồm: Ban Chỉ đạo Quản lý thị trường trung ương, Ban công tác đặc nhiệm phía Bắc và Ban công tác đặc nhiệm phía Nam thành Ban Chỉ đạo Quản lý thị trường trung ương với nhiệm vụ giúp Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng thống nhất chỉ đạo công tác Quản lý thị trường, chống đầu cơ buôn lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả và các hành vi kinh doanh trái pháp luật khác. Tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Ban chỉ đạo Quản lý thị trường tỉnh, thành phố dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố.
Trong quá trình đổi mới, nền kinh tế nước ta dần dần ổn định và phát triển, thị trường ngày càng được mở rộng. Công tác Quản lý thị trường, chống đầu cơ, chống buôn lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả và các hành vi kinh doanh trái phép đặt ra những yêu cầu mới. Để tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước của các Bộ, ngành Trung ương và UBND các cấp, ngày 25/4/1994 Chính phủ ban hành Nghị định số 35/CP và giao Bộ Thương mại chịu trách nhiệm thống nhất chỉ đạo công tác Quản lý thị trường trong cả nước, đồng thời chuyển giao bộ máy làm việc, tài liệu, tài sản thuộc Ban Chỉ đạo Quản lý thị trường Trung ương sang Bộ Thương mại.
Sau nhiều lần thành lập, hợp nhất các bộ phận, rồi chuyển giao đơn vị chủ quản…nhiệm vụ của lực lượng QLTT liên tục được mở rộng và ngày càng phức tạp hơn. Thực hiện Nghị định số 10/CP ngày 23/1/1995 của Chính phủ, lực lượng QLTT từng bước được xây dựng theo yêu cầu chính quy, tổ chức thống nhất và hoạt động xuyên suốt từ trung ương đến địa phương. Đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu bước trưởng thành của lực lượng Quản lý thị trường, chuyển Quản lý thị trường từ lực lượng kiêm nhiệm, liên ngành, thành lực lượng chuyên trách chính quy, tổ chức một cách có hệ thống từ Trung ương đến địa phương; có chức năng kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, hảng giả và gian lận thương mại trên thị trường cả nước.
Năm 2000, thi hành Luật Thương mại, Quản lý thị trường được Chính phủ giao thêm chức năng thanh tra chuyên ngành thương mại. Để tăng cường sự phối hợp giữa các Bộ, ngành của Trung ương và địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 127/2001/QĐ/TTg ngày 27/8/2001 về việc thành lập Ban chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại ở Trung ương do Bộ trưởng Bộ Công Thương làm Trưởng Ban, gọi tắt là Ban chỉ đạo 127 Trung ương. Ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Ban chỉ đạo 127 của tỉnh. Quản lý thị trường được giao nhiệm vụ là cơ quan Thường trực giúp việc Ban chỉ đạo 127 của tỉnh.
Trên cơ sở thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, lực lượng Quản lý thị trường ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò trong việc góp phần xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế. Ngày 08 tháng 03 năm 2016 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Quản lý thị trường số 11/2016/UBTVQH13 làm cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng lực lượng Quản lý thị trường theo yêu cầu chính quy, hiện đại, tổ chức chặt chẽ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Ban Chỉ đạo 127 Trung ương cũng được thay đổi và nâng cấp cho phù hợp điều kiện thực tiễn (Quyết định số 389/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả từ Trung ương đến địa phương) trong đó lực lượng QLTT đóng vai trò thường trực giúp việc cho Trưởng Ban và Ban Chỉ đạo.
Trong bối cảnh đất nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới, hoạt động giao thương diễn ra ngày càng mạnh mẽ và thông thoáng, khoa học kỹ thuật và nền tảng số đang được ưu tiên trong hoạt động mua bán, giao dịch, các đối tượng buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả và các hành vi gian lận thương mại ngày càng tinh vi, manh động. Trước tình hình đó ngày 10/8/2018 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 34/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường trực thuộc Bộ Công Thương.
Đây được coi là bước ngoặt lớn nhất của lực lượng Quản lý thị trường trong công tác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thương nhân, người tiêu dùng và giữ vững ổn định tình hình thị trường trong nước. Quyết định số 34/QĐ-TTg không đơn thuần là việc nâng cấp về mô hình, tổ chức của lực lượng mà nó thể hiện tư duy chiến lược về công tác QLTT của Đảng, nhà nước và Chính phủ. Từ khi hoạt động theo mô hình mới, lực lượng Quản lý thị trường đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, nhiều vụ việc quy mô lớn, phạm vi liên tỉnh có tính chất nghiêm trọng được bắt giữ, nhiều hành vi vi phạm mới được xử lý, số vụ kiểm tra, xử lý, số thu nộp ngân sách tăng cao góp phần lớn vào việc hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế của đất nước, của ngành và của các địa phương, ngày càng tạo dựng được niềm tin của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và của cả hệ thống chính trị.
