• Click để copy

Nghệ thuật kiến trúc tôn vinh hình tượng Bộ đội Cụ Hồ

Một trong những thể loại sáng tác kiến trúc thể hiện hình tượng Bộ đội Cụ Hồ chính là các công trình tưởng niệm với yếu tố trung tâm là các tượng đài-một sự kết hợp giữa phần “tượng” của người nghệ sĩ tạo hình và phần “đài” của người thiết kế tổ chức không gian.

Suốt từ Nam ra Bắc, với truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", chúng ta đã thiết lập được hệ thống các công trình tưởng niệm với hình tượng người lính Cụ Hồ nhằm giúp các thế hệ hiện tại và tương lai hiểu, nhớ về những con người đã hy sinh để đổi lấy cuộc sống hòa bình hôm nay. Có thể nói, hình tượng Bộ đội Cụ Hồ trở thành cảm hứng đặc biệt cho giới nghệ thuật và kiến trúc-quy hoạch trong việc tạo ra những địa chỉ đỏ-nơi lưu giữ những ký ức lịch sử và giáo dục thế hệ trẻ không lãng quên những gì đã qua.

Tri ân bao cống hiến, hy sinh

Với một dân tộc mà chiều dài lịch sử gắn liền với sự nghiệp dựng nước và giữ nước, Việt Nam đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh, đã chứng kiến các thế hệ sẵn sàng hy sinh cái riêng của bản thân vì cái chung của đất nước. Sau mỗi cuộc chiến, sự mất mát, hy sinh của những người tham gia luôn là đề tài gợi nhiều cảm xúc, đặc biệt là các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, gắn với hình tượng người lính Cụ Hồ.

Việc khai thác hình tượng Bộ đội Cụ Hồ trong các công trình kiến trúc chủ yếu được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Đầu tiên là các công trình tượng đài có quy mô trung bình và lớn, có chủ đề liên quan trực tiếp đến Bộ đội Cụ Hồ, được chia thành hai nhóm nội dung. Nhóm thứ nhất truyền tải thông điệp về tinh thần bất khuất, anh dũng của Bộ đội Cụ Hồ, nghĩa là họ được anh hùng hóa với bố cục vươn lên cao hay hướng về phía trước, cùng ngôn ngữ tạo hình hoành tráng, mạnh mẽ.

Nghệ thuật kiến trúc tôn vinh hình tượng Bộ đội Cụ Hồ
 Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ (Điện Biên) khắc họa thành công hình tượng Bộ đội Cụ Hồ. Ảnh: TUẤN ĐIỆP

Nhóm thứ hai lại thể hiện tinh thần gần gũi, thân thiện của Bộ đội Cụ Hồ, được bình dị hóa, thể hiện qua ý tưởng tình quân dân gắn bó, chủ yếu bằng ngôn ngữ tạo hình tả thực, tỷ lệ bằng hoặc không chênh lệch nhiều với người thật. Các tượng đài này có thể là những người lính Cụ Hồ hữu danh hay vô danh đã được hình tượng hóa.

Tiếp theo là nhóm các tượng đài có chủ đề liên quan đến chiến tranh, tưởng nhớ hay tưởng niệm những mất mát, hy sinh của dân tộc, sử dụng gián tiếp hình tượng Bộ đội Cụ Hồ như tượng đài tại các nghĩa trang liệt sĩ, các khu vực, quảng trường lịch sử, các địa điểm gắn với những sự kiện đấu tranh... Mặc dù không phải là chủ đề chính nhưng để hỗ trợ tốt nhất cho nội dung, hình tượng Bộ đội Cụ Hồ được thể hiện dưới nhiều dạng thức phong phú như nhóm tượng hoành tráng, phù điêu, tranh ghép gốm...

Cuối cùng là các tượng đài có quy mô nhỏ, được đặt trong nhà hay ngoài trời trong khuôn viên các công trình kiến trúc như bảo tàng, nhà truyền thống, khu di tích lịch sử... thể hiện những phương diện tiếp cận khác nhau về cuộc sống và chiến đấu của những người lính Cụ Hồ. Khác với các tượng đài lớn được thiết kế một cách kỹ lưỡng, kinh phí xây dựng cao với những chất liệu bền vững, thậm chí là quý hiếm thì những tượng đài này được thiết kế đơn giản hơn, chất liệu bình dân hơn, do đó chất lượng cũng tùy theo từng hoàn cảnh.

Khắc họa sâu đậm hình tượng Bộ đội Cụ Hồ

Việt Nam không phải là đất nước có truyền thống và văn hóa về tượng, tượng đài, nhất là tượng hoành tráng. Tuy mới xuất hiện khoảng vài thập niên gần đây nhưng các tượng đài lại chính là những thông điệp bất hủ truyền dạy cho các thế hệ những bài học lịch sử mạnh mẽ nhất, sống động nhất, trực quan nhất. Một tượng đài có giá trị biểu cảm tốt sẽ có sức mạnh hơn những lời rao giảng, khơi dậy được lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc của người thưởng lãm. Điều quan trọng là những tượng đài chúng ta làm hôm nay sẽ truyền tải được thông điệp của hiện tại và mang lại cảm hứng sống cho các thế hệ con cháu mai sau.

