Người phụ nữ dân tộc Tày tiên phong phát triển du lịch cộng đồng
Nắm bắt cơ hội, bà Hoàng Thị Sinh đã tiên phong phát triển du lịch cộng đồng tại xã Lâm Thượng, góp phần nâng cao vị thế của người phụ nữ dân tộc Tày, phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo.
Phụ nữ Tày vươn lên thoát nghèo
Lâm Thượng là một xã vùng núi của huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái, cách Hà Nội tầm 250km. Đây là vùng đất chưa nổi tiếng về du lịch, mọi thứ đều hoang sơ với diện tích 39,24km², dân số của xã là 5.551 người, mật độ dân số đạt 142 người/km².
Cũng như bao gia đình người dân tộc thiểu số nơi đây, gia đình bà Sinh ngày trước có hoàn cảnh rất khó khăn. Cuộc sống chỉ trông vào làm ruộng, đường sá vào xã cũng khó khăn, sản xuất canh tác chưa phát triển.
Bà Hoàng Thị Sinh (sinh năm 1968, dân tộc Tày) là phụ nữ dân tộc Tày đầu tiên của xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái phát triển du lịch cộng đồng mang tên Jack Ecolodge. |
Mới chỉ học hết lớp 7, nhưng biết bao đêm bà Sinh phải trăn trở, suy nghĩ làm sao để cái nghèo không còn đeo bám, thay đổi cuộc sống nhận thức của bà con.
Kể về thời điểm đưa ra quyết định thoát nghèo đúng đắn của mình, bà Sinh tâm sự: “Sau khi đi thực tế tại nhiều vùng du lịch cộng đồng để trải nghiệm như Sơn La, Cao Bằng, Hà Giang, Hòa Bình… tôi tự hỏi bản thân rằng “người ta cũng biết tận dụng để phát triển, mình có sẵn sao không làm?”. Suy nghĩ rồi quyết tâm bắt tay vào làm. Tôi mới hiểu mô hình du lịch cộng đồng là mô hình phát triển du lịch trong đó chủ yếu là chính người dân địa phương đứng ra phát triển và quản lý. Lợi ích kinh tế có được từ du lịch sẽ đọng lại nền kinh tế địa phương mình”.
Kể về những điều kiện sẵn có để phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại xã Lâm Thượng, bà Sinh cho hay: “Đi qua những cánh đồng và hàng cọ bát ngát là thác Nặm Chắn với làn nước xanh mát lạnh; cách đó không xa là đồi Pù Lung Trạng, hang Nà Kèn, Thẳm Dường, Tát Én có những vách đá hun hút”.
Chọn từng con cá suối tươi ngon để chuẩn bị cơm cho du khách, bà Sinh hào hứng nói: “Nhờ có mô hình phát triển du lịch cộng đồng này, gia đình tôi thoát nghèo, đóng góp không nhỏ trong việc quảng bá phát triển quê hương mình”.
Bà Sinh luôn chú trọng ẩm thực địa phương, mùa nào thì đặc sản đó, chiều lòng các vị khách địa phương, khách quốc tế. |
Song song phát triển kinh tế, bà Sinh cũng rất quan tâm đến vấn đề bảo tồn, giới thiệu cho du khách về văn hóa, ẩm thực của dân tộc Tày. Bắt đầu từ khu nghỉ được sử dụng chất liệu hoàn toàn chất liệu gỗ và tre nứa, kết hợp mái lợp bằng tôn, mang lại không gian đơn sơ, mộc mạc và gần gũi cho du khách.
Không những vậy, toàn bộ món ăn của khu nghỉ dưỡng đều là những món ăn đặc sản, quen thuộc của Lâm Thượng. Nào là vịt bầu, cá bống nộm chuối, cá suối chiên giòn, xôi ngũ sắc, cơm lam… và cả những thức quà từ núi rừng như rau dớn, rau thối, rêu suối…
Món vịt bầu Lâm Thượng được thưởng thức cùng các loại rau thơm như: Rau húng vịt, dổi đất, lá mơ, lá quất hồng bì non, rau mùi tàu. |
“Chưa bao giờ tôi nghĩ, những món ăn ngày thường của dân tộc Tày nơi đây lại có thể làm vừa lòng các vị khách, từ đó tôi luôn chú trọng ẩm thực địa phương, mùa nào thì đặc sản đó”, bà Sinh nói.
Những đoàn du khách có số lượng lớn, mong muốn được giao lưu thưởng thức các điệu hát then, hát khắp, hát cọi của người Tày cũng được bà Sinh đáp ứng để du khách được thưởng thức trọn vẹn văn hóa dân tộc Tày xã Lâm Thượng.
