Muôn kiểu “móc túi” người dân mùa lễ hội
Dù công tác quản lý và tổ chức lễ hội Xuân Ất Tỵ 2025 đã có những chuyển biến tích cực, song tình trạng “móc túi” người dân vẫn diễn ra theo nhiều hình thức gây bức xúc.
Vấn nạn chưa thể giải quyết dứt điểm
Sau hai năm vận hành dịch vụ chèo đò theo mô hình hợp tác xã, tình trạng “mồi chài”, “chặt chém“ du khách đến chùa Hương đã được giải quyết. Năm nay, ban tổ chức triển khai vé điện tử tích hợp đã giảm thiểu tình trạng ùn tắc, lộn xộn khi du khách xuống đò. Theo ghi nhận, công tác quản lý và tổ chức Lễ hội chùa Hương Xuân Ất Tỵ 2025 diễn ra văn minh, an toàn; dịp cao điểm, mỗi ngày chùa Hương đón hàng vạn du khách thập phương.
Bên cạnh những nỗ lực xây dựng hình ảnh văn minh lễ hội của chính quyền địa phương, ban quản lý chùa Hương, vẫn còn đó những “con sâu” làm xấu hình ảnh của lễ hội. Trong dịp tham quan chùa Hương vào sáng mồng 5 Tết, khi ngồi đò từ chùa Hương trở về Bến Yến, chúng tôi được một người lái đò chạc tuổi ngũ tuần đưa ra yêu cầu: “Sắp đến bờ rồi, bạn áo đen đứng dậy thu mỗi người 10.000 đồng. Đầu xuân năm mới, tôi xin mỗi người 10.000 đồng gọi là tiền lì xì uống cốc trà”.
![]() |
Du khách ngồi đò khi trẩy hội chùa Hương 2025. |
Sau lời đề nghị bất ngờ trên, một số du khách gửi tiền người lái đò, số khác thể hiện thái độ không hài lòng. Có người cho rằng, số tiền 10.000 đồng không đáng, nhưng đề nghị trên của người lái đò là vòi vĩnh vặt, làm xấu đi hình ảnh văn minh lễ hội. Theo ước tính, trên thuyền của người lái đò khi ấy khoảng 15 người lớn, nếu mỗi người đều đồng ý tặng 10.000 đồng thì một lần “xin” như thế thu về được 150.000 đồng. Mà thu nhập từ lái đò cũng không phải ít. Trung bình, mỗi vé người lớn ngồi đò và tham quan di tích là 230.000 đồng, người lái đò được hưởng thu nhập 70.000 đồng/vé người lớn.
Vài năm trở lại đây, tình trạng lộn xộn từ cướp giò hoa tre ở Lễ hội Gióng đền Sóc đã được giải quyết triệt để khi ban tổ chức thay đổi cách tán lộc. Năm nay, lễ hội được siết chặt hơn đã giúp đoạn đường từ Quốc lộ 3 đến đền Sóc không còn tắc như trước. Ghi nhận tại đền Sóc vào sáng mồng 7 tháng Giêng, khu vực bên ngoài cổng đền vẫn xuất hiện nhiều bãi xe tự phát của người dân, giá vé ghi một đằng nhưng thu tiền một nẻo. Tại đền Thượng, tình trạng xe ôm “mồi chài” du khách lên tượng đài Thánh Gióng vẫn diễn ra sôi nổi.
Thấy tôi đang tìm đường lên tượng đài Thánh Gióng, một chú xe ôm chạy theo và mời chào với giá 100.000 đồng cho hai chiều lên-xuống. Tôi lắc đầu, chú lại tiếp tục giảm giá xuống 80.000 đồng; trong khi một bác xe ôm khác đưa ra giá 150.000 đồng cho hai du khách khác. Tìm hiểu được biết, nếu ngồi xe ôm thì du khách phải di chuyển quãng đường vòng khoảng 4km, trong khi đó nếu đi bộ theo biển hướng dẫn thì du khách phải leo 1.200 bậc.
Ông Đào Anh Tú, Giám đốc Trung tâm Quản lý Khu du lịch-Di tích đền Sóc, thừa nhận: “Tình trạng bãi xe tự phát, xe ôm là những người dân tràn vào đền mồi chài du khách như phóng viên Báo Quân đội nhân dân phản ánh là có. Chúng tôi đã báo cáo và đề xuất ban chỉ đạo lễ hội thành lập đội xe ôm kể từ mùa lễ hội tới do Trung tâm Quản lý Khu du lịch-Di tích đền Sóc quản lý, có đồng phục, niêm yết giá và được quản lý chặt chẽ”.
Cần những giải pháp mạnh mẽ
Thực trạng “móc túi” và “chặt chém” du khách không chỉ diễn ra ở dịp lễ hội Xuân mà còn xuất hiện ở nhiều hoạt động dịch vụ. Với tâm lý “Tết mà”, nhiều người chủ động tăng giá dịch vụ với lý do, công sức mà mình bỏ ra dịp Tết phải được tăng gấp nhiều lần. Ngay những ngày đầu năm mới, nhiều người dùng mạng xã hội không khỏi sững sờ sau khi biết câu chuyện của một gia đình đã phải trả 1,2 triệu đồng cho 3 bát bún riêu tại một cơ sở ăn uống tại phố Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) vào đêm mồng 1 Tết.