Một trong những tượng đài có chất lượng thẩm mỹ có thể kể đến là Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ được đặt trên đồi D1 ở tỉnh Điện Biên (được khánh thành năm 2004, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ), với hình tượng 3 anh bộ đội đứng quay lưng vào nhau, nâng một em bé dân tộc Thái, trên cùng là lá cờ quyết chiến, quyết thắng. Đây được xem là một dấu ấn quan trọng đánh dấu sự kết hợp chặt chẽ giữa thiết kế mỹ thuật với thiết kế kiến trúc và quy hoạch khi giá trị của tượng đài không chỉ gói gọn trong mỗi phần hình tượng người lính Cụ Hồ mà còn được gắn vào bối cảnh tự nhiên, văn hóa và lịch sử xung quanh.

Tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời” trong Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma tại Khánh Hòa (hoàn thành năm 2017), đã lấy cảm hứng từ hình ảnh 64 chiến sĩ nắm tay nhau quyết tâm bảo vệ lá cờ Tổ quốc, khẳng định chủ quyền Việt Nam. Những ý tưởng được thể hiện bằng các hình thức nghệ thuật, điêu khắc sinh động và ấn tượng như vòng cung mặt trời nhô lên khỏi mặt biển nơi chân trời xa xôi, đánh dấu phần lãnh hải của Tổ quốc Việt Nam bằng những đảo lớn, đảo nhỏ, đảo chìm, đảo nổi với trung tâm là cụm 9 nhân vật là đại diện cho 64 chiến sĩ ở tư thế giương cao lá cờ Tổ quốc trước lúc hy sinh.

Một tượng đài khác tuy không trực tiếp khai thác hình tượng Bộ đội Cụ Hồ nhưng lại gián tiếp lấy hình ảnh người mẹ của họ-tượng đài “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” tại Quảng Nam, đã ca ngợi không chỉ những mất mát ngoài chiến trường của người lính mà cả những hy sinh nơi hậu phương từ những người thân yêu của họ. Bên cạnh điểm nhấn của công trình là khối tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng thì 8 trụ huyền thoại tại quảng trường tiền môn cũng là một trong những điểm nhấn kiến trúc nổi bật làm tôn vinh thêm giá trị của công trình. Từ khi khánh thành vào năm 2015 đến nay, tượng đài đã phát huy vai trò, giá trị của một công trình mang ý nghĩa văn hóa-lịch sử, tâm linh của địa phương và cả nước.

Nói cách khác, khi ngắm những tượng đài đẹp, chúng ta như được tiếp thêm sức mạnh từ cha ông bởi lòng tự hào về một dân tộc có sức sống mãnh liệt, đồng thời cũng khiến chúng ta phải tự vấn bản thân hay tự suy ngẫm về thời cuộc, từ đó hình thành những mục tiêu, lý tưởng sống.

Tiếp tục nâng cao chất lượng sáng tác kiến trúc gắn với hình tượng Bộ đội Cụ Hồ

Phải thừa nhận rằng việc đưa hình tượng Bộ đội Cụ Hồ vào các sáng tác là công việc không dễ đối với những nhà thiết kế mỹ thuật lẫn kiến trúc. Do đó, giới thiết kế tượng đài tại Việt Nam hiện nay vẫn phải vừa làm vừa thử nghiệm. Thực lòng mà nói, không ít tượng đài làm theo đơn đặt hàng nên vẫn chưa thực sự là một tác phẩm nghệ thuật, chưa gây ấn tượng về mỹ thuật, thể hiện theo những mô-típ truyền thống, thậm chí ảnh hưởng từ các tượng đài của nước ngoài. Với chất lượng thẩm mỹ không cao và tính tư tưởng nhạt nhòa, người cảm thụ khó có cảm xúc khi hình tượng Bộ đội Cụ Hồ được sắp đặt như các nhân vật trên sân khấu.

Một góc nhìn khác là cách thức tiếp cận của các tượng đài thông qua những thủ pháp thể hiện. Nếu chọn thủ pháp tả thực, mô phỏng và đưa hiện thực cuộc sống vào tác phẩm nghệ thuật có thể không phải là giải pháp hấp dẫn đối với những người am hiểu về nghệ thuật, nhưng đây lại là phương pháp dễ tiếp cận nhất với đại chúng. Ngược lại, nếu diễn tả hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ bằng các thủ pháp hiện đại hơn sẽ lại có nhược điểm khiến đại chúng không hiểu hết được, lúc đó, hình tượng Bộ đội Cụ Hồ luôn gần dân, vì dân lại không đạt được ý nghĩa.

