Ngăn chặn bạo lực học đường - cần nhiều giải pháp căn cơ
Tình trạng bạo lực học đường, đua xe trái phép hay mang hung khí gây rối trật tự công cộng do thanh thiếu niên thực hiện đang ngày càng trở nên phổ biến, gây lo ngại trong dư luận. Những hành vi tưởng như bột phát đó thực chất là hệ quả của một quá trình tích tụ lâu dài, bắt nguồn từ các đứt gãy trong gia đình, môi trường giáo dục, tâm lý lứa tuổi, truyền thông và cả sự lỏng lẻo trong quản lý xã hội.
Gia đình đứt gãy, đạo đức học đường xuống cấp
Gần đây, một đoạn clip lan truyền trên mạng xã hội ghi lại cảnh một nữ sinh bị hai bạn học hành hung dã man, trong khi một nam sinh đứng quay clip và buông lời tục tĩu. Hành vi này phản ánh không chỉ sự xuống cấp nghiêm trọng về đạo đức học đường mà còn cho thấy mức độ xâm nhập sâu sắc của bạo lực trong môi trường giáo dục.
Yếu tố đầu tiên và có ảnh hưởng sâu sắc nhất chính là gia đình, nơi hình thành nhân cách nền tảng cho trẻ. Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp trẻ có hành vi bạo lực xuất thân từ gia đình thiếu ổn định, cha mẹ nuôi dạy con theo cách áp đặt hoặc sử dụng bạo lực như một hình thức kỷ luật thay vì giáo dục.
Trẻ em sống trong môi trường như vậy dễ hình thành tư duy xem bạo lực là hành vi bình thường, hình thành những khuôn mẫu ứng xử thiếu kiểm soát. Những đứa trẻ bị đối xử thô bạo thường cảm thấy lo âu, mất an toàn, thu mình lại, thiếu kỹ năng xã hội để hòa nhập với bạn bè và nhà trường. Chúng nhạy cảm, dễ hiểu sai hành vi của người khác như một mối đe dọa và từ đó bùng nổ cảm xúc, hành xử bạo lực.
![]() |
Buổi học ngoại khóa nhằm tăng cường phòng, chống bạo lực học đường cho học sinh tại Trường Tiểu học Suối Khoáng (TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh). Ảnh: CAO THANH |
Ông Nguyễn Đình Sơn, chuyên gia tâm lý trẻ vị thành niên, Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội, cho biết: “Giai đoạn cao điểm sức khỏe tâm thần của trẻ bị ảnh hưởng nhất thường rơi vào bậc THCS, nhất là lớp 9, thời điểm trẻ đối mặt với áp lực đồng trang lứa, so sánh xã hội và khủng hoảng hình ảnh bản thân. Chính tại giai đoạn dậy thì là thời điểm trẻ cần sự đồng hành của cha mẹ nhất, nhưng nghịch lý thay, lại là lúc phụ huynh dễ buông lỏng nhất, đặc biệt khi đã quá mệt mỏi với việc nuôi dạy những đứa trẻ có vấn đề về hành vi”. Sự bỏ mặc, thờ ơ của cha mẹ càng khiến trẻ lún sâu vào cảm giác bị từ chối, có thái độ thù ghét gia đình và xã hội, từ đó dẫn đến nguy cơ hình thành các băng nhóm tiêu cực, tìm kiếm sự công nhận bằng cách gây rối hoặc vi phạm pháp luật.
Trong khi đó, công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh tại Việt Nam hiện còn nhiều hạn chế. Việc thiếu các dịch vụ hỗ trợ tâm lý học đường, cộng với kỳ thị của xã hội và sự thiếu hụt chuyên gia tâm lý trong trường học khiến nhiều rối loạn không được phát hiện và can thiệp kịp thời. Trẻ em ngày nay lớn lên trong môi trường truyền thông tràn ngập nội dung bạo lực, từ phim ảnh, truyền hình cho đến trò chơi điện tử, khiến việc tiếp nhận và hình thành quan niệm sai lệch về bạo lực diễn ra một cách âm thầm nhưng mạnh mẽ. Bạo lực thậm chí được “anh hùng hóa”, trở thành phương thức giải quyết vấn đề được cổ vũ ngầm trong văn hóa tiêu dùng hiện đại.
Một nguyên nhân khác góp phần không nhỏ vào hành vi lệch chuẩn của thanh thiếu niên chính là sự ảnh hưởng của các chất gây nghiện như rượu, bia, ma túy. Việc tiếp cận rượu, bia ở độ tuổi học sinh vẫn diễn ra dễ dàng, trong khi các biện pháp kiểm soát chất cấm chưa thật sự hiệu quả. Đây chính là yếu tố thúc đẩy hành vi bạo lực trở nên manh động, khó kiểm soát hơn.
