Một số suy nghĩ về sáng tạo của văn học - nghệ thuật trong đời sống hôm nay
Văn học-nghệ thuật phản ánh sinh động, đa chiều hiện thực phức tạp cuộc sống vốn có.
Thiên chức cao cả, thiêng liêng của văn học-nghệ thuật là vì con người và đấu tranh chống lại cái xấu, cái thấp hèn, muôn đời vẫn không thay đổi. Trong phạm vi bài viết này, xin đề cập tới một số vấn đề trong lao động sáng tạo nghệ thuật để tác phẩm có giá trị đến gần và hấp dẫn với đông đảo công chúng hơn.
1. Thị hiếu công chúng là điều văn nghệ sĩ thời nay cần đặc biệt coi trọng. Tuy nhiên, nếu hiểu không sâu sắc, biện chứng về thị hiếu, công chúng sẽ dẫn đến một nguy cơ mà trong nhiều nghị quyết của Đảng về văn hóa, văn nghệ đã chỉ ra, đó là: Chiều theo thị hiếu thấp kém của một bộ phận công chúng.
Nhu cầu của công chúng rất khác nhau, trình độ nhận thức, gu thẩm mỹ lại càng khác biệt. Trước vấn đề này, văn nghệ sĩ cần có cái nhìn tỉnh táo, đó là không nên hạ thấp chức năng thẩm mỹ, giáo dục, thay vào đó nhấn mạnh một chiều chức năng giải trí. Luôn tìm cách đổi mới, sáng tạo những tác phẩm góp phần nâng cao thị hiếu công chúng. Chẳng hạn, trong giai đoạn kháng chiến, chúng ta tôn trọng cái chung, bởi lẽ khi đó mỗi nghệ sĩ là một chiến sĩ, văn nghệ là một “vũ khí” để tuyên truyền, vận động mọi người toàn tâm toàn ý cho thắng lợi của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Vì vậy, tác phẩm gần với đông đảo quần chúng hơn, vừa phải, dễ thưởng thức, dễ tiếp nhận, như nhà thơ Hữu Thỉnh từng viết: “Không có sách chúng tôi làm ra sách/ Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình”.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vinh danh tác giả, đại diện nhóm tác giả có tác phẩm nổi bật năm 2023. Ảnh: VIỆT LINH |
Tuy nhiên, khi đất nước đã hòa bình, phát triển và hội nhập thế giới, nếu vẫn sáng tác theo kiểu cũ, e rằng không thể nâng cao thẩm mỹ của đại đa số công chúng, nhất là thế hệ trẻ. Để phù hợp với thay đổi đó, văn nghệ sĩ luôn phải cố gắng nâng cao, làm mới tác phẩm và điều đó phụ thuộc vào trình độ, bản lĩnh cũng như sự cân nhắc của mỗi văn nghệ sĩ. Nếu vỗ ngực nói chỉ sáng tạo cho riêng mình sẽ rất dễ rơi vào cực đoan, thái quá, bắt chước, lai căng, không có chọn lọc, thiếu sáng tạo trong sự tiếp biến văn hóa diễn ra âm thầm. Tác phẩm văn nghệ dễ rơi vào bế tắc, có vẻ như đổi mới về hình thức, khó hiểu về nội dung, chỉ người nghệ sĩ “một mình mình biết, một mình mình hay”.
Theo lý thuyết tiếp nhận hiện đại, ý nghĩa của tác phẩm sẽ giàu có hơn với sự tham gia cộng hưởng đồng sáng tạo của công chúng. Việc nghiên cứu thị hiếu, thực chất là phục vụ nhu cầu công chúng, không theo kiểu đáp ứng mà phải là nhận ra những điều còn thiếu vắng, qua đó làm cho đời sống văn nghệ đa dạng, phong phú hơn.
2. Buổi tọa đàm trong khuôn khổ Ngày Thơ Việt Nam năm 2024 với chủ đề “Từ bản lĩnh đến bản sắc của nhà thơ” có rất nhiều ý kiến sắc sảo, sôi nổi và đầy trí tuệ. Đa số đại biểu cho rằng, từ bản lĩnh rồi mới đến bản sắc. Bản sắc để làm ra nhà thơ, nhưng nếu không có bản lĩnh, không có tìm tòi sáng tạo và kiên trì theo đuổi những con đường và lối đi riêng thì không thành bản sắc.
Đã là văn nghệ sĩ, ai cũng sẽ lâm vào một khoảng thời gian “khủng hoảng”, bất lực trong sáng tạo. Người sáng tạo có lòng tự trọng trong thâm tâm đều không muốn sáng tác giống người khác và tệ hơn là lặp lại chính mình. Nhưng trên thực tế, tìm được một hướng sáng tạo mới chẳng bao giờ dễ dàng. Trong quá trình sáng tạo, văn nghệ sĩ sẽ gặp rất nhiều “cạm bẫy”, chẳng hạn dễ thỏa hiệp với những đơn đặt hàng tầm phào, dễ dãi, thương mại; bị thu hút bởi những trào lưu tân thời khi chưa nắm được hồn cốt của chúng...