Chính vì vậy, cũng như các lĩnh vực thiết kế luôn đòi hỏi sự sáng tạo, để có những tượng đài tốt, các nhà thiết kế phải vận động, đi tìm những ý tưởng, hình thức thể hiện đa dạng, tìm tòi những sáng tạo mới trong phong cách, hình thức nghệ thuật cũng như chất liệu, nhưng vẫn phải bảo đảm tính dung dị văn hóa để người dân có thể cảm thụ dễ dàng. Nói cách khác, cần điều chỉnh hài hòa giữa nội dung tư tưởng và hình thức, ngôn ngữ nghệ thuật để các tác phẩm có được giá trị đích thực, luôn mang tính thời sự, đóng góp cho kho tàng di sản văn hóa Việt Nam.

Như vậy, sáng tác kiến trúc kết hợp với sáng tạo mỹ thuật nhằm chuyển thể hình ảnh đẹp của những người lính Cụ Hồ đã cống hiến, hy sinh cho Tổ quốc, làm thành biểu tượng giàu chất thi ca với tiêu chí cao nhất là giúp tác phẩm đi vào lòng công chúng, tạo hiệu ứng về thị giác cũng như cảm xúc thẩm mỹ, từ đó khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc.

Để làm được điều đó, người thiết kế cũng cần có cái nhìn bao quát về kiến trúc và quy hoạch cảnh quan, từ đó tính toán phương án thiết kế, tỷ lệ, tìm tòi phom dáng, cấu trúc tượng đài sao cho khả năng chiếm lĩnh không gian đạt hiệu quả cao nhất, đồng thời làm nên tinh thần nơi chốn-nghĩa là tạo ra địa điểm đầy cảm xúc cho những tượng đài đó. Đây mới chính là đích đến cuối cùng cho những công trình kiến trúc tôn vinh hình tượng Bộ đội Cụ Hồ-những người đã chiến đấu vì hòa bình, độc lập, tự do của đất nước, để kiến trúc nói riêng và mọi lĩnh vực đời sống được hoạt động và phát triển như ngày hôm nay.

PGS, TS, KTS TRẦN MINH TÙNG, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội

Tin mới

Bắc Giang triệt phá cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật giả
Bắc Giang triệt phá cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật giả

Ngày 16/4/2025, Tổ công tác thuộc Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Bắc Giang chủ trì, phối hợp với Công an xã Tân Hưng và Đội Quản lý thị trường số 3 (Chi Cục Quản lý thị trường, Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang) kiểm tra, bắt quả tang Nguyễn Văn Vĩnh đang sản xuất thuốc bảo vệ thực vật giả các loại tại nhà riêng của đối tượng tại thôn Bãi Sim, xã Tân Hưng, huyện Lạng Giang.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Các luật phải cụ thể, thể chế hóa toàn bộ các chủ trương của Đảng
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Các luật phải cụ thể, thể chế hóa toàn bộ các chủ trương của Đảng

Sáng 18-4, kết luận Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật lần thứ hai tháng 4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu thực hiện 6 rõ trong xây dựng pháp luật và 6 rõ trong tổ chức triển khai, thực thi pháp luật.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Thúc đẩy thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ phát triển bền vững
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Thúc đẩy thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ phát triển bền vững

Sáng 18-4, tiếp ông Jefferey Perlman, Tổng Giám đốc Quỹ Warburg Pincus, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh ASEAN - Hoa Kỳ (USABC), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Quỹ mở rộng đầu tư nhiều hơn, nhanh hơn vào Việt Nam; có tiếng nói với chính quyền Hoa Kỳ có những giải pháp phù hợp để thúc đẩy thương mại song phương công bằng, bền vững như tinh thần trao đổi gần đây giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Donald Trump.

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc: Kiên quyết không sử dụng cán bộ thiếu năng lực, bị kỷ luật, bị điều tra
Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc: Kiên quyết không sử dụng cán bộ thiếu năng lực, bị kỷ luật, bị điều tra

Sáng 18-4, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc và các đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV đơn vị tỉnh Lâm Đồng đã tiếp xúc cử tri tại thành phố Đà Lạt trước Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Hà Nội thành lập cụm công nghiệp làng nghề
Hà Nội thành lập cụm công nghiệp làng nghề

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 2092/QĐ-UBND về việc thành lập Cụm công nghiệp làng nghề Nam Tiến, huyện Phú Xuyên. Cụm công nghiệp này được xây dựng với định hướng phát triển bền vững, tập trung vào công nghiệp xanh, sạch và ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao.

Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tiếp xúc cử tri các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm
Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tiếp xúc cử tri các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm

Sáng 18-4, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn – Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cùng các đại biểu Đơn vị bầu cử số 3 đã tiếp xúc cử tri các quận: Cầu Giấy, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, trước Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.