Các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ và đặc sản địa phương Lâm Thượng được bà Sinh đặt ngay ngắn trước khu nghỉ dưỡng. |
“Nhờ phát triển mô hình du lịch cộng đồng, tôi nâng cao được ý thức bảo vệ môi trường, giữ nguyên vẹn môi trường sinh thái tự nhiên của Lâm Thượng”, bà Sinh nhấn mạnh.
Không đứng ngoài chuyển đổi số, tìm tòi phát triển đa dạng khu du lịch của mình, bà Sinh học tiếng Anh để có thể giao tiếp được với khách quốc tế, tham gia mạng xã hội giới thiệu về thôn Trang Pồng, xã Lâm Thượng đến bạn bè gần xa.
Thấy được tiềm năng phát triển kinh tế bền vững và hiệu quả mọi mặt của mô hình du lịch cộng đồng, bà Sinh cũng giúp đỡ bà con trong thôn hình thành mô hình tương tự.
Nhìn vào những kết quả đạt được, du lịch cộng đồng như một tia nắng chiếu rọi cả thung lũng Lâm Thượng. Từ người phụ nữ dân tộc thiểu số chỉ biết lên rừng, làm nương bây giờ có thể làm kinh tế, góp phần không nhỏ vào việc truyền cảm hứng, là tấm gương của bản làng.
Chị Simtan Suiling cảm nhận sự ấm áp, chân thành mà bà Sinh mang lại có sức hút hơn vẻ bề ngoài. |
Chị Simtan Suiling (du khách đến từ thành phố Johor Bahru, bang Johor, Malaysia) chia sẻ: “Đêm đến, chúng tôi hát nhạc và nhảy múa cùng bà con dân tộc Tày. Chúng tôi đã nói chuyện, hòa vào điệu nhảy với ánh trăng. Tất cả tạo nên cảm giác hài hòa, tôi cảm nhận được bầu không khí của một gia đình Việt Nam thân thiện, mến khách”.
Chính quyền luôn đồng hành cùng người dân
Theo ông Hoàng Văn Cói, Phó chủ tịch UBND xã Lâm Thượng: Nắm bắt nhu cầu, hiệu quả về du lịch, địa phương đã tuyên truyền, vận động người dân đầu tư cơ sở vật chất, phát triển du lịch cộng đồng tại các thôn: Trang Pồng, Tông Pắng, Khéo Lẹng… và xây dựng các tour trải nghiệm đi tham quan thác Sả Tràn ở Nậm Chắn, leo đồi 700 (xã Khai Trung); tham quan hang Cảm Dương (xã Liễu Đô). Du lịch phát triển đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương và tạo môi trường, cảnh quan xanh - sạch - đẹp.
Bà Nông Thu Hà, Phó chủ tịch UBND huyện Lục Yên cho biết: “Xác định phát triển du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh, thời gian tới, huyện định hướng cho các hộ làm dịch vụ homestay không chỉ là điểm lưu trú mà còn để du khách trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc, khám phá thiên nhiên, phong tục tập quán, sinh hoạt của người dân bản địa”.
Sự mộc mạc của thôn bản luôn là vẻ đẹp khiến ai một chân đặt chân đến thung lũng Lâm Thượng đều nhớ mãi không quên. |
Bên cạnh đó, huyện Lục Yên cũng tiếp tục triển khai thực hiện tốt chính sách hỗ trợ, mua sắm thiết bị, đầu tư hệ thống và cung cấp nước sạch cho các hộ homestay. Đồng thời, tiếp tục mở các lớp tập huấn về kỹ năng giao tiếp và quản lý dịch vụ homestay nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch một cách chuyên nghiệp.
Ngoài ra, huyện tăng cường quảng bá, xúc tiến thu hút đầu tư tại các xã có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng để vừa nâng cao thu nhập cho người dân vừa giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc.
Huyện Lục Yên hiện có 23 cơ sở lưu trú; trong đó có 14 khách sạn, nhà nghỉ với 245 phòng, 3 cơ sở đạt tiêu chuẩn 2 sao, 1 cơ sở đạt 1 sao và hàng chục cơ sở homestay hoạt động. Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2022, mặc dù dịch Covid-19 còn nhiều diễn biến phức tạp, nhưng tổng lượt khách du lịch đã đạt 48.750 lượt, bằng 54,2% nghị quyết; doanh thu đạt 37,6 tỷ đồng.
Bài và ảnh: HỒNG PHÚC
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.