Ngày 3-2, một tài khoản trên Tiktok đã đăng tải thông tin về việc gia đình đến ăn tại quán cơm tên T.M (Phú Yên) thì bị tính hóa đơn hơn 1 triệu đồng, dù chỉ gọi các món đơn giản và không đắt tiền. Theo chia sẻ của chủ tài khoản, quán không có thực đơn và cũng không niêm yết giá các món ăn. Tương tự, chiều ngày 4-2, mạng xã hội lan truyền hình ảnh một hóa đơn tính tiền hơn 20 triệu đồng, kèm nội dung tố cáo quán A.B tại Khánh Hòa tính giá "trên trời" cho khách du lịch nước ngoài. Ngoài bán giá cao, quán ăn này còn "phụ thu Tết" gần 5 triệu đồng.
Trong cả 3 vụ việc kể trên, các cơ quan chức năng đã nhanh chóng vào cuộc, lập biên bản tạm dừng kinh doanh; chủ các cửa hàng nêu trên cũng ý thức được sai lầm của mình và cam kết sẽ không tái phạm. Tuy nhiên, nếu như cứ sai rồi phạt và rút kinh nghiệm thì không phải là cách giải quyết vấn đề, tâm lý “chặt chém” người dân mỗi dịp lễ, Tết cần phải sớm được loại bỏ ra khỏi đời sống.
Để xóa bỏ vấn nạn "chặt chém", các cấp quản lý cần có chính sách quản lý, bắt buộc các cơ sở kinh doanh phải đăng ký và công khai rõ ràng và đầy đủ dữ liệu cá nhân, địa chỉ, giá và nguồn gốc hàng hóa… Đồng thời, các cơ quan chức năng, đặc biệt là lực lượng quản lý thị trường cần thường xuyên tiến hành các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát; nếu phát hiện sai phạm, phải cương quyết phạt thật nặng, tước bỏ giấy phép kinh doanh...
Ông Lương Đức Thắng, Phó cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, để lễ hội đi vào nền nếp, văn minh và loại bỏ những hủ tục lạc hậu, tình trạng “chặt chém” du khách, trước hết cần nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu các cấp trong quản lý, tổ chức lễ hội để phát huy giá trị văn hóa truyền thống, đóng góp tích cực vào đời sống xã hội.
“Hiện nay, các lễ hội truyền thống ngày càng thu hút đông đảo du khách, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế và du lịch địa phương. Môi trường văn hóa tốt không chỉ mang lại trải nghiệm tích cực cho du khách mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững của địa phương”, ông Lương Đức Thắng khẳng định.
Bài, ảnh: MỸ ANH
Tin mới
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Đại hội đại biểu Đảng bộ Thông tấn xã Việt Nam lần thứ 27
Sáng 17-7, Đại hội đại biểu Đảng bộ Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) lần thứ 27, nhiệm kỳ 2025-2030 đã diễn ra tại Trung tâm Thông tấn quốc gia (số 5, Lý Thường Kiệt, Hà Nội). Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu.
Thủ tướng yêu cầu tập trung thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 110/CĐ-TTg ngày 17-7-2025 về việc tiếp tục tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết của Trung ương, Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự Đại hội đại biểu Đảng bộ Văn phòng Quốc hội lần thứ XV
Chiều 16-7, tại Nhà Quốc hội, Đại hội đại biểu Đảng bộ Văn phòng Quốc hội lần thứ XV, nhiệm kỳ 2025 - 2030 đã thành công tốt đẹp. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự đại hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tăng trưởng 8,3-8,5% không phải là mục tiêu bất khả thi
Kết luận Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương về kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 và các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện mục tiêu tăng trưởng, được tổ chức trực tuyến toàn quốc từ Chính phủ tới các tỉnh, thành phố, xã, phường vào sáng 16-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tăng trưởng đạt 8,3-8,5% có nhiều thách thức, nhưng không phải là mục tiêu bất khả thi, không thể không làm.
Thực trạng gian lận và trốn thuế đang diễn biến ngày càng tinh vi và phức tạp
Theo báo cáo của Bộ Tài chính: Thực trạng gian lận và trốn thuế đang diễn biến ngày càng tinh vi và phức tạp. Các hành vi vi phạm không chỉ dừng lại ở việc kê khai sai lệch, giấu doanh thu hay lập hóa đơn khống đơn thuần, mà đã phát triển thành các thủ đoạn có tổ chức với quy mô lớn, liên quan đến nhiều chủ thể và địa bàn khác nhau.
Cơ cấu lại mô hình hoạt động để mở ra không gian mới cho VNPT
Sau Nghị quyết số 186/NQ-CP của Chính phủ, mới đây, tại Văn bản số 6468/VPCP-ĐMDN, Phó thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đồng ý chủ trương sáp nhập VNPT-Vinaphone, VNPT-Media vào Công ty mẹ - Tập đoàn VNPT. Đây là một trong các động thái đầu tiên trong chiến lược cơ cấu lại mô hình hoạt động mà VNPT đang thực hiện.