Xây dựng hệ thống giải pháp đồng bộ, bền vững, nhân văn
PGS, TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định: “Để hạn chế tình trạng bạo lực trong xã hội, đặc biệt là trong giới trẻ, cần một chiến lược đa chiều như: Hướng dẫn cha mẹ kỹ năng nuôi dạy con tích cực; tổ chức các khóa học về giao tiếp, giải quyết xung đột trong gia đình; phổ biến dịch vụ sàng lọc và tư vấn tâm lý học đường; giảm kỳ thị về bệnh tâm thần và mở rộng tiếp cận điều trị; đưa giáo dục cảm xúc và kỹ năng sống vào chương trình học chính khóa và hoạt động ngoại khóa; nhận diện trẻ có nguy cơ từ sớm, tạo môi trường an toàn để các em được lắng nghe và hỗ trợ”.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng và từ mỗi gia đình cần kiểm soát chặt chẽ nội dung bạo lực trên internet, truyền thông, đồng thời giáo dục trẻ em sử dụng mạng xã hội một cách an toàn, có trách nhiệm; siết chặt các quy định về việc bán rượu, bia cho trẻ vị thành niên, tăng cường các chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại của chất gây nghiện cũng là những biện pháp cần thiết. Song song với đó, công tác giáo dục cần chú trọng các giá trị nhân văn như yêu thương, tôn trọng, chia sẻ và hòa bình cần được lồng ghép vào mọi hoạt động giáo dục chính khóa và ngoại khóa để hình thành hệ miễn dịch đạo đức cho thế hệ trẻ.
Tình trạng bạo lực học đường và các hành vi vi phạm pháp luật của thanh thiếu niên không phải là kết quả tức thời mà là hệ quả của một quá trình tích tụ lâu dài, từ những lỗ hổng trong nuôi dạy, giáo dục đến những bất cập trong quản lý xã hội. Muốn giải quyết tận gốc vấn đề, không thể chỉ trông chờ vào những biện pháp xử lý hậu quả, mà cần xây dựng một hệ thống giải pháp đồng bộ, bền vững và đầy nhân văn. Chỉ khi những “mảnh ghép” trong quá trình nuôi dạy và phát triển nhân cách trẻ được nối liền, xã hội mới có thể kỳ vọng vào một thế hệ công dân khỏe mạnh, yêu thương và có trách nhiệm với cộng đồng.
HỒNG NGUYÊN
Tin mới
Hà Nội kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm từ 9-5 đến 15-6
Nhằm siết chặt công tác quản lý và bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 2312/QĐ-UBND ngày 7-5-2025 về việc thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành An toàn thực phẩm tại các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sữa, thực phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung và thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên địa bàn.
Thùng hàng che biển số, băng dính xóa số xe: Shipper đang lách luật như thế nào?
Trong thời đại thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, dịch vụ giao hàng nhanh đã trở thành một phần không thể thiếu của đời sống đô thị. Tuy nhiên, xuất hiện tình trạng nhiều tài xế giao hàng (shipper) cố tình che lấp, làm mờ hoặc sửa đổi biển số xe khi tham gia giao thông.
Tập huấn công tác quản lý, vận hành trung tâm cai nghiện cho lực lượng chức năng Lào
Ngày 9-5, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04, Bộ Công an) thông tin, thực hiện Bản ghi nhớ giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Công an Lào về hợp tác phòng, chống ma túy; Bộ Công an Việt Nam hỗ trợ Bộ Công an Lào xây dựng Trung tâm cai nghiện tại Vientiane.
Tổ chức dạy học 2 buổi/ngày sao cho hiệu quả?
Chủ trương dạy học 2 buổi/ngày (không thu phí) đối với học sinh tiểu học và trung học cơ sở (THCS) được đông đảo phụ huynh, học sinh và dư luận đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là tổ chức như thế nào để thực sự mang lại hiệu quả, giảm áp lực học tập cho học sinh, đồng thời tạo điều kiện cho các em phát triển toàn diện.
Ngăn chặn bạo lực học đường - cần nhiều giải pháp căn cơ
Tình trạng bạo lực học đường, đua xe trái phép hay mang hung khí gây rối trật tự công cộng do thanh thiếu niên thực hiện đang ngày càng trở nên phổ biến, gây lo ngại trong dư luận. Những hành vi tưởng như bột phát đó thực chất là hệ quả của một quá trình tích tụ lâu dài, bắt nguồn từ các đứt gãy trong gia đình, môi trường giáo dục, tâm lý lứa tuổi, truyền thông và cả sự lỏng lẻo trong quản lý xã hội.
Tổ chức biểu diễn nghệ thuật tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định số 1275/QĐ-BVHTTDL về việc tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2025 tại khu vực phía Bắc.