Lực lượng vũ trang thành phố Đà Nẵng: Nỗ lực giúp dân tìm người đã khuất
Tưởng rằng thiên tai, bão lũ chỉ làm khổ người sống, ai có thể ngờ những người đã an nghỉ cõi vĩnh hằng cũng chẳng được yên. Trận mưa lũ lịch sử mới đây kéo theo lượng đất đá khổng lồ từ trên đồi sạt lở đổ xuống, đã vùi lấp hầu hết các ngôi mộ trong Nghĩa thành phố Đà Nẵng.
Ngay sau trận “đại hồng thủy”, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 5 và các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn nhanh chóng được huy động, vừa cùng nhân dân thành phố Đà Nẵng khắc phục hậu quả mưa lũ, vừa giúp đỡ các gia đình tìm lại mộ phần, tro cốt của người thân trong đống đổ nát, hoang tàn.
Hơn hai tuần đã trôi qua sau trận lũ lịch sử, bất kể mưa hay nắng, những cụ ông, cụ bà, dâu, rể, gái, trai của các dòng tộc trên địa bàn thành phố Đà Nẵng vẫn mải miết cùng bộ đội, dân quân lực lượng vũ trang Quân khu 5 kiếm tìm mộ phần người thân trong ngổn ngang đất đá.
Cán bộ, chiến sĩ LLVT quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng giúp dân tìm kiếm các ngôi mộ bị vùi lấp tại Nghĩa trang Khánh Sơn, quận Liên Chiểu. Ảnh: XUÂN BÉ |
Có mặt tại Nghĩa trang Khánh Sơn, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu; Nghĩa trang Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng vào những ngày đầu tháng 11, chúng tôi chứng kiến hàng trăm ngôi mộ bị đất đá vùi lấp, hư hại. Bia mộ, vách ngăn, quách tiểu, bát hương... bị nước lũ đẩy trôi xuống tận chân đồi. Không phải người thân ruột thịt, nhưng chứng kiến cảnh tượng tang thương này, nhiều người không khỏi ngậm ngùi.
Trong cảnh ngổn ngang, những hòn đá tảng nặng cả trăm cân đổ ập xuống những ngôi mộ, để lại đau đớn cho người ở lại. Họ đến đây tìm mãi mà chẳng thấy mộ cha, mẹ, ông, bà, anh, chị, em mình ở đâu. Lòng quặn thắt mà đành bất lực. Không những cuốn theo đất đá, rác rưởi, trận mưa lịch sử đêm ấy còn kéo theo nước lũ từ trên cao tràn xuống, tạo thành dòng thác dài hàng trăm mét. Nước cứ chảy vô tình, mà lòng người thì quá xót xa.
Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 315, Quân khu 5 cẩn trọng lật từng viên đá, tìm mộ giúp dân. Ảnh: Vũ Vân Anh |
Bên đống bia mộ của người thân, vừa được bộ đội, dân quân đào bới, cẩn trọng đưa lên khỏi lớp bùn nhão nhoét, quan, quách, bát hương lẫn lộn cùng cỏ rác, đôi mắt đỏ hoe, nhưng ông Huỳnh Văn Thể, phường Hòa Khê, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng vẫn tự an ủi:
- Còn được như ri là quý lắm rồi!
- Vậy mộ người thân gia đình anh còn những gì? Tôi đồng cảm.
- Còn cái hũ xương nữa. Nhưng thôi đành vậy, chứ giờ biết đâu mà tìm - Ông Thể thở dài, nhìn khắp lượt Nghĩa trang Khánh Sơn.
Có lẽ chính ông Thể cũng không chắc đó là những gì còn sót lại của người thân. Nhưng xót thương những mộ phần bất hạnh, chưa có người thân đến tìm, ông cùng một số người tự nguyện đi mua quách về liệm, rồi đặt tạm trên đám đất đá hoang tàn.
Người dân thành phố Đà Nẵng mải miết đi tìm mộ người thân sau trận lũ lịch sử. Ảnh: HUY ĐẠT |
Mấy ngày nay, cũng như ông Thể, nhiều người trên địa bàn thành phố Đà Nẵng khi tìm đến nghĩa trang này, ai cũng thấy lòng mình nặng trĩu, bởi cùng lúc phải đón nhận hai tai họa. Phần lớn các gia đình còn chưa kịp dọn dẹp, sửa chữa nhà cửa sau trận mưa lũ, đã vội vàng đi tìm kiếm mộ người thân. Anh Nguyễn Hữu Vũ Tuấn, trú tại phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu cứ đứng bần thần bên miệng hố sâu, nơi mộ của cha và chú anh bị tụt xuống, chỉ còn vài mảnh quách. Anh Tuấn kể trong nước mắt, hôm nghe tin nghĩa trang bị lũ cuốn, cả gia đình bươn bả chạy lên, thì bàng hoàng chứng kiến nơi an nghỉ của người thân chẳng còn chút dấu tích nào.