Bản lĩnh của văn nghệ sĩ vì thế cần luôn giữ vững mới có bản sắc cá nhân. Nhiều nhạc sĩ tâm sự, có những tác phẩm khí nhạc mất rất nhiều thời gian sáng tác, nhưng lại không nổi tiếng bằng ca khúc. Nhưng không vì thế mà họ không sáng tác khí nhạc, bởi như thế nền âm nhạc hàn lâm Việt Nam làm sao mà phát triển.
Trong một lĩnh vực cụ thể, cùng là họa sĩ, cùng là nhạc sĩ, cùng là nhà văn như nhau nhưng có người nổi tiếng, có tác phẩm bán chạy, đời sống rất sung túc. Nhiều người khác lại không được may mắn như vậy! Không có nghĩa là họ kém tài, mà đôi khi, sự nổi tiếng và giàu sang trong văn nghệ là một điều gì đó khó giải thích, nếu không muốn nói là hoàn toàn may mắn. Bản lĩnh văn nghệ sĩ chính là kiên định con đường sáng tạo, theo đuổi đam mê nghệ thuật của mình, nghệ thuật có đi nhưng chưa chắc đã đến.
Điều cần quan tâm chính là không ngừng trau dồi, nâng cao hơn nữa nội dung và hình thức thể hiện. Cái đau đáu, đau đời rất quan trọng, vì nó là sự trải nghiệm cho cảm hứng sáng tạo. Cười hơn hớn, viên mãn là thất bại, vô cảm với cảnh đời trái ngang đang từng ngày diễn ra xung quanh là "tự sát". Sáng tạo là cái nghề khổ hơn tất cả mọi nghề. Cái nghề tự ăn óc của mình.
3. Lâu nay, nhiều người cho rằng văn nghệ sĩ là những người sống và lao động dựa vào cảm xúc, mà cảm xúc đồng nghĩa với ngẫu hứng. Câu chuyện này chỉ đúng một phần. Đúng là văn nghệ sĩ sẽ sống dựa vào cảm xúc, nhưng trong lao động nghệ thuật thì nhiều người rất kỷ luật. Điển hình như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, ở tuổi ngoài 60, hằng năm, ông vẫn ra mắt sách mới. Theo lời nhà văn cho biết, ông viết 5 tiếng đồng hồ mỗi ngày, kể cả chủ nhật và ngày lễ, mấy chục năm trời như vậy. Tự ông không gọi đó là kỷ luật lao động mà là thói quen lao động. Dù chẳng ai bắt ông làm vậy nhưng ông cảm thấy hứng thú khi ngồi trước bàn viết. Niềm đam mê công việc đó có lẽ xuất phát từ lòng yêu nghề.
Động cơ thôi thúc văn nghệ sĩ sáng tạo không giống nhau. Nhà văn Văn Lê cho rằng, viết là để trả nợ với bạn bè, với đồng đội nằm lại nơi chiến trường. Có người nói với ông, chiến tranh qua lâu lắm rồi mà sao vẫn làm ông đau đớn thế? Chiến tranh vô cùng ác liệt, tuy nhiên, chiến tranh cũng qua lâu rồi, vết thương đã liền da rồi, khơi lại làm gì? Đã có lúc ông ngừng viết về chiến tranh, về đồng đội từng ngã xuống, nhưng thật khốn cùng, càng lẩn trốn, ông càng thấy trống rỗng, chơi vơi. Dường như đối với ông, chiến tranh vẫn chưa chấm dứt. Nó cứ lởn vởn đâu đó qua những câu chuyện, những bản tin thời sự. Nhiều khi ông mơ thấy đồng đội về. Thế rồi ông lại viết. Viết để tự giải tỏa những uẩn khúc ngay trong lòng mình. Viết để được nhớ quá khứ, nhớ về họ, nhắc về họ. Mà ở đời, con người ta chỉ thực sự chết khi không còn ai nhớ, ai nhắc đến mình nữa với sự thành công trong bất cứ ngành nghề nào cũng vậy. Vì thế, nhà văn Văn Lê chung thủy với đề tài chiến tranh, tìm tòi, trăn trở đến tận phút từ giã cuộc đời.
Có thể thấy, văn nghệ sĩ sáng tạo cần phải có một niềm tin về sứ mệnh văn nghệ giúp ích cho cuộc đời, cho con người. Nếu không có lý tưởng sáng tạo, khả năng cao sẽ không thể có tác phẩm lớn, tầm vóc.
Sự sáng tạo của văn học-nghệ thuật là một vấn đề lớn mà các cơ quan văn hóa của Đảng, Nhà nước cần tiếp tục có cơ chế đầu tư cho văn hóa nói chung và văn học-nghệ thuật nói riêng, đặc biệt cho các nghệ sĩ, các nhà văn, nhà thơ là điều không thể thiếu và cần thiết trong lúc này nhằm chấn hưng văn hóa-một chiến lược và tầm nhìn của Đảng ta.
Đại tá, nhà văn PHẠM XUÂN TRƯỜNG, Giám đốc - Tổng biên tập Nhà xuất bản Quân đội nhân dân
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.