Nhà giáo không nên lạm quyền trong xưng hô, giao tiếp
Với tư cách là người gieo mầm thiện, bồi đắp nhân cách, lan tỏa tri thức, thắp sáng ước mơ cho học sinh, mỗi nhà giáo phải hiểu đúng vị thế, vai trò, chức danh, đặc trưng nghề nghiệp của mình để xưng thể hiện văn hóa xưng hô, giao tiếp với các bậc phụ huynh, rộng hơn là với các thành phần xã hội sao cho nhã nhặn, văn minh, lịch sự.
Chỉ có như vậy niềm trân trọng, tin yêu của các tầng lớp nhân dân và phụ huynh dành cho đội ngũ nhà giáo mới đong đầy, trọn vẹn.
Vụ việc một cô giáo ở một trường tiểu học trên địa bàn quận 1, TP Hồ Chí Minh có những tin nhắn mong muốn/đề nghị (và bao hàm cả tính chất yêu cầu, đòi hỏi) phụ huynh giúp tiền mua chiếc laptop và máy in nhằm phục vụ công tác chuyên môn, khiến phần đông phụ huynh tỏ ý không đồng thuận, không hài lòng. Dù giáo viên này đã lên tiếng xin lỗi phụ huynh và bị nhà trường tạm đình chỉ dạy học nhưng vụ việc này thêm một lần cảnh báo về sự ảo tưởng quyền lực của một số nhà giáo thời nay.
Một trong những biểu hiện ảo tưởng quyền lực dễ thấy của một số giáo viên là tự xưng “cô”, “thầy” trong giao tiếp, trò chuyện, trao đổi, ứng xử với phụ huynh học sinh.
Một tiết học của cô trò Trường Tiểu học Thăng Long (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: KHÁNH HÀ |
Chẳng hạn, cô giáo nêu trên thông báo số tiền phụ huynh đóng rồi nhắn trên nhóm Zalo chung của lớp với những câu: “Cô giữ tiền..., cô đưa cho cô bảo mẫu..., cô đóng quỹ..., cô giữ lại...”. Rồi sau đó cô giáo tiếp tục nhắn tin: “Cô mua cái laptop, còn bao nhiêu cô báo phụ huynh. Và cô xin cái laptop này luôn nha phụ huynh”. Khi một số phụ huynh không đồng ý thì giáo viên này thể hiện sự giận dỗi: “Đã có phụ huynh không đồng ý thì cô sẽ không nhận. Cô tự mua và tự sử dụng. Còn máy in cô cũng tự mua luôn nha phụ huynh. Cô không nhận gì của phụ huynh cả”.
Trong giao tiếp, xưng hô của người Việt, “cô” là từ dùng để gọi em gái ruột (hoặc em gái họ) của cha, tức là bậc trên của các cháu. “Cô” trong trường hợp này có vai vế như bậc cha chú, nghĩa là ở bề trên. Còn trong môi trường văn hóa ứng xử học đường, “cô” là từ học sinh dùng để gọi giáo viên nữ, hoặc là từ cô giáo dùng để tự xưng khi nói chuyện, trao đổi, giảng dạy với học sinh. Như vậy, từ “cô” trong trường hợp này đều mang ý nghĩa là danh xưng người trên đối với người dưới.
Còn “phụ huynh” (phụ: cha, huynh: anh), tức là bề trên, là người yêu thương, chăm sóc, bảo vệ, giáo dục và chịu trách nhiệm đối với những đứa trẻ trong gia đình của mình.
Như vậy, xét về mặt trật tự vai vế, cả phụ huynh và cô giáo (hay thầy giáo) đều là bề/bậc trên của học sinh.
Trật tự vai vế rõ ràng, cụ thể như vậy, thế nên các cô giáo (thầy giáo) không nên tự cho mình cái quyền đứng trên các bậc phụ huynh khi xưng mình là cô (thầy) trong giao tiếp, trò chuyện, trao đổi tin nhắn. Bởi trên thực tế, nhiều giáo viên tiểu học mới ra trường và công tác được dăm bảy năm, ở độ tuổi 22-30 mà lúc nào cũng lấy cái danh xưng “cô, thầy” để trò chuyện, trao đổi, nhắn tin với các bậc phụ huynh là không phù hợp cả về đạo lý và quy tắc ứng xử của nhà giáo.
Về đạo lý, "xưng khiêm hô tôn" là một đặc trưng giao tiếp tinh tế, nhã nhặn của ông cha ta. Phong cách xưng hô này thể hiện sự khiêm nhường của người nói luôn tôn trọng, đề cao người nghe. Vì thế, nhà giáo lúc nào cũng muốn “đứng trên”, đứng cao hơn người khác trong giao tiếp, ứng xử là chưa tuân theo phép tắc đạo lý truyền thống của người Việt.
Về nguyên tắc, Luật Giáo dục 2019 quy định, một trong những nhiệm vụ của nhà giáo là phải gương mẫu thực hiện "quy tắc ứng xử của nhà giáo” (Điều 69). Cụ thể hơn, Thông tư số 06/2019/TT-BGDĐT ngày 12-4-2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định "Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên”, yêu cầu giáo viên khi ứng xử với cha mẹ người học phải bảo đảm “Ngôn ngữ đúng mực, trung thực, tôn trọng, thân thiện, hợp tác, chia sẻ; không xúc phạm, áp đặt, vụ lợi” (Điều 6).
Ở nội bộ trường học phổ thông, mọi giáo viên đều là bậc trên của học sinh nên có thể xưng cô, thầy với các em được; nhưng không nên/không thể xưng cô, xưng thầy với các phụ huynh. Vì theo nghĩa rộng, "phụ huynh” bao gồm cả cha mẹ, ông bà, anh chị của học sinh, mà trên thực tế thì có nhiều cha mẹ, ông bà học sinh có tuổi đời cao hơn giáo viên, có vị trí xã hội, chức vụ công tác và trình độ học vấn, tư cách nghề nghiệp ngang bằng, thậm chí cao hơn họ, thế nên việc xưng ngôi “cô, thầy” khi trò chuyện, giao tiếp, nhắn tin với phụ huynh là thiếu nhã nhặn, chưa chuẩn mực.
Ứng xử tinh tế, nói năng nhã nhặn, giao tiếp khéo léo, xưng hô chuẩn mực là một phần làm nên văn hóa sư phạm của nhà giáo, qua đó góp phần xây dựng môi trường văn hóa học đường nhân văn, lành mạnh. Vì vậy, với tư cách là người gieo mầm thiện, bồi đắp nhân cách, lan tỏa tri thức, thắp sáng ước mơ cho học sinh, mỗi nhà giáo phải hiểu đúng vị thế, vai trò, chức danh, đặc trưng nghề nghiệp của mình để xưng thể hiện văn hóa giao tiếp, ứng xử với các bậc phụ huynh, rộng hơn là với các thành phần xã hội sao cho nhã nhặn, văn minh, lịch sự. Chỉ có như vậy niềm trân trọng, quý mến, tin yêu của các tầng lớp nhân dân và phụ huynh dành cho đội ngũ nhà giáo mới đong đầy, trọn vẹn.
THIỆN VĂN
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.