Có mặt ở nghĩa trang mấy ngày nay, chị Lê Thị Lan, trú tại phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu không kìm được nước mắt: “Mộ người thân nhà mình bị cuốn trôi, không biết nằm ở đâu. Đau lòng lắm. Mong các chú bộ đội, dân quân cố gắng tìm giúp, không thì có tội với ông bà quá”.
May mắn hơn hoàn cảnh của anh Tuấn, chị Lan, gia đình cụ Nguyễn Đình Nam, 80 tuổi, trú tại tổ 43, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu có tới 55 ngôi mộ của gia tộc bị vùi lấp, mất dấu, đã được các chiến sĩ tìm thấy sau nhiều giờ đào bới. Hay như trường hợp anh Nguyễn Công Ngọc, trú tại tổ 59, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, cũng được bộ đội Quân khu 5 hỗ trợ, tìm thấy 50 ngôi mộ của gia tộc, bị lấp kín tưởng chừng không còn hy vọng.
Bộ đội Quân khu 5 giúp dân chỉnh lại những ngôi mộ bị nước lũ làm hư hại. Ảnh: VŨ VÂN ANH |
Một nhiệm vụ chưa từng có tiền lệ, vất vả, nặng nhọc, nhưng các chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu 5 không hề nao núng. Dưới sự chỉ huy trực tiếp của Trung tá Nguyễn Xuân Bé, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Ban CHQS quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng, bộ đội, dân quân chia thành từng tốp, kiên trì cạy từng viên đá, lật từng lớp cỏ, cố gắng kiếm tìm những gì còn sót lại của người đã khuất. Tất cả đều được các anh thực hiện bằng tay không một cách tỉ mỉ, cẩn trọng cao độ. Bởi có lẽ chẳng ai muốn làm các gia đình thêm đau lòng.
“Thấy bộ đội, dân quân nhiệt tình giúp đỡ, nắng mưa chẳng quản, bà con cảm động lắm. Đúng là ở đâu dân gặp khó khăn, nơi nào dân cần giúp đỡ, là bộ đội, dân quân có mặt kịp thời. Mặc dù nhiều gia đình không thể tìm thấy tro cốt người thân, trong đó có cháu tôi, nhưng có bộ đội, dân quân sát cánh thế này, người dân cảm thấy như được an ủi phần nào” - ông Trần Quy, 72 tuổi, trú tại phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu xúc động, bày tỏ.
Hàng nghìn ngôi mộ trong các nghĩa trang thành phố Đà Nẵng bị vùi lấp trong lớp đất đá. Ảnh: HUY ĐẠT |
Tranh thủ phút giai lao chóng vánh, tôi hỏi chuyện Trung tá Nguyễn Xuân Bé, thì được biết, trong suốt hơn hai tuần qua, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang thành phố Đà Nẵng gần như chưa có ngày nào ngơi nghỉ. Ngay sau trận lũ lịch sử, các anh vừa căng mình cùng nhân dân dọn dẹp nhà cửa, đường sá, hỗ trợ các trường học, công sở trên địa bàn củng cố, sửa chữa cơ sở vật chất, thì lại bắt tay vào giúp đỡ các gia đình tìm kiếm mộ phần người thân bị vùi sâu trong các lớp đất đá.
Lực lượng dân quân tích cực giúp dân khắc phục sạt lở tại Nghĩa trang Hòa Sơn (Hòa Vang, Đà Nẵng). Ảnh: XUÂN QUỲNH |
Điều đáng trân trọng ở chỗ, không ít cán bộ, chiến sĩ gia đình cũng bị thiệt hại nặng sau thiên tai, bản thân bộn bề công việc, nhưng khi được huy động, họ đều sẵn sàng gác việc nhà, lo việc dân. Như trường hợp anh Huỳnh Minh Tiến, chiến sĩ dân quân phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu. Là lao động chính trong gia đình, dưới còn 3 em nhỏ, ngày nào Tiến cũng phải dậy từ 5 giờ sáng, giúp mẹ vận chuyển hàng hóa ra chợ bán. Sau đó vội vàng về nhà lo cơm nước cho các em, chuẩn bị đến trường.
Hay như anh Nguyễn Chánh Hải, chiến sĩ dân quân thường trực, Ban CHQS quận Liên Chiểu. Hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn. Cũng là lao động chính trong gia đình, nhưng khi được điều động tham gia lực lượng dân quân thường trực, anh sẵn sàng lên đường, xông xáo trong mọi nhiệm vụ. “Mỗi lần cùng anh em tìm được phần mộ, tấm bia, hũ cốt cho gia đình nào đó, tôi cảm thấy lòng mình thật thanh thản, như thể tìm thấy người thân của mình vậy”, Nguyễn Chánh Hải nở nụ cười chất phác, rồi lại nhanh chóng lao vào công việc.
Ghi chép của NGUYỄN HỒNG SÁNG
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.