Cùng với sự trưởng thành và phát triển của lực lượng quản lý thị trường cả nước qua các thời kỳ, để thống nhất và kiện toàn bộ máy QLTT trên địa bàn toàn tỉnh, ngay sau khi tái lập tỉnh ngày 1/1/ 1997 thì đến ngày 22/01/1997, UBND tỉnh Phú Thọ ban hành Quyết định số 88/QĐ-UB về việc thành lập Chi cục QLTT tỉnh Phú Thọ trực thuộc Sở Thương mại - Du lịch, sau đó là thành lập 10 đội QLTT ở các huyện, thành, thị, sau đó là 13 đội tương ứng với 13 huyện, thị, thành trong tỉnh, 01 Đội QLTT cơ động, 01 Đội QLTT chống sản xuất và buôn bán hàng giả cùng với 03 phòng chuyên môn.
Trên cơ sở Quyết định số 34/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường trực thuộc Bộ Công Thương. Ngày 11 tháng 10 năm 2018, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 3687/QĐ-BCT quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Thọ trực thuộc Tổng cục Quản lý thị trường, tính đến thời điểm này Cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Thọ có 07 Đội Quản lý thị trường và 03 phòng chuyên môn, nghiệp vụ. Dù ở mô hình nào thì Quản lý thị trường Phú Thọ luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy; HĐND- UBND tỉnh; Ban Chỉ đạo 389 tỉnh và của Tổng cục Quản lý thị trường cùng với sự nỗ lực, đoàn kết của các thế hệ cán bộ, công chức và người lao động trong toàn lực lượng nên trong suốt chiều dài lịch sử, Cục QLTT tỉnh Phú Thọ luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, ngày càng thể hiện rõ vai trò chủ công trên thị trường, là mắt xích quan trọng trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, góp phần tích cực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội đã đề ra của từng thời kỳ, góp phần ổn định thị trường, duy trì trật tự kỷ cương trong hoạt động thương mại, dịch vụ, chống các hoạt động buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, chống gian lận thương mại và các hành vi kinh doanh trái phép khác, bảo vệ lợi ích của các nhà sản xuất, kinh doanh chân chính, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và lợi ích chung của toàn xã hội..... Chỉ tính riêng giai đoạn 5 năm (2019-2023) và 6 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Thọ đã tiến hành kiểm tra gần 11.000 vụ, xử lý trên 7.500 vụ, thu nộp ngân sách nhà nước số tiền trên 23 tỷ đồng. Tiêu hủy nhiều mặt hàng vi phạm trị giá gần 3 tỷ đồng góp phần bình ổn giá cả, ổn định thị trường, nhất là trong những dịp tổ chức các sự kiện lớn trên địa bàn tỉnh. Cùng với việc thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát, lực lượng QLTT Phú Thọ đã tích cực tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thương mại dịch vụ cũng như ký cam kết đến các tổ chức và cá nhân kinh doanh nhằm góp phần phát triển thị trường văn minh, hiện đại, theo định hướng XHCN. Với những thành tích đã đạt được trong những năm qua, tập thể và nhiều cá nhân của Cục đã vinh dự nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ, Ngành TW và của tỉnh.
Ngày nay, Việt Nam đang thực hiện mở cửa thị trường để hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới sẽ mở ra nhiều cơ hội thuận lợi, đồng thời cũng đặt ra không ít khó khăn thách thức, nhất là đối với lực lượng Quản lý thị trường. Việc kinh doanh truyền thống đang được chuyển đổi mạnh mẽ sang kinh doanh số, kinh doanh online, các hành vi vi phạm tinh vi hơn, khó phát hiện hơn. Do đó, nhiệm vụ trong thời gian tới là rất nặng nề, đòi hỏi lực lượng QLTT Phú Thọ phải không ngừng nâng cao năng lực trình độ; nắm chắc, hiểu biết sâu rộng luật pháp trong nước và quốc tế, nhất là vấn đề sở hữu công nghiệp và thương hiệu hàng hoá cũng như việc cập nhật, nắm bắt kỹ năng, kỹ thuật về môi trường số, môi trường mạng INTERNET; Tập trung xây dựng lực lượng QLTT chính quy hiện đại; Quan tâm đẩy mạnh công tác phối hợp với các lực lượng liên quan, các tỉnh lân cận và hợp tác quốc tế trong công tác QLTT góp phần ổn định và lành mạnh thị trường, kiềm chế lạm phát. Duy trì đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương trong năm 2024 và các năm tiếp theo.